- Theo Trí Thức Trẻ | 18/02/2016 05:36 PM
Trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử, nước Nga khó có thể sánh kịp về mức độ nổi tiếng so với các quốc gia như Nhật Bản hay Mỹ. Những studio xuất sắc của Nga không nhiều, và đất nước này cũng không phải là cái nôi của các hệ máy danh giá như PS2, Xbox nay Nintendo Game Cube. Thế nhưng, quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới chính là nơi sản sinh ra trò chơi xếp hình Tetris, một trong những sản phẩm phần mềm game huyền thoại.
Vào tháng 6/1984, tại trung tâm vi tính của Học viện Khoa học Liên-Xô (khá cũ kỹ) tọa lạc tại Moscow, một nhóm nhà khoa học đang quây quần chăm chú vào màn hình một chiếc máy vi tính tính. Trên đó, đang xuất hiện vô số các hình khối khác nhau rơi liên tục. Trước đó 30 phút, Alexey Pajitnov, người vừa sáng tạo ra “trò giải trí” nói trên đã giới thiệu sản phẩm mang tên "Tetris" tới các đồng nghiệp của mình.
Và vào năm 1986, Tetris đã chính thức đặt chân lên nền tảng MS DOS. Điều này có nghĩa là năm nay đánh dấu tròn 30 năm tựa game huyền thoại này xuất hiện trên máy tính cá nhân, và lần đầu được người Việt biết đến.
Tetris đã được ghi nhận là một trong những game có tuổi thọ lớn nhất trên thế giới, cũng như có nhiều người chơi nhất trên thế giới. Tựa game này cũng đã gợi nên cảm hứng cho hàng ngàn trò chơi khác bắt chước theo kiểu xếp hình tính điểm, chẳng hạn như Line98. Tetris hiện vẫn tồn tại và có thể còn “thọ” lâu hơn cả vòng đời của một con người.
Tetris hấp dẫn cả đàn ông lẫn phụ nữ. Thậm chí, một bà mẹ lớn tuổi cũng có thể học chơi "xếp hình" chỉ trong vài phút. Trong game, người chơi có nhiệm vụ tạo ra những dãy liền khít gồm các khối hình khác nhau đang từ từ rơi xuống một khung gạch sẵn có. Những khối hình này có thể xoay chuyển để vừa khít với nhau tạo ra những dãy liền mạch.
Khi đó, đường liền mạch đó sẽ mất đi và người chơi sẽ có thêm khoảng không gian để sắp xếp các hình khối khác vẫn đang tiếp tục rơi xuống. Tốc độ game sẽ càng tăng khi chuyển lên những mức độ cao hơn, khiến cho người chơi gặp khó khăn trong việc xoay chuyển các hình khối.
Tuy đơn giản vậy, nhưng bất kì ai đã từng thử qua trò xếp hình này cũng đều phải công nghận Tetris không hề dễ chơi, không gây nhàm chán trong thời gian dài và rất khó đạt tới trình độ ''thượng thừa''. Có thể nói,Tetris hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết của một tựa game casual kinh điển.
Cũng vì tính chất "đơn giản hóa mang tính phức tạp" này, Tetris khiến không biết bao nhiêu game thủ trên thế giới say mê, đến mức ngay chính bản thân Alexey Pajitnov, trong quá trình làm ra trò chơi, cũng đã phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện vì... quá mải chơi với phiên bản đầu tiên.
Ban đầu, Tetris được Pajitnov viết ra chỉ với mục đích “giải khuây” cho mình và các đồng nghiệp cùng phòng. Chỉ trong vài tháng sau đó, các đĩa mềm chứa trò chơi Tetris đã phát tán rộng rãi và Tetris bắt đầu trở lên phổ biến.
Tetris thực sự cuốn hút người chơi. Khi càng chơi lên level cao hơn, tốc độ rơi của khối hình càng cao hơn, do vậy người chơi cần tập trung tư tưởng cao độ hơn, họ sẽ phải sử dụng hết khả năng của mình để phản xạ và sắp xếp các hình khối thật nhanh chóng.
Càng về sau này, trò chơi càng được trang bị những cải tiến và nâng cấp đáng giá. Người chơi có thể thưởng thức Tetris theo chế độ chơi singleplayer hoặc multiplayer, online hoặc offline. Trang chủ của Tetrischo phép người chơi tạo một tài khoản để có thể lưu thành tích của mình lại và so sánh với các game thủ khác trên toàn thế giới.
Mặc dù, là người phát minh ra Tetris, nhưng Pajitnov không hưởng nhiều lợi nhuận từ trí tuệ của mình bằng các lập trình viên tại các quốc gia tư bản. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chính phủ Liên Xô (cũ) không có chủ trương thương mại hóa các trò chơi giải trí như Tetris. Thậm chí, mãi đến năm 1996, Pajitnov mới được nhận bằng chứng nhận cho phát minh của mình.
Hiện Pajitnov đang làm quản lý trong Công ty Tetris Co., đơn vị chuyên cấp phép cho các hãng điện tử có ý định mua bản quyền phát minh của ông. Nói về "đứa con" của mình, Pajitnov chỉ nhận xét: "Tetris đã giúp tôi sống một cuộc sống tiện nghi".
Theo thống kê của Tetris Co., có ít nhất 125 triệu phiên bản của trò chơi được bán ra trên thế giới, với nhiều loại máy game khác nhau. Theo Pajitnov, trò chơi của ông sẽ sống thêm ít nhất 25 năm nữa.
Đỉnh cao của trò Tetris là những thỏa thuận thương mại ở cấp quốc gia, khi được Nintendo mua bản quyền. Tetris đã làm nên chiến thắng của hãng, giúp bán được 50 triệu máy game Nintendo vì đây là một trò chơi hòa bình, không bạo lực, trí tuệ và không hạn chế đối tượng chơi. Thành công của Tetris vượt ngoài sức tưởng tượng của các lãnh đạo hãng game Nhật Bản. Trong các video game không đòi hỏi cấu hình mạnh (low-tech game), Tetris chắc chắn là trò chơi phổ thông nhất.
Không giống nhiều trò khác, Tetris có thể chơi tốt cả trên nhiều thiết bị như các thiết bị giải trí cầm tay, TV và máy tính. Hiện tại, đây là trò game được ưa thích trên các loại điện thoại di động. Giờ đây khi hơn mười lăm năm sau đỉnh cao, Tetris vẫn còn “sống” . Với sự đơn giản của mình, Tetris xứng đáng được coi là một trong những game kinh điển nhất của thế giới trò chơi điện tử.
(Tổng hợp)