Công bố không lâu sau khi dòng PC chơi game chuyên biệt do Valve cung cấp Steam Machine lộ diện, hệ điều hành SteamOS được quảng cáo là sẽ tăng cường hiệu năng xử lý cho các ứng dụng trò chơi so với Windows truyền thống. Xây dựng dựa trên nền tảng mã nguồn mở Linux, đại diện Valve từng phát biểu vào năm 2013: "Với SteamOS, chúng tôi đã đạt được kết quả đáng kinh ngạc trong việc xử lý đồ họa. Các nhà phát triển game hiện tại đã bắt đầu tận dụng những ưu thế này trong những sản phẩm sắp tới của họ dành cho SteamOS. "
Nhưng sự thực thì SteamOS có khiến các tựa game PC chạy mượt hơn so với các phiên bản Windows? Theo kết quả thử nghiệm bước đầu do trang công nghệ Ars Technica thực hiện thì hoàn toàn ngược lại: SteamOS khiến tốc độ khung hình trong game bị giảm sút đi khá nhiều.
Hai hệ điều hành được sử dụng là Windows 10 và SteamOS trên cùng một cấu hình máy như nhau. Hiện tại số lượng đầu game hỗ trợ SteamOS vẫn còn khá hạn chế, vì thế Ars Technica đã lựa chọn hai sản phẩm đòi hỏi nặng về xử lý đồ họa như Middle Earth: Shadow of Mordor, Metro Last Light Redux. Mỗi tựa game sẽ được chạy 3 lần tổng cộng để lấy ra số FPS trung bình trước khi đem ra so sánh. Kết quả như sau:
Sự chênh lệch rất rõ ràng về khả năng xử lý game của SteamOS và Windows 10.
Hệ thống sử dụng SteamOS cho hiệu năng khá tệ, thấp hơn từ 20 - 30 FPS tùy thuộc vào từng mức tủy chỉnh cấu hình. Với sự khác biệt một trời một vực như thế này, rõ ràng SteamOS đã mất điểm trong mắt cộng đồng game thủ.
Chuyển sang một số tựa game xây dựng trên Source Engine - vốn là "gà nhà" của Valve, SteamOS vẫn thua sút so với Windows 10 ở 3/4 phép thử, chỉ trừ có Left 4 Dead 2 là xấp xỉ ngang nhau.
Game phát triển bởi chính Valve cũng không khá hơn.
Trang Ars Technica đưa ra nhận xét cho rằng bài thử nghiệm của mình chưa được toàn diện vì số lượng game hỗ trợ SteamOS hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa kể chúng đều là các bản port từ Windows sang. Nếu một sản phẩm được xây dựng với SteamOS làm nền tảng chính có thể nó sẽ cho kết quả khác khả quan hơn với hệ điều hành của Valve.
Yếu tố khác nữa đó là SteamOS vẫn đang trong giai đoạn phát triển còn sơ khai, vì thế các phiên bản nâng cấp sắp tới có thể sẽ cho hiệu năng xử lý ưu việt hơn so với thời điểm hiện tại. Nếu muốn tự mình trải nghiệm, các bạn có thể xem hướng dẫn cài đặt chi tiết hệ điều hành này tại đây.
Một hạn chế khá dở nữa đang tồn tại ở SteamOS, đó là việc không phải tựa game nào cũng hỗ trợ hệ thống cloud save thường dùng để đồng bộ dữ liệu giữa các máy tính. Điều này đồng nghĩa với việc có một số tựa game bạn sẽ phải chơi lại từ đầu nếu như chuyển sang sử dụng hệ điều hành của Valve. Nói tóm lại, việc thưởng thức game trên SteamOS vẫn chưa thể hiện được sự ưu việt và tiện lợi như Valve quảng cáo và xem ra chúng ta cần phải chờ thêm một thời gian nữa khi các máy Steam Machine trở nên phổ biến để có cái nhìn chính xác hơn về SteamOS.
>> Valve bất ngờ công bố hệ điều hành riêng