[GameK Đào Mộ] Call of Duty 2 - Sống lại quá khứ bi hùng 70 năm về trước

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 29/02/2016 05:40 PM

Trong Call of Duty 2, lằn ranh giữa sống - chết thực sự chỉ cách nhau gang tấc, phản ánh hoàn hảo chiến trường tàn khốc

Thế Chiến thứ hai, đã từ lâu cụm từ này, hay chúng ta thỉnh thoảng còn viết tắt cụm từ tiếng Anh WWII, luôn là chủ đề không hồi kết của nhiều nhà phát triển game trên toàn thế giới. Những siêu phẩm một thời như Commandos, Medal of Honor, Company of Heroes,... tất cả đã đem tới cho những game thủ của thế hệ con cháu những người lính xưa kia một cái nhìn vô cùng tàn khốc về cuộc chiến mà cha ông của họ đã từng tham gia 70 năm về trước.

Và trong số đó, không thể bỏ qua Call of Duty 2, tựa game đã biến Infinity Ward trở thành một trong những huyền thoại của làng game thế giới.

Muốn cho người chơi thấy “lửa đạn chiến tranh” khốc liệt như thế nào, CoD2 đã đầu tư kỹ lưỡng cho từng màn chơi: từ cách sắp xếp nhiệm vụ, bố trí lực lượng đối phương cho đến địa hình, sao cho mỗi màn chơi đều khó khăn như thể là màn... cuối cùng.

Đối thủ luôn xuất hiện với số lượng áp đảo và hỏa lực của chúng phát huy tối đa, chỉ không cẩn thận một chút là bạn sẽ “ăn đạn” ngay lập tức. Vì vậy, muốn hoàn thành nhiệm vụ là một điều không dễ dàng chút nào. Đạn bay xẹt ngang tai, đạn găm phầm phập vào mô đất trước mặt, có lúc bạn phải nhích từng chút để tới chỗ nấp kế tiếp dưới làn đạn đối phương, đúng theo nghĩa “mỗi thước đất là phải đổ bao nhiêu máu”. Nếu không có tính quyết đoán và thêm một chút kỹ năng chơi game bắn súng, chắc chắn bạn sẽ phải mệt mỏi với sự ác liệt mà game thể hiện. Đôi lúc khi chơi, chỉ cần nhanh tay và quyết đoán trong vài giây là bạn thoát được 1 lần tử trận. Chẳng hạn, “bụp” tên lính Đức trước khi hắn nắm được khẩu đại liên, hoặc dũng cảm xông lên chiếm vị trí thuận lợi để đồng đội kịp ào lên, v.v...

Trong Call of Duty 2, lằn ranh giữa sống - chết thực sự chỉ cách nhau gang tấc. Để tăng thêm độ thật của tính khốc liệt trong chiến trường, đối thủ rất hay sử dụng thứ vũ khí nguy hiểm là lựu đạn. Giờ đây, bạn không thể an tâm khi nấp sau những chiếc thùng, bàn ghế hoặc dưới công sự nữa, nếu thấy bạn trốn quá lâu, đối thủ sẽ khiến bạn chạy “bán sống” bằng những quả lựu đạn.

Cũng may, game luôn có một ký hiệu chỉ hướng của trái lựu đạn (grenade indicator) để bạn có thể tránh. Vừa nhắm bắn cho chính xác, tránh đạn, vừa phải chạy tránh lựu đạn trong khi trước mặt còn cả chục đối thủ, tất cả những hành động đó sẽ mang đến cho bạn cảm giác chân thực, khốc liệt nhất về sự nóng bỏng của chiến trường. Chưa hết, để thêm phần hấp dẫn, game “tước đoạt” luôn quyền lưu game nhanh (quick save). Giờ đây, bạn phải tuân thủ luật chơi: máy sẽ tự động lưu (autosave) vào những thời điểm định sẵn.

CoD2 đã “vứt bỏ” một yếu tố tưởng như không thể thiếu trong các game bắn súng: cột máu của nhân vật. Mỗi khi bị trúng đạn, nhân vật của bạn sẽ bị “hoa mắt”, tim đập loạn nhịp và gần như không thể bắn trả đối phương, lúc này bạn cần mau chóng tìm chỗ ẩn nấp để hồi phục, khi ấy chỉ cần thêm một viên đạn nữa là bạn sẽ “lên đường” ngay. Đặc điểm này giúp bạn tập trung hơn khi chiến đấu, không bị phân tâm theo dõi cột biểu thị sự sống và mất công tìm kiếm những bình cứu thương. Nét mới này đã làm cho game thêm phần hấp dẫn.

Phát huy truyền thống, CoD2 tiếp tục đem đến cho người chơi sự phấn khích và cảm giác “thực” với những chiến trường đa dạng cả về địa hình lẫn thời tiết, những trận đánh nổi tiếng, có thể bạn đã từng chứng kiến qua các bộ phim về Thế Chiến II.

Từ những cuộc “đụng độ” với phát xít Đức trên đường phố ngoại ô Matxcơva ngập tuyết, hay những trận đấu tăng nảy lửa trên sa mạc nắng gắt ở Bắc Phi..., màn chơi nào cũng mới mẻ, đa dạng và không kém phần gay go ác liệt. Trong số đó, theo ý kiến riêng thì 3 màn chơi “đáng giá” nhất mà bạn không thể bỏ qua đó là: màn tử thủ trước đợt tổng tấn công của quân Đức vào Stalingrad, màn đánh chiếm mỏm đá Point Du Hoc trong ngày D-Day, và màn đánh boong ke trên đồi 400.

Đây là 3 màn chơi tiêu biểu cho “phong cách Call Of Duty”: tái hiện những trận đánh lớn nổi tiếng, đối phương đông như “kiến” tràn đến từ mọi phía, thử thách “trình độ” của người chơi. Cách phân bố các màn chơi theo hệ thống trường đoạn, CoD2 không có màn kết thúc nên bạn đừng trông đợi vào màn cuối hoành tráng như trong hai phiên bản trước là CoD 1 và United Offensive.

Bỏ qua một vài “hạt sạn” nhỏ về âm thanh và hình ảnh, CoD2 tiếp tục chứng minh vai trò “anh cả” của dòng game bắn súng đề tài Thế Chiến II. CoD2 có thể làm hài lòng tất cả các fan, dù là “gạo cội” hay là một “lính mới”. “Nếu ta không kết thúc chiến tranh, chiến tranh sẽ kết thúc ta” - hãy xông lên phía trước dù lửa đạn có dữ dội đến mức nào. Nhưng, hy vọng với Infinity Ward, các trận chiến trong game vẫn... chưa kết thúc, để chúng ta có thể trông chờ vào phần tiếp theo của dòng game xuất sắc này. Bởi chắc chắn, ai cũng muốn tiếp tục bị cuốn theo “tiếng gọi của những nhiệm vụ cao cả” nơi chiến trường rực lửa.