Game kinh dị nay còn đâu? (Phần cuối)

ANS  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 03/05/2013 0:00 AM

Có thể hi vọng vào một tương lai của sự hồi sinh cảm giác sợ hãi tột độ?

Một câu hỏi được đặt ra đó là, liệu những nhân vật chủ chốt trong làng game còn muốn làm game kinh dị nữa không? Hay họ chỉ muốn những cảnh bạo lực, chân tay bị cắt rời, tứ chi văng tứ tung trên sàn nhà kèm với một vụ nổ? Thật hài hước, và cũng thật kinh khủng là còn có cả những phần thưởng cho việc chặt đứt gân cốt của các đối thủ trong game, và mọi người đều có thể tạo ra những vụ nổ thật lớn.
 
Hãy nhìn lại series Dead Space. Bản đầu tiên đã làm khá tốt nhiệm vụ của mình với những phút giây căng thẳng tâm lý tột độ, nhưng Dead Space 2 đã đưa quá nhiều yếu tố bắn súng vào và sang đến Dead Space 3 thì trở thành bắn súng co-op. Yếu tố kinh dị không còn là lí do khiến cho người chơi mua tựa game nữa.
 
Game kinh dị nay còn đâu? (Phần cuối) 1
Dead Space 1 thể hiện khá tốt yếu tố kinh dị.
 
Không phải tất cả mọi tựa game sản xuất ra đều là bom tấn, và những game kinh dị sống còn thực sự lại thường được sản xuất bởi những hãng game indie hay các game cho iOS. Trong năm 2012 vừa qua, chắc chắn cái tên gây được tiếng vang lớn nhất trong thể loại Survival Horror chính là Slender: The Eight Pages. Lấy cảm hứng từ một Creepypasta về nhân vật Slender Man, tựa game đã thực sự tạo được cảm giác sợ hãi tột cùng cho người chơi.
 
Được thiết kế rất đơn giản, không mở đầu, không cốt truyện, bạn là một nhân vật vô danh với ánh đèn pin yếu ớt trên tay, lần mò trong khu rừng đêm rộng lớn để tìm đủ 8 mảnh giấy. Cảm giác căng thẳng, lo sợ và thậm chí tuyệt vọng khi dò dẫm từng bước chân và khi Slender Man xuất hiện, tâm trí người chơi luôn trong trạng thái căng như dây đàn. Với một số vốn ít ỏi, đồ họa lỗi thời, âm thanh nghèo nàn, Slender: The Eight Pages vẫn khiến người chơi thót tim - điều mà nhiều tựa game AAA gần đây không làm được.
 
Game kinh dị nay còn đâu? (Phần cuối) 2
Slender - tựa game gây tiếng vang lớn.
 
Các dòng game thuần kinh dị ngày nay dường như không còn "đất sống" trên các dự án lớn cho console và PC. Chúng không biến mất, có điều nó không còn phát triển mạnh mẽ như thời hoàng kim nữa. Với nguồn kinh phí thấp, người phát triển sẽ không còn phải lo về lợi nhuận, về marketing quá nhiều, họ được giải phóng khỏi khái niệm "an toàn", và thực sự tập trung vào con đường những tựa game cũ đã đi, tìm cách ám ảnh tâm trí người chơi chứ không phải đặt tay họ vào cò súng. Quá nhiều vụ nổ sẽ làm giảm độ kinh dị và ít những cú sốc đi, cũng làm loãng sự sợ hãi đi. Đó có lẽ là lí dó khiến Mikami nhấn mạnh rằng không còn tựa game kinh dị đích thực nào.
 
Game kinh dị nay còn đâu? (Phần cuối) 3
Amnesia: The Dark Descent mang lại nỗi sợ hãi từ cảm giác bất lực của người chơi.
 
Công nghệ mới tạo nên cơ hội hồi sinh những dòng game đã bị chìm vào quên lãng. Sức mạnh của công nghệ cho phép nhà phát triển tạo nên những con quái vật kinh khủng hơn, hay những môi trường sắc nét hơn. Liệu công nghệ mới có được sử dụng để hồi sinh những game kinh dị kinh điển, nếu như thế sẽ rất tuyệt. Tưởng tượng, nếu Fatal Frame được remake trên PS4, liệu chúng ta có thể nhảy vào trong tựa game đó để làm chính con ma dọa những người bạn cùng chơi? Hay có thể tạo nên những chi tiết kinh dị quen thuộc như một cuộc gọi không rõ nguồn gốc từ máy điện thoại để bàn?
 
Game kinh dị nay còn đâu? (Phần cuối) 4
Điểm chung của những tựa game kinh dị thuyết phục có lẽ là người chơi không sở hữu vũ khí.
 
Sợ hãi là một trong những cảm xúc mạnh nhất của con người, và nhiều người vẫn muốn điều đó được đưa trở lại vào game. Hiện tại, các nhà phát triển chủ yếu tập trung vào sự chiến thắng và cảm giác thỏa mãn của người chơi qua những trận chiến, đi kèm với đó là những phần thưởng thường xuyên cho người chơi. Nhưng, điều làm nên một tựa game Survival Horror đích thực là gì?
 
Cố gắng giữ cho nhân vật của chúng ta được sống, lo lắng cho sự an toàn và sợ hãi trước những thứ có thể ẩn nấp sau một cánh cửa, trong một căn phòng. Trong Resident Evil 3, ta luôn sợ hãi trước sự truy đuổi của Nemesis, bởi hắn không thể bị hạ gục bởi súng đạn. Hay trong Fatal Frame, sự căng thẳng luôn là điều thường trực khi vũ khí duy nhất ta có là một chiếc máy ảnh. Những ý tưởng đó đang rất được mong đợi trở lại, nhưng là một dự án được đầu tư lớn chứ không phải những bản game nhỏ lẻ.
 
Game kinh dị nay còn đâu? (Phần cuối) 5
Nemesis - Nhân vật tượng trưng cho nỗi sợ hãi.
 
Có thể nói điều đáng trông đợi nhất ở thể loại Survival Horror lúc này là sự ra mắt của The Evil Within trên Xbox 360, PS3 PC và cả hệ máy next-gen trong năm 2014 với hy vọng hồi sinh trải nghiệm "kinh dị AAA" từng rất hưng thịnh trong quá khứ.
 
Tham khảo: GamesRadar