Game offline - Kho tàng còn bị bỏ ngỏ ở làng game Việt

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/12/2015 0:00 AM

Game offline, dù không có nhà phát hành chính thức tại Việt Nam như game online, vẫn cần những cú hích để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai gần.

Dám khẳng định một điều, năm 2015 vừa qua là một năm rực rỡ đúng nghĩa đen đối với cộng đồng những người yêu thích game offline nói chung và những game bản quyền, cả offline lẫn multiplayer (để không lẫn với game online) nói riêng.

Ngay từ đầu năm, The Witcher 3, phiên bản mới nhất của series game nhập vai đến từ Ba Lan do CD Projekt RED phát triển đã ra mắt, cuốn hút rất nhiều game thủ Việt tham gia thưởng thức. Phải nói rằng, trong số những nhân vật hư cấu của thế giới game, thì bên cạnh Mario, Lara Croft, thậm chí là Altaïr Ibn-La'Ahad, thì thợ săn quỷ dữ Geralt of Rivia luôn là một trong số những nhân vật được ưa thích nhất của chính những người Việt đam mê game chúng ta.

Và rồi khi những biến cố của làng game lần lượt ập xuống, những tin tức mà không nhiều người Việt quan tâm, nhiều người đã lo ngại rằng 2015 lại là một năm trầm lắng của làng game thế giới, và mặc nhiên game thủ Việt cũng sẽ được diện kiến ít game hay, game đỉnh hơn.

Thế nhưng sự mất mát của Nintendo khi chủ tịch Satoru Iwata rời cõi tạm, hay thiên tài Hideo Kojima rời Konami sau những bất đồng không thể giải quyết sau 29 năm làm việc cùng nhà phát triển kiêm phát hành game Nhật Bản, hay những scandal của làng game trong năm qua dường như khó lòng có thể ngăn cản những siêu phẩm lần lượt ra mắt nội trong năm 2015 này: Fallout 4, Metal Gear Solid V: The Phantom Pain, Assassin’s Creed Syndicate…

Thế nhưng nếu tựu chung lại, một năm rực rỡ, nhiều biến cố và những sản phẩm cao cấp ra mắt trong năm nếu xét riêng tới cộng đồng game thủ Việt Nam, có vẻ như vẫn chưa thể nào so sánh được với làng game online, thứ đã ăn sâu vào thị trường game nước nhà rất nhiều năm qua, thậm chí từ khi tôi còn đang là một cậu bé học cấp 3 ngày ngày cắp sách tới trường nhưng cứ hết giờ là lại trốn vào thế giới ảo, nơi có những người bạn đang chờ đợi đi farm quái hay những trận Tống Kim nghẹt thở.

Giờ đây nếu so sánh, hãy làm một phép thử. Hiện tại trên Facebook có rất nhiều group cộng đồng game offline tại Việt Nam, nơi họ có thể tham gia thảo luận, chia sẻ về nhiều tựa game mà họ yêu thích… Thế nhưng theo thống kê tại thời điểm viết bài, group hâm mộ game offline lớn nhất tại Việt Nam chỉ có gần 17 nghìn thành viên. Trong khi đó chỉ tính hai group Facebook VN-CS:GO và DotA2VN đã có lần lượt 15 nghìn và 27 nghìn thành viên rồi. Điều này cũng vô tình cho thấy rằng, có những tựa game sở hữu cộng đồng đông đảo hơn hẳn so với cả những cộng đồng hâm mộ cùng lúc nhiều game bom tấn đình đám.

Dĩ nhiên điều này chỉ mang tính tương đối, vì bản thân DOTA 2 cũng đang là tựa game được game thủ thế giới thưởng thức nhiều nhất trên Steam. Vậy hãy chuyển qua một ví dụ khác, đó chính là Liên Minh Huyền Thoại. Fanpage của tựa game này chỉ tính riêng phiên bản Việt Nam do Garena phát hành đã có được 2,7 triệu lượt like.

Vâng, 17 nghìn và 2,7 triệu, chỉ ngần đó đã mô tả được sức hút của những game online đỉnh cao như Liên Minh Huyền Thoại tại làng game Việt. Và tuy rất đáng buồn, nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực trạng rằng, game offline nói chung và game bản quyền nói riêng vẫn chưa có được sức hút cần có, bất chấp việc nhiều năm trở lại đây, cộng đồng game bản quyền và những người đam mê game bom tấn đã có ý thức hơn trong việc thưởng thức game.

Nhân đây cũng cần nhắc lại đôi chút về game bản quyền. Dĩ nhiên, không phải chỉ từ vài năm gần đây mà game thủ mới được tiếp cận với những tựa game có bản quyền. Nhiều năm trước đây, đã có không ít những doanh nghiệp kinh doanh đến mảng game cố gắng khai thác thị trường game bản quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên vào thời điểm đó, khi thời cơ chưa chín muồi, hầu hết những đơn vị nhập box game bản quyền về Việt Nam đều rơi vào tình cảnh khốn khó khi game của họ chẳng thể nào cạnh tranh được với những chiếc đĩa lậu bán đầy chợ với giá chỉ 15 20 nghìn Đồng.

Thế nhưng giờ đây, khi làng game thay đổi, thì ý thức của game thủ Việt cũng buộc lòng phải thay đổi. Để có thể thưởng thức tựa game mà mình yêu thích, họ buộc phải đầu tư, bỏ tiền túi của mình ra để mua key game với mục đích thỏa sức đắm mình vào tựa game yêu thích.

Ở thời điểm hiện tại, khi những tựa game “offline” đã và đang đem lại trải nghiệm online chơi mạng và xã hội hóa mạnh hơn bao giờ hết, thì những game thủ Việt từ trước tới nay vốn vẫn quen với việc tải game crack trên mạng internet hay ra tiệm đĩa mua game crack với cái giá của một bữa ăn sáng cũng đang rục rịch chuyển sang việc mua game bản quyền để thưởng thức những lợi ích mà nó đem lại.

Thế nhưng một thực tế vẫn còn tồn tại là trong năm vừa qua, game crack vẫn sống khỏe sống tốt sống vui ở làng game Việt. Thậm chí có những game có crack trước khi ra mắt chính thức (Fallout 4, tôi đã phải ngậm ngùi nhìn bạn bè chơi trước vì họ… download bản crack). Rõ ràng, tư duy chơi game offline của người Việt không khác gì nhiều so với game online: Game thu phí thì nghỉ khỏe, trừ phi game quá hay hoặc chỉ có phần multiplayer, không có key thì ngồi nhìn người khác chơi, game thủ mới bất đắc dĩ phải mua key bản quyền.

Đó cũng là lý do khiến cho CS:GO trở thành tựa game bản quyền được game thủ Việt quan tâm nhất theo cuộc điều tra ngắn mới đây của chúng tôi.

Tổng kết lại, rõ ràng dù có những bước tiến vượt bậc, nhưng những đơn vị truyền thông chưa thực sự quan tâm tới game offline, và tâm lý thích dùng hàng chùa của đông đảo game thủ Việt, mà game offline và game bản quyền nói chung vẫn chưa được quan tâm đúng mực tại Việt Nam. Chắc chắn một điều, để có thể phát triển, game offline, dù không có nhà phát hành chính thức tại Việt Nam như game online, vẫn cần những cú hích để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai gần.