[GameK Tiểu Sử] Đế Chế - Game chiến thuật sống mãi trong lòng game thủ Việt

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 23/09/2015 06:12 PM

Một trong những lý do khiến cho AoE (Đế Chế) vẫn còn đất sống tại Việt Nam một phần chính là nhờ vào tâm lý của không ít game thủ Việt 8x và 9x đời đầu

Năm 1995, Ensemble được thành lập dưới danh nghĩa một Studio độc lập chuyên về phát triển Game trên hệ thống máy PC. Ngay từ những ngày đầu, họ đã hợp tác rất chặt chẽ với Microsoft mà bằng chứng là tựa game đầu tay của họ Age of Empires (AoE) đã được đại gia này đỡ đầu và phát hành.

AoE đã giành được những thành công vang dội khi nhận được sự đón chào nồng nhiệt của các game thủ. Mặc dù chỉ nhận được 6,8 điểm theo đánh giá của GameSpot nhưng với cốt truyện xoay quanh chủ yếu lịch sử Châu Âu và Châu Á cùng các dân tộc có thực trong lịch sử, một bối cảnh khá mới lúc bấy giờ, AoE đã tạo nên sức hút riêng đối với người chơi.

Tham gia vào trò chơi, game thủ được đưa vào tư cách lãnh đạo của một dân tộc và trải 4 thời kỳ sơ khai đầu tiên trong lịch sử phát triển của loài người: Đồ Đá (Stone Age), đồ Đá mới (Tool Age - New Stone Age), đồ Đồng (Bronze Age) và đồ Sắt (Iron Age). Với một hệ thống Engine đồ họa được đánh giá cao, cùng sự tính toán kỹ tác động chân thực với môi trường vào thời điểm lúc bấy giờ AoE thực sự tạo ra một cuộc cách mạng trong thế giới Game dành cho PC.

Khi bạn chặt cây thì cái cây đó sẽ bị đốn hạ chứ không còn nguyên như nhiều game khác, hoặc hiệu ứng cạn kiệt dần của các ngư trường đánh bắt cá, mỏ đá, mỏ vàng hoặc các hiệu ứng chết của đơn vị quân, các công trình cháy cũng làm cho game trở nên chân thực hơn. Hệ thống chơi đơn với các nhiệm vụ được thiết kế xoay quanh câu chuyện của 4 dân tộc Egyptian, Greek, Babylonian và Yamato giúp cho người chơi có thể khám phá những câu chuyện lịch sử của loài người. Bên cạnh đó hệ thống chơi qua mạng với 8 người tham gia thi đấu cũng góp phần tạo nên sự thành công của game.

Tuy nhiên vào thời điểm lúc đó do hạ tầng viễn thông còn rất kém nên các trận đấu quá đông đều gặp tình trạng lag và mất kết nối nên cũng hạn chế đi rất nhiều sự phổ biến rộng rãi của AoE. Với những thành công của tự game này, các nhà làm game của Ensemble đã quyết định cho ra đời phiên bản thứ hai vào lễ Hallowen năm 1998, Age of Empires: The Rise of Rome (ROR), tiếp tục những gì còn dang dở ở phiên bản đầu cùng những sửa đổi để đảm bảo tính cân bằng trong game.

Tuy nhiên bên cạnh việc thay đổi những yếu tố chưa phù hợp của gameplay các nhà phát triển tiếp tục đem lại cho người hâm mộ thêm 4 chủng tộc Romans, Palmyrans, Macedonians và Carthaginians vào phiên bản mới nâng con số dân tộc có mặt trong game là 15.

Chính điều này đã khiến cho việc cân bằng trong RoR khó khăn hơn bao giờ hết khi có quá đông các tộc. Bên cạnh đó cơ chế chơi mạng của game vẫn chưa thể làm ổn thỏa đã khiến Ensemble ấp ủ dự định phát triển phiên bản mới của AoE.

Một trong những lý do khiến cho AoE vẫn còn đất sống tại Việt Nam một phần chính là nhờ vào tâm lý của không ít game thủ Việt 8x và 9x đời đầu, những người làm quen với những quán game nơi internet chưa tồn tại, và những tựa game tại đây đều chỉ xoay quanh WarCraft III, Half-Life 1.1 hay StarCraft. Trong số những tựa game hỗ trợ đánh LAN ít ỏi đó, dĩ nhiên có sự góp mặt của AoE.

Ở thời điểm hiện tại, tựa game chiến thuật ra mắt từ năm 1997 gần như đã chìm vào dĩ vãng, và chỉ còn một số ít quốc gia còn sở hữu những cộng đồng chơi AoE. May mắn thay trong số những quốc gia đó vẫn còn Việt Nam chúng ta, và những đối thủ đáng gờm đến từ Trung Quốc. Những trận đấu nghẹt thở, những giải đấu cũng như những trận thư hùng với sự góp mặt của nhiều game thủ có tiếng ở Việt Nam cũng như Trung Quốc như Chim Sẻ Đi Nắng, Tiểu Bạch Long, Hồng Anh, Yugi đến từ Việt Nam, hay Shen Long, Minh Nhật đến từ Trung Quốc đã khiến biết bao con tim thổn thức…

Bên cạnh những cái tên như StarCraft, WarCraft III, thì chắc chắn Age of Empires là một trong những game chiến thuật nổi đình nổi đám bậc nhất tại Việt Nam với hàng loạt những đội AoE đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Mặc dù đã từng có thời gian phát triển cực thịnh, nhưng theo những điều lo lắng của G_Man, một trong những BLV nổi tiếng nhất của làng AoE nước nhà cũng đã cho thấy vì sao AoE khó lòng có thể phát triển mạnh hơn được nữa.

Qua nhiều năm, chiến thuật AOE đã không còn gì mới. Sự đam mê khám phá đang dần mai một. Đặc biệt trong bối cảnh các game khủng với đồ họa đẹp, các game được công nhận là esport đang dần dần lôi kéo game thủ trẻ. Thế nhưng đánh giá rằng cộng đồng AoE đã chết là một nhận định cực kỳ sai lầm. Những trận đấu giao hữu, những game thủ nổi danh nhờ vào kỹ năng đặc biệt của bản thân vẫn ngày một xuất hiện tại làng AoE Việt.

Mời các bạn độc giả đọc thêm những bài viết trong chủ đề "GameK Tiểu Sử":

[GameK Tiểu Sử] John Carmack – Cha đẻ game bắn súng hiện đại

[GameK Tiểu Sử] PES – Tựa game thể thao “vô đối” của game thủ Việt

[GameK Tiểu Sử] Shigeru Miyamoto: Người tạo ra "tuổi thơ dữ dội" của game thủ Việt