[GameK Đào Mộ] 25 tựa game hay nhất thập kỷ bạn phải chơi thử một lần (P2)

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 01/03/2016 04:12 PM

Hãy cùng tiếp tục đến với những tựa game bạn phải thử qua nếu đã sở hữu một cỗ máy PC phục vụ cho tình yêu game mãnh liệt của bản thân

Thưa các bạn độc giả, trong bài viết trước, chúng ta đã điểm lại những tựa game hay nhất ra mắt trong 10 năm qua trên PC. Những tựa game phàm đã là một game thủ, bạn sẽ khó lòng có thể bỏ qua. Trong phần 2 của loạt bài viết, hãy cùng tiếp tục đến với những tựa game bạn phải thử qua nếu đã sở hữu một cỗ máy PC phục vụ cho tình yêu game mãnh liệt của bản thân.

17. Undertale

Là một game indie, dám khẳng định Undertale là một tựa game kỳ quặc. Thế nhưng chính sự kỳ quặc của nó đã khiến cho không ít người đã bị cuốn theo lối chơi và cả âm nhạc đầy quyến rũ của game.

Undertale là một tựa game nhập vai rất hấp dẫn. Người chơi sẽ trong vai một người bị rơi xuống lòng đất và bị lạc tới thế giới của những tên quái vật. Liệu bạn có thể vượt qua được những thử thách trong game hay không? Nghe có vẻ đáng sợ, nhưng kỳ thực Undertale lại là một trong những tựa game "hiền lành" nhất mà chúng ta từng được trải nghiệm.

16. Civilization V

Dòng game chiến thuật lừng danh Civilization luôn biết cách mang đến cho người chơi những bất ngờ. Civilization V là một phiên bản “rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, có thêm nhiều cách chiến thắng”.

Trong vai trò của người lãnh đạo, bạn phải thực hiện các hoạt động ngoại giao, thúc đẩy chiến tranh, mở mang lãnh thổ, khuyến khích sản xuất… Sẽ có nhiều hơn những yếu tố thực tế được đưa vào game. Điển hình là trong hoạt động ngoại giao, bạn phải sử dụng nhiều mưu kế, vỗ về nước nhỏ, “chiều chuộng” các nước lớn, sử dụng những lợi thế của quốc gia mình đổi lấy các ưu đãi của quốc gia khác… Game sẽ tăng thêm kịch tính với những hành động “trở mặt” của Đồng minh.

Civilization là dòng game chiến thuật theo lượt gắn liền với tên tuổi của nhà sản xuất Sid Meier. Game dựa trên ý tưởng “xây dựng một đế chế bền vững trước thử thách của thời gian”. Vì thế, người chơi sẽ được thể hiện tài năng qua rất nhiều giai đoạn lịch sử, từ Cổ đại cho tới Hiện đại. Game liên tục mở rộng phạm vi và cập nhật các tiến bộ của loài người. Đây là một đăc trưng riêng của Civilization.

15. Fallout 4

Một ấn tượng của chúng tôi đối với Fallout 4 chính là đồ họa của game. Khu "Thịnh vượng chung" của bang Massachusetts thực sự quá ấn tượng. Đôi lúc là những gam màu tươi sáng đầy hy vọng vào ban ngày, nhưng đến tối, màn sương cùng tiếng hú của những con quái vật ẩn khuất trên bản đồ, trên những con đường độc đạo bị phá hủy 200 năm về trước sau thảm họa hạt nhân...

Fallout 4, học tập từ những trận đấu nghẹt thở của Borderlands, combat đã trở nên cuốn hút và vui nhộn hơn bao giờ hết. Có những tên Ghoul, Mirelurk hay những gã đột biến gen cầm quả bom to như trái bóng lao về phía bạn, chứ không chỉ núp sau cover và tìm cơ hội tấn công bạn nữa.

Chính chiến thuật có phần đa dạng, kết hợp với không gian nơi nhưng “trận thư hùng” giữa bạn và những kẻ khát máu trong game không lúc nào giống lúc nào cả. So sánh với Fallout 3 và New Vegas, combat trong Fallout 4 là một bước tiến bộ quá lớn. Nó không khiến bạn sợ hãi tránh né những con quái vật gớm ghiếc nữa. Một khi vũ khí đủ mạnh, đạn đủ nhiều, bạn sẽ tự tìm đến chúng chứ không còn “vô tình” chạm trán giữa wasteland đầy những mối nguy.

