[GameK Đào Mộ] Hoàng Tử Ba Tư - Game hành động khó quên của game thủ Việt

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 09/12/2015 05:33 PM

Có lẽ không game thủ 9x nào lại không biết tới cái tên Hoàng Tử Ba Tư huyền thoại một thời với nhiều phiên bản game cực chất

Toàn bộ series Hoàng Tử Ba Tư cổ điển là ba câu chuyện về những nhân vật ở các bối cảnh khác nhau. Mỗi người bọn họ đều không có bất kì chi tiết nào liên quan đến nhau ngoại trừ một số đặc điểm chung như tên gọi Hoàng Tử (Prince), khả năng leo trèo ngoại hạng và kĩ năng đánh kiếm xuất sắc.

Trong tất cả các phiên bản, nhân vật chính của game chưa từng được gọi bằng một cái tên cụ thể nào. Original Trilogy - Cốt truyện 3 phần đầu tiên của Hoàng Tử Ba Tư Vào năm 1989, ý tưởng đầu tiên dẫn đến sự ra đời của Prince of Persia đã xuất hiện khi game designer Jordan Mechner quan sát em trai mình chạy nhảy trong bộ trang phục Panama màu trắng. Vào thời điểm đó, ông đã sử dụng kĩ thuật rotoscoping để mô phỏng những chuyển động của cơ thể người và đưa vào tựa game mới của mình.

Nhờ kĩ thuật này mà tựa game Prince of Persia khi đó đã được thế giới biết đến như tựa game có chuyển động của nhân vật mượt mà nhất từ trước tới giờ. Việc nhà sản xuất loại bỏ những kẻ thù có khả năng “bắn” trong game và thay thế bằng những pha đấu kiếm tay đôi cũng khiến hệ thống chiến đấu của Hoàng Tử Ba Tư trở nên khó “đụng hàng” hơn. Bên cạnh đó, tựa game này còn đồng thời “khét tiếng” vì độ khó “trên trời” của mình.

Người chơi buộc phải hoàn tất 14 màn chơi trong vòng 1 tiếng đồng hồ nếu không muốn bị thua cuộc. Mặc dù vậy, điều đó cũng không thể ngăn cản việc nhà sản xuất tiếp tục phát hành Prince of Persia dưới dạng 16 phiên bản dành cho các hệ máy khác nhau. Năm 1994, phần 2 của Prince of Persia mang tên The Shadow and The Flame đã xuất hiện thị trường.

Tựa game này đã cải tiến lại những cơ chế gameplay vốn có của người tiền nhiệm để trở nên hoàn hảo hơn. Không chỉ vậy, hệ thống chiến đấu trong game cũng được thiết kế chi tiết hơn khi cho phép Hoàng Tử giao chiến với 4 đối thủ cùng một lúc. Gã ăn xin ngày nào giờ đã chứng tỏ được tình yêu của mình với công chúa sau khi cứu thoát nàng khỏi tay của gã tể tưởng Jaffar.

Tuy nhiên, kẻ ác nhân nổi tiếng trong series game này vẫn chưa chịu buông tha cho đôi tình nhân kia và đã tống hoàng tử ra khỏi cung điện nhờ âm mưu xảo quyệt của mình. Thế là, một cuộc phiêu lưu mới của hoàng tử lại bắt đầu. 5 năm sau, phiên bản thứ 3 về chàng Hoàng Tử Ba Tư đã ra đời vào đúng thời điểm cuộc cách mạng đồ họa từ 2D sang 3D đang nở rộ trong ngành công nghiệp game.

Series Prince of Persia khi đó cũng quyết không chịu thua kém những sản phẩm trên thị trường. Thậm chí, để nhấn mạnh vào sự chuyển giao này, nhà sản xuất còn đặt cho phần 3 một cái tên khá “khoe mẽ” - Prince of Persia 3D. Ngoài việc được coi là phiên bản chuyển thể xuất sắc từ 2D lên 3D của Hoàng Tử Ba Tư, tựa game này còn sở hữu một hệ thống ánh sáng và texture khá bắt mắt. Tuy vậy, những chi tiết khác của game lại không chứng tỏ được một bước đột phá nào so với những đàn anh đi trước của mình.

