Một game phiêu lưu khá nhẹ nhàng để giải trí.
Gone Home Phát triển: The Fullbright Company Thể loại: Phiêu lưu Hệ máy: PC Ngày phát hành: 15/8/2013 Ưu điểm: Gameplay mang cảm giác rất thật, kịch bản lôi cuốn. Nhược điểm: Thời gian chơi ngắn ngủi, đoạn kết hơi sơ sài. |
Bạn đã bao giờ trải qua cái cảm giác cô đơn và sợ hãi khi phải ở một mình trong căn nhà rộng lớn không bóng người trong một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đùng chưa? Nếu chưa nhưng bạn lại muốn thử một lần cho biết thì Gone Home của Fullbright Company chính là tựa game mà bạn đang tìm kiếm.
Gone Home.
Trong Gone Home, người chơi sẽ vào vai Kaitlin Greenbriar, con gái lớn của ông Terry và bà Jan Greenbriar. Sau một năm đi du lịch và trải nghiệm cuộc sống vòng quanh châu Âu, Kaitlin cuối cùng cũng quyết định trở về nhà vào một đêm mưa tháng Sáu năm 1995. Tuy nhiên, trớ trêu thay, trong cái khoảnh khắc mà Kaitlin đã mong chờ được gặp lại bố mẹ cùng đứa em gái bé bỏng sau thời gian dài xa cách thì cô chợt nhận ra rằng ngôi nhà mới của gia đình họ hoàn toàn không có một bóng người.
Cửa căn nhà đã bị khóa.
Đáng lo lắng hơn, Kaitlin còn nhận được lời nhắn vô cùng khác thường từ cô em mới 17 tuổi Sam cùng một đoạn tin thoại của mẹ cô gọi điện về nhà trong tiếng khóc cầu xin đứa con gái của mình nhấc máy. Điều này tự nhiên khiến người chơi với vai trò cô chị trong nhà cảm thấy lo lắng về những thứ không hay có thể đã xảy ra với em gái của mình và còn đáng sợ hơn khi cô sẽ phải tìm hiểu về chúng trong một căn nhà mới rộng thênh thang giữa đêm tối đầy bất trắc.
Lời nhắn trên cửa của Sam.
Ngay từ những bước đi đầu tiên vào nhà, người chơi đã có thể cảm thấy ngay sự lạnh lẽo và đáng sợ của một không gian rộng lớn không có người, thấy không an toàn bởi ánh đèn nhấp nháy và những góc tối đầy bí hiểm. Vì thế, chầm chậm bước từng bước, cẩn thận nhìn xung quanh và bật tất cả các công tắc đèn trong phòng có lẽ là thói quen chung của bất cứ ai đã từng trải nghiệm qua tình huống kiểu này.
Bóng tối luôn làm con người sợ hãi.
Dẹp qua một bên nỗi sợ, người chơi sẽ bắt đầu tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện bằng việc tương tác với tất cả mọi vật dụng trong nhà như sách, báo, đồ trang trí, điện thoại... Có đến hàng trăm đồ vật mà người chơi có thể chạm vào, nhặt lên và ngắm nghía nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó là quan trọng và liên quan trực tiếp tới câu chuyện chính của game.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà phần lớn còn lại chỉ là những thứ vô tác dụng mà thực chất mỗi vật dụng ấy đều giúp cho người chơi cảm nhận được sự tồn tại, nếp sinh hoạt cũng như tính cách của những con người sống trong căn nhà một cách gián tiếp. Nhờ đó, người chơi có thể tự mường tượng ra bối cảnh diễn ra câu chuyện và phản ứng của mỗi nhân vật trong từng diễn biến cụ thể.
Tính cách con người được hiện lên qua các đồ vật.
Lang thang khắp mọi ngóc ngách trong căn nhà, người chơi sẽ tìm thấy được những đoạn nhật kí, những mẩu giấy trao đổi cùng bạn bè hay các đồ vật gắn với kí ức mà cô em gái Sam đã trải qua. Với mỗi manh mối tìm được, giọng nói của Sam sẽ lại vang lên để kể cho chi của mình nghe về những trải nghiệm của cô, về bạn bè, về những rắc rối và cảm xúc khác thường mà một cô gái mới lớn cảm nhận được. Từng chút từng chút một, các mảnh ghép của câu chuyện bí ẩn đằng sau sự biến mất của mọi người sẽ dần dần được phơi bày qua lời tự sự của Sam.
Những bức thư của Sam sẽ là manh mối quan trọng.
Bởi vì Gone Home không đòi hỏi người chơi phải tiêu tốn thời gian và trí lực để giải những câu đố hóc búa hay phải thật tài giỏi để chiến đấu chống lại kẻ thù xấu xa, hung hãn nên game chỉ sở hữu một độ dài khá khiêm tốn khoảng 1 đến 2 giờ. Nếu bạn muốn kết thúc Gone Home thật nhanh chóng trong 1 giờ thì đó là một nhiệm vụ hoàn toàn khả thi bởi việc tìm kiếm những đồ vật quan trọng liên quan đến Sam thực chất không tốn nhiều thời gian và công sức.
Tuy nhiên, cách chơi nhanh như vậy cũng sẽ khiến bạn bỏ qua những trải nghiệm đáng giá mà đội ngũ phát triển đã chủ động xây dựng nên qua bối cảnh của câu chuyện.
Đống băng The X-File.
Không chỉ là một cuộc tìm kiếm để giải đáp những bí ẩn về sự biến mất đột ngột của các thành viên trong gia đình Kaitlin, Gone Home còn là một chuyến hành trình về quá khứ những năm 90 vô cùng sống động.
Thông qua căn nhà, cách trang trí và những đồ dùng, vật dụng thường ngày như tivi, đài cát xét hay máy điện tử bốn nút, người chơi sẽ có cảm giác như thời gian đã trôi ngược 20 năm để họ được trở về với những ngày thơ ấu: tựa game băng nổi tiếng một thời Street Fighter II, bộ phim JFK của Oliver Stone hay series phim khoa học viễn tưởng đình đám The X-File là những dấu ấn không thể nào quên, là một phần văn hóa Mỹ trong những năm 90 của thế kỉ 20.
Gone Home Trailer.
Khởi đầu với những nét đặc trưng của một tựa game kinh dị như bóng tối, căn nhà rộng lớn, trống rỗng và đêm mưa bão bùng nhưng dường như trong Gone Home, đó chỉ là chất xúc tác để làm cuộc tìm kiếm, điều tra về bí ẩn của căn nhà vắng người thêm hồi hộp. Với một số người, có lẽ cái kết của Gone Home khá là ngớ ngẩn và chẳng có gì thú vị nhưng nếu suy nghĩ một cách thấu đáo và sâu sắc, người chơi sẽ thấy tính thực tế và những tâm sự chân thật nhất của một phần đặc biệt của thế giới qua câu chuyện của game.
Nếu nói rằng Gone Home là một tựa game để chơi giải trí thì có lẽ là không đúng mà chính xác hơn đó là một trải nghiệm ảo để tìm hiểu về cuộc sống của con người vào những năm 90.