14. Fallout New Vegas

Là phần tiếp theo của Fallout 3 với cốt truyện và môi trường hoàn toàn mới mẻ, được biết hầu như không NPC nào trong Fallout 3 tái xuất trong phiên bản lần này. Game sẽ đưa bạn thẳng đến miền Tây: New Vegas, với bối cảnh chính là những gì còn lại của “kinh đô cờ bạc” Las Vegas hay “thành phố tội lỗi”.

Các sự kiện chính trong game hầu hết đều xảy ra nơi đây, chỉ 1 số nhỏ các nhiệm vụ nằm ở New California Republic, thành phố quen thuộc trong cả dòng game Fallout. 3 năm sau Fallout 3, nhân vật chính trong game là 1 nhân viên giao nhận hàng hóa. Trên đường giao 1 kiện hàng đến thị trấn Primm, anh ta bị bắn hạ và bỏ vào 1 nghĩa địa hoang.

Về lối chơi cơ bản, FNV vẫn là 1 game nhập vai 2 góc nhìn, góc nhìn người thứ nhất có thể chuyển sang góc nhìn người thứ 3 (nhưng góc nhìn sẽ bị hạn chế và vướng víu hơn). Khởi đầu game vẫn là màn tạo nhân vật quen thuộc sau khi nhân vật được chữa trị, bạn sẽ được chọn tuổi tác, ngoại hình, giới tính….và một điểm khác nữa là bạn sẽ quyết định các chỉ số cũng như khả năng của mình bằng cách trả lời các câu hỏi của ông bác sĩ Mitchell.

13. Metal Gear Solid V: The Phantom Pain

Cuối cùng The Phantom Pain cũng đã ra mắt vào tháng 09 năm ngoái. Mọi sự chú ý đổ dồn về phía Konami cũng như Kojima. Liệu giữa sự căng thẳng đã khiến Kojima rời công ty ngay cả khi ông đang nắm giữ một vị trí rất cao trong ban lãnh đạo, cũng như studio “lá cờ đầu” Kojima Production bị buộc giải thể, liệu rằng The Phantom Pain có giữ được “phong độ” vốn có, khi gần như mọi phiên bản Metal Gear Solid đều được đánh giá rất cao, đi kèm với những số điểm cao chót vót, ước mơ của mọi tựa game bom tấn .

Dĩ nhiên, dạo một vòng các trang tin trên thế giới, chúng ta có thể thấy, MGS The Phantom Pain nếu không được 10 điểm thì cũng phải được 9. Thậm chí một số người còn mạnh dạn đánh giá, đây là một trong số những tựa game hay nhất từng được tạo ra. Vậy lý do gì khiến cho di sản, tựa game MGS của Hideo Kojima trở nên hấp dẫn đến như vậy?

Những sự kiện của The Phantom Pain diễn ra ngay sau khi Ground Zeroes kết thúc, hay chính xác hơn là khi Big Boss tỉnh dậy sau giấc ngủ dài kể từ biến cố sau nhiệm vụ tại Camp Omega, Cuba. Cipher, hay Major Zero, vốn chỉ là một nhân vật phụ hỗ trợ bạn từ phần 3, ra mắt năm 2004, đã trở thành nhân vật phản diện bậc nhất cả dòng game với tham vọng bá chủ loài người, biến mọi chính phủ trên thế giới trở thành con rối trong tay gã đại tá người Anh.

Chính Cipher đã phá nát công sức của Big Boss cùng đồng đội 9 năm về trước. Giờ đây, sau khi thức tỉnh, trong tâm trí của Big Boss chỉ còn đúng một ý niệm: Trả thù. Ông trở về với tổ chức mà Kazuhira Miller cùng Ocelot, gã gian hùng thuở nào lập nên để tìm kiếm và tiêu diệt Zero, kết thúc rốt ráo mối ân oán đã 20 năm giữa hai con người từng là đồng đội vào sinh ra tử. Thế nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Bên cạnh đó còn có cả những kẻ ngáng đường Diamond Dogs, với những toan tính riêng…

12. Spelunky

Đối với những ai chưa từng chơi Spelunky, đây là một tựa game indie miễn phí được phát hành trên PC vào năm 2009. Người chơi điều khiển một nhân vật vô danh được gọi bằng biệt danh "Spelunker" với nhiệm vụ khám phá hệ thống hang động dưới lòng đất và thu thập của cải, kho báu trên đường đi nhiều nhất có thể. Spelunky có độ thử thách tương đối cao vì hệ thống kẻ địch cùng cạm bẫy dày đặc, chưa kể môi trường trong game còn được xây dựng ngẫu nhiên bằng thuật toán máy tính.

