Giải mã những ngôn ngữ hư cấu trong game

PSD  - Theo Trí Thức Trẻ | 19/04/2015 0:00 AM

Không ít trò chơi đã sáng tạo ra cả một bộ ngôn ngữ riêng để mang đến trải nghiệm thuyết phục hơn đến với game thủ.

Ngoài bối cảnh, hình ảnh, âm thanh, một yếu tố quan trọng làm nên trải nghiệm trong game mà ít được đề cập tới là ngôn ngữ. Giọng dân thành thị California dù rất phù hợp cho GTA nhưng sẽ hoàn toàn lệch tông nếu đưa vào một game bối cảnh Fantasy. Đáng mừng là các nhà làm game ngày càng chú trọng vào việc làm cho thế giới game trở nên chân thực hơn với những nhân vật sống động, văn hóa phong phú và thậm chí cả hệ thống ngôn ngữ riêng.

Dưới đây hãy cùng giải mã một số loại ngôn ngữ giả tưởng trong game, trong đó bao gồm cả những cải biên đơn giản của ngôn ngữ thông thường và số khác hoàn toàn do các nhà làm game sáng tạo nên.

Tiếng Hylian (The Legend of Zelda)

Series The Legend of Zelda sở hữu tới nửa tá ngôn ngữ khác nhau, mỗi loại trong đó đặc trưng cho một giống loài riêng biệt. Trong số đó, Hylian là ngôn ngữ phổ biến nhất, vốn được biểu diễn bằng bảng chữ tượng hình đơn giản. Bối cảnh thời gian khá rắc rối của các tựa game khiến cho ngôn ngữ này có rất nhiều biến thể và giữa chúng hầu như không có sự liên quan.

Sử dụng trong phiên bản Ocaria và Majora’s Mask là tiếng “Hylian cổ”, trong khi đó Wind Walkers với bối cảnh hiện đại hơn thì dùng tiếng “Hylian mới”. Theo như game thì những cư dân nói hai thứ tiếng này không thể hiểu nhau, trong khi cả 2 đều dựa trên katakana, bảng chữ cái tượng thanh của Nhật Bản. Tới Twilight Princess, tiếng Hylian lại được chế biến theo bảng chữ cái Latin. Nhưng dù với biến thể nào, các kí tự Hylian đều không thực sự dịch được thành câu có nghĩa.

Hãy thử dụng cụ phiên dịch sau đây để dịch tên của bạn sang tiếng Hylian.

Dovahzul (Skyrim)

Dovahzul là tên không chính thức để chỉ ngôn ngữ của loài rồng trong Skyrim, được biểu diễn bằng 34 kí tự bao gồm các âm tiết lẫn chữ cái. Loài rồng sử dụng móng để tạo nên các chữ cái trên đá, do vậy hầu hết những kí tự này trông như những vết đục và cào.

Khi được ghép đúng cách, các từ trong ngôn ngữ Dovahzul lúc đọc lên có thể tạo ra hiệu ứng phép thuật gọi là “tiếng hét” hay “thu’um”. Điều thú vị là tiếng Dovahzul không có dấu câu, vì khi những con rồng gầm lên thì ngắt câu cũng không thực sự cần thiết. Nếu muốn học cách thét sao cho uy lực, bạn có thể tham khảo hướng dẫn học tiếng Dovahzum tại đây.

Simlish (The Sims)

Tưởng chừng như Simlish sẽ được các fan của dòng game The Sims dùng để trao đổi khi gặp mặt giống như tiếng Klingon trong Star Trek hay Dorathki của Game of Thrones. Nhưng đáng tiếc chưa ai dịch được thứ ngôn ngữ này, đơn giản vì nó chỉ là những âm thành và kí tự vô nghĩa. Mặc dầu không có logic gì, một số “câu nói” trong tiếng Simlish vẫn gắn liền với những hành động nhất định của nhân vật, chẳng hạn như reo hò phấn khích.

Ít ai biết rằng dự định ban đầu là sử dụng ngôn ngữ của người da đỏ cải biên, tuy nhiên Maxis đã từ bỏ ý tưởng này vì không muốn có các cấu trúc xuất hiện lặp đi lặp lại. Mặc dầu được biết đến là thứ ngôn ngữ vô nghĩa, fan của dòng game vẫn cố gắng thiết lập một bảng chữ cái từ các kí tự rải rác trong game. Tuy nhiên nỗ lực này đổ vỡ khi Sims 4 giới thiệu một bảng chữ cái hoàn toàn mới.

Panzerese (Panzer Dragoon)

So với những cái tên khác trong danh sách, Panzerese là một ngôn ngữ khá lạ lẫm. Là đứa con tinh thần của Yukio Futatsugi, phát triển dự án đồng thời là một nhà ngôn ngữ học tâm huyết, ngôn ngữ này chứa đựng các yếu tố của tiếng Nga, Hy Lạp cổ và cả Latin. Nhưng mặc dù tên game chứa những từ tiếng Đức như Panzer (xe tăng) hay Zwei (phần hai), Panzerese lại không dùng đến thứ tiếng này.

Tuy dòng game Panzer Dragoon rất nổi tiếng, nhưng vẫn chưa rõ Futatsugi có lập hẳn một bản chữ cái cho ngôn ngữ của mình không. Chắc hẳn ông có phác qua một số quy tắc ngữ pháp và từ vựng cơ bản trong cuốn sổ tay của mình.

Al Bhed (Final Fantasy X)

Một quy tắc khi phát triển ngôn ngữ mới cho video game là phải làm sao cho mọi thứ thật đơn giản. Phương pháp nhanh gọn nhất để thực hiện điều này là tráo đổi chữ cái, nhưng vẫn phải giữ nguyên âm và phụ âm đi với nhau để có thể đọc lên được.

Al Bhed trong Final Fantasy X là một ví dụ nổi tiếng sử dụng thủ pháp này. Điều kì lạ về ngôn ngữ này, ngoài việc những người sử dụng nó trông như thành viên ban nhạc The Prodigy là người chơi có thể nhận thấy các chữ cái trông như chữ Latin được cách điệu. Thực tế chúng chính là chữ cái Latin nhưng được tráo đổi cho nhau, ví dụ A thành Y và L thành M. Nếu muốn trêu chọc cấp trên bằng cách viết báo cáo bằng tiếng Al Bhed, hãy sử dụng công cụ này.

(Còn tiếp)

>> Tuyệt chiêu nào "bá đạo" nhất thế giới game?