- Theo Trí Thức Trẻ | 09/07/2014 03:00 PM
"Game thuần Việt" là cụm từ đã quá quen thuộc đối với chúng ta, tuy nhiên những tựa game thực sự 100% cây nhà lá vườn thì hiện tại vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Emobi Games là một studio đi đầu trong việc tự sản xuất game với các sản phẩm như 7554 hay 2112, nhưng đáng buồn là chúng đều không đạt được doanh thu như ý mà nguyên nhân thì ai cũng rõ: căn bệnh lười mua game của game thủ Việt.
Lý do thường được nhiều người đưa ra để bao biện cho việc không muốn bỏ tiền ra mua sản phẩm "made in Vietnam", đó là vì chúng không hấp dẫn bằng các tựa game nước ngoài. Điều này hoàn toàn đúng. Vì không có kinh phí hàng triệu USD cũng như đội ngũ nhân lực hùng hậu, việc họ không thể mang đến những bom tấn như Call of Duty hay Battlefield là điều hiển nhiên. Sản phẩm làm ra không được ủng hộ, lợi nhuận thu về không thể bù đắp cho kinh phí phát triển - cái vòng luẩn quẩn này khiến cho ngành công nghiệp Việt mãi vẫn không thể lớn nổi.
Vậy giải pháp nào có thể giải quyết vấn đề nan giải này? Để trả lời câu hỏi đó, hãy cùng nhìn sang một đất nước láng giềng cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á với nền công nghiệp game đang đi lên rất nhanh - Indonesia.
Chắc hẳn nhiều bạn đọc vẫn còn nhớ tựa game kinh dị DeadOut đã được chúng tôi giới thiệu trước đây, một sản phẩm đến từ hãng game Digital Happiness dành cho PC. Kinh phí phát triển của trò chơi này rơi vào khoảng 30.000 USD tức 600 triệu VND, số tiền không phải là nhỏ đối với các hãng game Việt, và nó đến từ hình thức quyên góp Kickstarter.
Một ví dụ khác, tựa game hành động với tên gọi Pale Blue của hãng Tinker Games cũng đến từ Indonesia mới đây đã công bố đạt 52.000 USD (hơn 1 tỉ VND) kinh phí quyên góp để tiến hành phát triển trò chơi.
Pale Blue Trailer.
Bằng hình thức lấy kinh phí phát triển từ chính cộng đồng gamer, các hãng game nhỏ như Digital Happiness hay Tinker Games không còn phải lo lắng về việc sản phẩm của mình không thu về được lợi nhuận như mong muốn để bù cho chi phí bỏ ra nữa. Bên cạnh đó, sản phẩm của họ có thể nhận được sự ủng hộ của cộng đồng trên toàn thế giới chứ không chỉ gói gọn trong nước - một lợi thế rất lớn so với hình thức phát hành thông thường.
Về phần gamer, những người đã ủng hộ trong giai đoạn Kickstarter cho trò chơi sẽ nhận được một phiên bản khi game chính thức ra mắt mà không phải mất thêm khoản phí nào. Họ còn có thể theo dõi quá trình phát triển, đóng góp ý kiến để sản phẩm cuối cùng đi theo ý muốn. Việc số tiền đóng góp là rất nhỏ so với giá tiền của một tựa game thông thường khiến cho hình thức Kickstarter tỏ ra cực kì phù hợp với tâm lý "tiếc tiền" của đại đa số gamer Việt Nam.
Trở ngại duy nhất ở hình thức Kickstarter là vấn đề tiền nong phải giải quyết qua các công thanh toán nước ngoài, và nếu các nhà phát triển game Việt Nam có thể khắc phục nó bằng một hình thức nào đơn giản hơn dành cho game thủ nước nhà thì rõ ràng đây là giải pháp rất đáng để quan tâm.
>> Cảm nhận DreadOut: Game kinh dị hấp dẫn đến từ Indonesia