Trong những thời kì trước đây, không phải nhà phát triển nào cũng có điều kiện thay đổi engine game của mình hàng năm. Kết quả là phần lớn các hậu bản (sequel) được làm ra đều có đồ họa - đôi khi là cả giao diện - giống hệt như nguyên bản. Điểm khác nhau lớn nhất giữa chúng đôi khi chỉ là nội dung và cốt truyện, tuy nhiên, trí tưởng tượng và sự yêu thích đối với phiên bản gốc cũng đủ để khiến fan hâm mộ hài lòng.
Ngày nay, các hậu bản hiếm khi được làm cho những "người cũ". Các nhà phát triển thường nhắm tới việc mở rộng thị trường của mình và liên tục thay đổi bộ tính năng gốc để nhiều đối tượng mới có thể tiếp cận với sản phẩm của họ hơn.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp "quá tay", chẳng hạn như
Dragon Age 2, sự thay đổi dường như đã lớn đến mức fan hâm mộ của
Dragon Age: Origins hầu như không thể chấp nhận được phần 2 nữa.
Một tựa game ăn liền chúng ta chơi trong vài tuần rồi bỏ đi có chi phí đầu tư trung bình từ 10 đến 20 triệu USD - các tựa game lớn còn tốn kém hơn nhiều lần. Hầu hết các nhà phát triển đều đứng trước lựa chọn hoặc là sinh lãi cho nhà phát triển đang sở hữu mình, hoặc là phá sản, vì thế cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi họ phải cố tạo ra những trải nghiệm chơi mà tất cả mọi người đều thích. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cắt nghĩa trải nghiệm này như thế nào?
Hãy nói về
Portal 2 - tựa game A+ mới nhất của Valve. Đây không phải là một game bắn súng - nó thậm chí cũng chẳng phải là game nhập vai hay phiêu lưu có bối cảnh hào hùng hay mãnh liệt.
Portal 2 chỉ đơn giản là bản nâng cấp cho
Portal - một game giải đố, tìm đường mà Valve đã phát hành 3 năm trước đó. Game sử dụng cùng một bộ engine, có cùng các nhân vật và sự bổ sung của một mục chơi co-op xuất sắc.
Người chơi đón nhận Portal 2 như thế nào: Nồng nhiệt. Valve chú trọng đến việc tạo ra một tựa game mà tất cả những người đã từng chơi Portal nguyên bản sẽ yêu thích. Họ không mất công thêm vào những tính năng để thu hút cộng đồng người chơi FPS, hay những tình tiết truyện loằng ngoằng để "mở rộng đối tượng" như các nhà phát triển khác. Thế nhưng, như chúng ta đều biết, Portal 2 bán chạy hơn Dragon Age 2 rất nhiều, mà lại có chi phí sản xuất thấp hơn.
Theo như tổ chức thống kê doanh số game VGchartz, doanh số của Dragon Age 2 đang được bán ra ở ngưỡng đáng báo động 30,000 bản/tuần trên toàn thế giới - Chưa bằng một phần mười của Dragon Age: Origins cùng kì. Tại sao EA lại phải vật vã bỏ ra tần đấy tiền để chọc tức chính cộng đồng đã làm nên tiếng tăm của mình để lôi kéo thêm một lượng khách hàng với thói quen chơi game kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" như thế?
Dĩ nhiên, Valve cũng luôn muốn có thêm khách hàng mới, nhưng họ không tìm đến một cộng đồng khác hẳn với những người họ quen phục vụ, và nhất là không bao giờ từ bỏ fan hâm mộ của mình.
Nên nhớ, người chơi lâu năm là một trong những tiếng nói có trọng lượng nhất trong ngành công nghiệp hiện nay - nhất là khi giới bình luận đã mất dần uy tín do chạy theo tiếng tăm và lợi nhuận - việc bỏ rơi họ cùng đồng nghĩa với việc ném qua cửa sổ một lượng khách hàng trung thành, cùng với những khách hàng tiềm năng mà họ có thể gây ảnh hưởng.
Rất nhiều game thủ chẳng hề để ý đến RPG hay game giải đố. Điều đó không có nghĩa chúng là những tựa game tệ. Một nhà phát triển nên giữ vững lập trường của mình, tin tưởng vào những tính năng gốc đã định nghĩa nên chất game của họ và chú trọng hơn đến việc làm hài lòng cộng đồng mình đã có sẵn.
Nếu như muốn mở rộng, hãy tập trung vào đúng thời điểm và sử dụng thương hiệu mới - đó là bài học mà hai tựa game được chú ý nhất trong nửa đầu 2011 dạy cho chúng ta.