Vụ nổ súng kinh hoàng của 2 học sinh Dylan Klebold và Eric Harris vào năm 1999 dường như vẫn để lại dư âm đến tận bây giờ. Sự việc thương tâm này đã cướp đi sinh mạng của 13 người - cả giáo viên lẫn học sinh, và ngay sau đó, vấn đề bạo lực và games trở nên nóng hơn bao giờ hết. Các phương tiện truyền thông tiết lộ rằng, Harris và Klebold là fan hâm mộ cuồng nhiệt của rất nhiều game bạo lực, trong số đó có thể kể đến Wolfenstein 3D, Doom hay Mortal Kombat.
Nhiều hãng sản xuất game nổi tiếng sau đó cũng gặp không ít rắc rối với những vụ kiện có dính lưu đến án mạng kể trên - Sony, Nintendo đều có mặt. Time Warner và Palm Pictures cũng không tránh khỏi tai bay vạ gió, khi nhiều nạn nhân cho rằng, trò chơi Basketball Diaries đã gây ảnh hưởng rất mạnh đến những tay sát thủ trẻ tuổi. Được biết, trò chơi có nội dung xoay quanh việc nhân vật chính dùng 1 khẩu shotgun để hạ gục tất cả các bạn học của mình.
Bạo lực trong games giờ đã đạt đến một tầm cao mới, cùng với đó là việc các bậc phụ huynh có thể dễ dàng tìm được thứ để đổ lỗi, khi tính tình con cái họ trở nên ngày càng hung bạo hơn. Và liệu điều đó có làm cho games trở nên hợp pháp?
Tính đến năm 2001, đến 79% thanh thiếu niên Mỹ chơi games, và nhiều người trong số họ bỏ ra ít nhất 8h/ tuần. Tạm thời gác sang một bên việc giới trẻ ngày càng ít quan tâm đến thế giới bên ngoài, một câu hỏi khác cần được đặt ra: sự gia tăng đáng kể của các vụ bạo lực, hay tệ hại hơn nữa là các vụ xả súng hàng loạt - tất cả đều ở độ tuổi vị thành nhiên, games liệu có chịu trách nhiệm cho điều này?
Games chỉ mới ra đời khoảng vài chục năm trở lại đây, nhưng những ảnh hưởng của nó, đặc biệt là đến thanh thiếu niên ngày càng rõ ràng. Vậy, chính xác thì khoa học có thể nói gì về mối liên hệ giữa bạo lực và games? Liệu có mối quan hệ nào giữa việc bắn 1 phát đạn trong games với việc hạ sát một người ngoài đời thực?
Bạo lực và games dưới góc nhìn khoa học
Năm 2006, một thanh niên 18 tuổi tên Devin Moore đã bị bắt giữ vì nghi ngờ có hành vi ăn trộm xe. Những nhân viên cảnh sát dễ dàng tóm cổ cậu bé mà không gặp bất kỳ sự phản kháng nào. Nhưng chỉ vài phút sau đó, Moore đã tấn công một sỹ quan cảnh sát, lấy đi khẩu súng của ông và bắn hạ một viên cảnh sát khác - một pha headshot thực thụ. Ngay lập tức, Moore đã bỏ chạy cùng với một chiếc xe cảnh sát.
Moore có một bản lý lịch hoàn toàn sạch sẽ - cậu bé không hề có bất cứ tiền án tiền sự nào. Những vụ kiện liên miên xảy ra sau sự việc đình đám trên đã chỉ ra rằng, Moore là một con nghiện của game Grand Theft Auto, và đây là logic của bên nguyên đơn, "Trong game Grand Theft Auto, người chơi thường xuyên cướp xe và bắn hạ cảnh sát."
Lập luận trên đã trở nên lỗi thời - mặc dù cho đến bây giờ bạn vẫn nghe thấy những điều này nhan nhản trên tivi hay báo đài. Có một sự thực không thể chối cãi rằng, tại sao những hình ảnh bạo lực trên phim ảnh đã ra đời trước games rất lâu, nhưng nó chưa bao giờ, và có thể sẽ không bao giờ trở thành cái bị bông để báo chí có nơi "tẩm quất"?
Nhưng người em sinh sau đẻ muộn của nó - games, lại không được may mắn như vậy. Hiệu ứng bạo lực của games đã được nghiên cứu từ rất lâu. Cũng có những tranh cãi nổ ra xung quanh vấn đề này, nhưng tựu chung lại, các nhà khoa học đều đi một số kết luận chung, đó là:
1. Trẻ vị thành niên có sự tiếp xúc thái quá với games đều nảy sinh xu hướng trở nên hung hãn hơn. Theo nhiều nhà khoa học, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sản sinh ra một số lượng bất thường các hormones kích thích hệ thống giao cảm của cơ thể. Các hormones này được biết đến như một thứ vũ khí giúp con người chiến đấu và chạy trốn. Huyết áp tăng, nhịp tim tăng, và cơ thể bạn lúc này đã sẵn sàng cho một cuộc giao chiến thực thụ. Nghiên cứu thậm chí còn cho thấy, có sự khác biệt rõ rệt giữa việc chơi 2 version Mortal Kombat khác nhau - một bản đầy đủ máu me và một bị cắt bớt.
2. Không chỉ trong suy nghĩ, họ còn có xu hướng gia tăng những hành vi bạo lực. Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2000 đã mang đến kết quả thú vị. Nhóm nghiên cứu được chia làm 2 nửa: một nửa sẽ chơi những games bạo lực, còn một nửa chơi những games mang tính "hòa bình" hơn. Sau một thời gian, hai nhóm này sẽ tham gia một trò chơi nào đó, 1 đối 1, và người thắng sẽ có cơ hội được trừng phạt kẻ thua bằng cách hét vào mặt họ. Kết quả cho thấy, đội "bạo lực" có xu hướng gào to hơn và lâu hơn.
Một trong những nghiên cứu gần đây nhất tại đại học Y khoa Indiana có thể cho thấy rõ hơn điều này. Đối tượng tham gia là trẻ vị thành niên, và các nhà khoa học đã chia các đối tượng thành 2 nhóm, 1 nhóm chơi Need for Speed: Underground, và 1 nhóm sẽ được chơi Medal of Honor: Frontline.
Những đứa trẻ này được tiến hành chụp não ngay sau khi chơi xong, và kết quả cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Hình ảnh chụp của nhóm chơi Medal of Honor cho thấy sự tăng hoạt động trong hạch hạnh nhân - nơi kích thích cảm xúc, và giảm hoạt động của thùy trước trán - nơi ức chế, kiểm soát cảm xúc và tăng sự tập trung. Trong khi đó, những thay đổi này không hề được thấy trên phim chụp của nhóm chơi Need for Speed.
Rất nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa games và bạo lực, nhưng tại sao chúng ta, những gamers, phần lớn vẫn là những công dân hiền lành lương thiện?
(Còn tiếp)