Game nhận được rất nhiều đánh giá tích cực của các tạp chí và giành giải game PC hay nhất năm 2013 sau khi được remake lên độ phân giải HD do PCGamer trao tặng.

11. Grand Theft Auto V

Thấm thoát đã 5 năm kể từ khi người hâm mộ sống cùng Niko Belic, gã dân nhập cư Đông Âu trên con đường trở thành kẻ giàu có và quyền lực bậc nhất thế giới ngầm của thành phố Liberty City trong GTA IV. Không để cộng đồng game thủ thất vọng, GTA V vẫn tiếp tục gắn bó với các hệ máy console sắp nghỉ hưu - đó là PS3 và Xbox 360.

Và những fan hâm mộ lâu năm của dòng game sẽ cảm thấy vô cùng sung sướng khi một lần nữa, Grand Theft Auto lại diễn ra tại thành phố Los Santos, "thành phố của những thánh thần". Và cũng chẳng phải tự nhiên mà hàng loạt các trang tin lớn về game trên thế giới đều dành tặng cho GTA V những điểm số vô cùng tròn trĩnh và cao ngất ngưởng.

Gần 10 năm trước khi những sự kiện trong GTA V diễn ra, ba người bạn thân, và cũng là 3 tên trộm liều lĩnh đã mạo hiểm đánh cắp một nhà băng gần biên giới Mỹ - Canada. Thế nhưng trên đường tẩu thoát, hai trong số ba tên cướp đã bị hạ gục, trong khi tên còn lại trốn thoát. Kẻ may mắn đó mang tên Trevor.

Lần đầu tiên trong lịch sử của dòng game, GTA V có tới 3 nhân vật chính, và cả 3 đều có thể điều khiển được. Tuy rằng người chơi sẽ bắt đầu với Franklin, chàng trai trẻ gốc Phi với công việc "câu" những chiếc xe chưa trả đủ tiền cho cửa hàng, thế nhưng cả ba nhân vật đều có những câu chuyện cá nhân để người chơi tự khám phá.

10. The Witcher 3

Thay đổi lớn nhất mà người chơi có thể cảm nhận được so sánh giữa Wild Hunt với phần 2 của The Witcher, phiên bản mang tên Assassins of Kings không ai khác chính là Geralt. Chàng chiến binh của chúng ta đã lột xác một cách hoàn toàn so với kẻ đồng hành với game thủ chúng ta trong phần 2. Từng vết sẹo, từng vết chân chim in hằn tuổi tác của gã witcher phong trần được REDengine 3 khắc họa một cách vô cùng chân thực.

Thế nhưng có thể nói, Geralt of Rivia có vẻ khiến tôi nghĩ hơi nhiều đến… “Big Boss of Metal Gear Solid”, khi chàng trai của chúng ta biến thành một ông già gân đúng nghĩa đen, khi bóng thời gian chẳng thể nào khiến chàng ta chậm chạp hay yếu đuối đi. Thay vào đó, so với phần 2, Geralt trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt và “thật” hơn rất nhiều trong những chiêu thức, những đòn đánh từ tầm xa nhờ vào phép thuật cho tới hai thanh kiếm “gia truyền” không lẫn đi đâu được thương hiệu Witcher.

Đó chính là lý do khiến tôi so sánh Geralt và Big Boss. Nhờ tiến bộ của công nghệ, hai nhân vật này có thể già đi, thế nhưng họ lại nhanh nhẹn và đem lại cho game thủ trải nghiệm chơi game sướng tay hơn những phần game trước rất nhiều.

Vẫn còn đó hệ thống nhiệm vụ phụ đa dạng, cho phép bạn lựa chọn thoải mái giữa nhiệm vụ chính và nhiệm vụ phụ. Bạn có thể nói chuyện với dân làng hay những kẻ vãng lai để nhận quest, hoặc đến ngay “bảng cáo thị” ở trung tâm mỗi khu vực và nhận lấy quest mình mong muốn.