- Theo Trí Thức Trẻ | 17/09/2015 07:57 PM
Trong khi những năm gần đây, người chơi được thưởng thức nhiều tựa game hành động bắn súng hấp dẫn, với công nghệ đồ họa đỉnh cao thì trước đó không phải ai cũng có được may mắn như vậy. Là một game thủ, chắc chắn bạn sẽ chẳng còn xa lạ gì với Doom, Quake hay Wolfenstein 3D, những tựa game bắn súng đã định hình nên 80% ngành game hiện tại. Những màn chơi cực kỳ ấn tượng được thưởng thức khi còn thơ ấu chắc chắn là một trong những ấn tượng không thể nào quên trong suốt quãng đời làm game thủ của chúng ta.
Những thành tựu to lớn như ngày nay mà ngành công nghiệp game đã đạt được là nhờ công sức của không ít những vị “tiền bối” có uy tín lớn.“Vị anh hùng” đáng được nhắc đến lần này không ai khác hơn, chính là John Carmack.
Nhà lập trình game ở tuổi 50 này chính là thành viên đồng sáng lập ra hãng id Software lừng lẫy, mà tên tuổi gắn liền với tựa game định hình thể loại bắn súng góc nhìn người thứ nhất, Doom. Carmack hiện vẫn được xem là một trong những nhà lập trình hàng đầu thế giới trong việc thiết kế game, mặc dù tiếng tăm của ông được nhiều người biết nhờ nỗ lực đổi mới công nghệ đồ họa 3D nhiều hơn.
Hiển nhiên, bạn sẽ hẳn muốn biết, nhà làm game bậc thầy như Carmack đã trải qua cuộc sống của ông như thế nào? Từ đâu đã đem đến cho ông nguồn động lực để góp phần tạo ra những tựa game độc đáo đến thế. Điều chắc chắn có thể khẳng định là Carmack có một niềm đam mê rất lớn với máy tình ngay từ nhỏ.
Sinh trưởng ở bang Kansas, theo tiểu sử của ông say mê máy tính đến mức gần như “cuồng tín”. Chính bởi vì vậy nên năm 14 tuổi, ông đã từng tìm cách… “chôm” máy tính Apple II ở trường. Dĩ nhiên, sự việc này sớm bị bại lộ. Tuy phải chịu hình phạt của mình, nhưng khi được hỏi nếu không bị phát hiện, liệu ông có tiếp tục làm thế nữa không, cậu Carmack trẻ tuổi đáp: "Chắc là có!”.
Chúng tôi đã từng giới thiệu về những “kẻ thất học” đình đám của làng game thế giới. Và bất ngờ thay, cái tên đầu tiên trong danh sách hoàn toàn chẳng phải Gabe Newell, mà lại chính là John Carmack. Người đàn ông đã được coi là huyền thoại sống trong giới game bắn súng này ít ai ngờ đã bỏ trường đại học Missouri ngay sau 2 học kỳ.
Sau hai học kì ở Đại học Thành phố Missouri-Kansas, ông rời bỏ việc học để làm nhà lập trình viên tự do. Được hãng Softdisk ở Shreveport tiếp nhận, Carmack bắt đầu sự nghiệp của mình, và cũng chính tại đây, ông được tiếp xúc cùng những thành viên mà sau này đều trở thành những nhân tố quan trọng của id Software.
Vào năm 1990, tựa game đầu tiên trong game Commander Keen thực hiện bởi nhóm của ông được cho phát hành đến công chúng. Tiếp nối thành quả này, Carmack cùng đồng nghiệp chính thức rời bỏ hãng cũ để sáng lập ra id Software.
Như bạn đã biết, từ đây, những thương hiệu game nức tiếng thời ấy như Wolfenstein 3D, Doom rồi Quake lần lượt được cho ra đời và thành công của hãng được tiếp nối đến tận giờ. Nhắc một chút về Doom, vào thời điểm ra mắt, game đại diện cho một bước nhảy vọt lớn so với Wolfenstein trước đó. Kết quả là Doom có nhiều tính năng đồ họa 3D cao cấp hơn, mọi bề mặt trong game đều được phủ hoa văn hoặc màu sắc, ánh sáng mỗi khu vực cũng khác nhau, màu cũng đa dạng hơn.
Nhưng điểm cách tân thật sự của Doom đó là game có thể chạy trên phần cứng không cần phải quá mạnh mẽ bởi nhà phát triển đã áp dụng nhiều thủ thuật để giảm mức độ tiêu thụ tài nguyên.
Một điểm đáng nói khác trong phong thái làm game của Carmack là ông rất rộng rãi. Hầu hết những tựa game của id Software có sự góp mặt của ông đều được công bố mã nguồn vài năm sau ngày phát hành. Gần đây nhất tại QuakeCon 2007, nhà lập trình tiết lộ, mặc dù không thể nói trước ngày nào, nhưng kể cả mã nguồn của Doom 3 cũng được chia sẻ cho cộng đồng. Điều này thật là hiện tượng không phải lúc nào cũng xảy ra trong làng game cạnh tranh khắc nghiệt.
Hiện tại, John Carmack đang đảm nhiệm chức vụ CTO, giám đốc công nghệ của Oculus VR, thương hiệu sản xuất kính thực tế ảo đình đám thời gian qua.
Nói về quan điểm khi thực hiện những tựa game tâm đắc của mình, Carmack thường ít khi nào tiết lộ chính xác ngày ra mắt chính thức của sản phẩm. Ông chỉ trả lời rằng, một trò chơi chỉ được phát hành khi nó đã hoàn thiện.
Tuyên bố trên tỏ rõ việc đặt chất lượng lên hàng đầu của Carmack, dù chưa biết phản ứng của người chơi sẽ như thế nào. Ngoài ra, ông cũng còn là người khá “hài hước”. Ông từng ví von: “Vai trò của cốt truyện trong trò chơi có vị trí ngang tầm trong những bộ phim cấp ba. Có thì thì càng tốt, mà không có cũng không sao”. Đương nhiên phát biểu này của Carmack đã gây ra không ít tranh cãi trong làng game.
Nhưng để đánh giá con người Carmack, bạn sẽ phải mất nhiều thời gian hơn thế nữa. Lời gửi gắm của ông như sau: “Trong thời đại công nghệ thông tin như ngày nay, rào cản khó có thể tồn tại mãi trừ khi nó do chính bản thân áp đặt. Nếu bạn muốn phát triển thứ gì đó mới mẻ, không nhất phải có hàng triệu đô la hay những thứ gì cao xa.
Bạn chỉ cần chất đủ pizza và nước ngọt trong tủ lạnh, kèm theo một chiếc máy PC để làm việc với niềm hăng say. Chúng ta có thể chỉ ngủ trên sàn. Nhưng chúng ta đang lội ngược dòng.” Khi đọc những dòng này, bạn đừng quá chú ý đến những tiểu tiết, mà quan trọng là ở ý nghĩa nó mong muốn truyền tải.
Tựu chung lại, nếu không có John Carmack, thì giờ đây bản thân tôi dám cam đoan sẽ chẳng có Call of Duty, chẳng có Half-Life, chẳng có Halo, và những tựa game góc nhìn người thứ nhất sẽ chẳng thể nào có được sự phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.