Có lẽ những chi tiết khởi sắc như thiết kế sáng tạo của màn chơi, sự gia tăng đáng kể về số lượng các chuyển động của nhân vật chính sẽ được cộng đồng game thủ khen ngợi nếu không bị những góc quay camera “khó chịu” làm hỏng. Bên cạnh đó, độ khó đến “cay nghiệt” của phiên bản đầu cũng đã trở lại trong phần 3 này.

Cốt truyện của phiên bản Prince of Persia 3D vẫn được hướng theo lối mòn quen thuộc của motif “người hùng cứu mỹ nhân” mà dòng game Mario đã áp dụng từ rất lâu trước đây. Chính vì thế, tựa game này đã bị “đóng bụi” trên kệ đĩa của rất nhiều cửa hàng game trong một thời gian dài.

Phải đến thời kỳ Xbox và PS2 huyền thoại ra mắt, series game mới được hồi sinh một cách thực sự với một trilogy mới toanh lấy tên The Sands of Time, lấy tên theo phiên bản đầu tiên của series này. Prince of Persia: The Sands of Time Ra đời vào tháng 11 năm 2003, tựa game Prince of Persia: The Sands of Time khi đó vẫn còn là một trong những trò chơi có đồ họa “sát phần cứng” nhất thời bấy giờ.

Sản phẩm này là một trong số ít những trò chơi đòi hỏi các game thủ phải trang bị cho mình một chiếc card TI để chạy được game mượt mà trên PC. Lần trở lại này của chàng hoàng tử Ba Tư đã thực sự mở ra một tương lai mới cho dòng game này khi đem tới một cốt truyện hấp dẫn, đầy bất ngờ. Bên cạnh đó, những yếu tố leo trèo, giải đố trong tựa game này vẫn được coi là phức tạp và độc đáo nhất trong toàn bộ series Prince of Persia.

Điểm trừ duy nhất mà The Sands of Time phải nhận là do hệ thống chiến đấu lặp đi lặp lại và không có điểm nhấn của mình. Trong một lần đi chinh phạt một quốc gia phương xa với vua cha, hoàng tử đã tin theo lời xúi giục của gã tể tưởng phản bội Jaffar và lỡ dùng dao găm thần mở khóa chiếc Đồng Hồ Thời Gian. Dòng cát được giải phóng từ chiếc đồng hồ này đã biến cư dân của toàn bộ vương quốc kia thành quái vật.

Cùng với Farah, con gái của ông hoàng Maharajah, hoàng tử sẽ bắt đầu cuộc phiêu lưu để sửa chữa cho những lỗi lầm trong quá khứ của mình. Tuy vậy, không may mắn rằng, đó mới chỉ là bước đầu tiên trong một cuộc hành trình dài và gian khổ sau này của hoàng tử.

Nhận ra sức ảnh hưởng đang lên cao của thương hiệu Prince of Persia, nhà sản xuất Ubisoft đã tích cực đầu tư rất nhiều tiền của cho phiên bản tiếp theo của dòng game này. Không chỉ vậy, họ còn chú ý nhiều hơn tới thị hiếu của các game thủ để tạo nên một hình ảnh mới, ấn tượng hơn cho chàng hoàng tử Ba Tư. Kết quả mà các game thủ được thấy vào năm 2004 khi đó là một sự “lột xác” hoàn toàn của series game này.

Trái ngược với phong cách nhẹ nhàng và tươi sáng của The Sands of Time, kẻ hậu bối Warrior Within đã khiến cho rất nhiều người phải bất ngờ vì phong cách u ám của mình. Không chỉ vậy, chàng hoàng tử “non nớt” ngày nào giờ đã trở thành một chiến binh bụi bặm, dạn dày kinh nghiệm chiến trường. Trong phiên bản này, chi tiết được cải tiến mạnh mẽ nhất chính là hệ thống chiến đấu - điểm yếu của người tiền nhiệm.

Không chỉ sử dụng được hai loại vũ khí cùng một lúc, hoàng từ giờ đây còn có thể thực hiện một số động tác chiến đấu đặc biệt khi có sự trợ giúp của một số chi tiết của môi trường. Những đòn thế như đu người quanh cột, chém một loạt những kẻ địch xung quanh hay nhào lộn, tấn công đối phương bằng nhiều tuyệt chiêu bắt mắt đã khiến cho các fan lâu năm của Prince of Persia phải ngỡ ngàng và thích thú. Bên cạnh đó, Warrior Within còn sở hữu một số chi tiết độc đáo như màn “cưỡi trùm” của mình.