Fallout 4 - Cần gì để trở thành siêu phẩm?

Invisible  | 04/12/2011 02:00 PM

Không có lý do gì để Fallout không học tập từ những thành công vạng dội của người anh em Skyrim.

Như vậy là chiến dịch Skyrim coi như đã khép lại thành công tốt đẹp, Berthesda đã gặt hái được thành công rực rỡ nhưng đi kèm theo đó cũng là những bài học vô cùng đắt giá. Bước tiến tiếp theo của nhà làm game The Elder Scroll chắc chắn sẽ là dồn sức sang Fallout – một siêu phẩm RPG khác với phiên bản thứ 4.
 

Mặc dù 2 sản phẩm này lấy bối cảnh khác xa nhau một trời một vực, một ờ quá khứ và một ở tương lai. Tuy nhiên xét đến cùng, chúng vẫn có những điểm chung nhất. Cả hai đều là thế giới RPG sandbox rộng mở được nhào nặn dưới bàn tay đại tài của Berthesda, chúng đều có sức cuốn hút lạ kì và ngốn của người chơi hàng giờ đồng hồ ngồi trước màn hình và tất nhiên là không có lý do gì để Fallout không học tập từ người anh em Skyrim cả.

Xây dựng cá tính nhân vật

Fallout 3 là tựa game độc đáo ràng buộc bạn với từng quyết định đưa ra. Và chắc chắn nó sẽ tiếp tục phát huy tác dụng của mình trong thế giới đa chiều ở phiên bản thứ tư tiếp sau đây. Điều mấu chốt đó là Berthesda cần rút kinh nghiệm gì từ sản phẩm Skyrim vừa rồi?

The Elder Scroll V cho phép bạn làm bất cứ điều gì, dù đúng dù sai và theo quy luật logic, phần nào đó bạn phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình. Tuy nhiên, mới chỉ phần nào đó mà thôi, “hào phóng” bỏ một khoản tiền, bạn hoàn toàn có thể bãi miễn tội danh trộm cắp hay thậm chí là giết người. Một điều không đáng lặp lại ở Fallout 4.
 

Tạo ra một thế giới rộng mở là vô cùng tốt, tuy nhiên nhà sản xuất cũng cần cân nhắc đến việc tạo dựng chiều sâu với tính cách ngầm ẩn trong mỗi nhân vật xuất hiện trong game. Nếu làm được điều này, việc Fallout 4 tiếp tục thành công là không có gì đáng nghi ngờ.
 
Chế độ level và nâng cấp skill độc đáo

Những con nghiện RPG có lẽ đều đã từng quen với thang điểm level và skill truyền thống của những game “thời kì đầu”. Bạn giành được điểm kinh nghiệm qua từng trận đấu và cấp độ tăng dần theo thời gian, những bảng chỉ số sẽ phản ánh điểm mạnh điểm yếu của nhân vật chính. Bạn sẽ dần dần tự rút ra cho mình một hay một vài công thức chuẩn nào đó để áp dụng cho từng nhân vật cho tới khi họ đạt tới level tối đa. Thật đáng ngạc nhiên là Fallout 3 cũng không thể tránh khỏi điều này.
 

Trên thực tế, việc chăm chút từng điểm số một không phải là điều gì quá xấu, thậm chí còn là một nhân tố thú vị nữa ấy chứ. Tuy nhiên nếu nhìn nhận một cách khách quan thì nó cũng chẳng là gì so với hệ thống tăng level “thực chiến” của Skyrim.

Người chơi không bị bó buộc trong những khuôn khổ gò bó như anh chàng này chỉ và chỉ chuyên theo đường cung kiếm hay cô gái kia bắt buộc phải sử dụng phép thuật…. Mọi thứ đều tự do và sự tự do ấy được người chơi tự thử nghiệm qua quá trình chơi. Không có sự mù mờ hay phải hối hận khi tăng nhầm một điểm số mà không biết nó phục vụ cho điều gì. Một điều tuyệt vời và trên hết, nó hoàn toàn giống với đời thực.

Một thế giới thú vị hơn

Thành thực thì không có gì thú vị ở một vùng đất chết cả. Nó hoàn toàn hiển nhiên và nếu như bạn đã chơi qua Fallout 3, Borderland hay Rage cũng sẽ hiểu rõ điều này. Hãy nghĩ về phiên bản mở rộng Point Lookout mà Berthesda đã từng sản xuất, điều gì đã khiến nó tạo nên ấn tượng mạnh nhất trong người chơi? Câu trả lời dễ dàng đó là khung cảnh yên bình (tất nhiên là tính theo tiêu chuẩn của Fallout) đưa người chơi thoát khỏi cảnh tượng chết chóc, hoang tàn.
 
Một thế giới đã chết hoàn toàn thì còn điều gì thú vị nữa?

Fallout 4 có thể sẽ đưa người chơi đến cuộc du hành khám phá một vùng đất mới, một thành phố mới hay táo bạo hơn nữa, một thế giới mới – một thế giới mới như bộ phim truyền hình Terra Nova chẳng hạn. Hay chí ít cũng chỉ là một màn chơi, một đoạn kí ức đẹp nào đó của loài người thôi chẳng hạn, tôi dám chắc rằng nó sẽ làm nên điều thành công.

Lối chơi đa chiều

Đúng như vậy, lối chơi đa chiều luôn hấp dẫn với những ai dù chỉ là mới nghe qua nó. Nó tạo nên cảm giác phấn khích, thỏa mãn sự tò mò, thử thách bản thân mình và vượt qua những chướng ngại vật trước mắt….
 
Nó như những mảnh ghép cuộc sống được đan kết lại thành một bộ xếp hình hoàn chỉnh với những điểm nhấn nhá đầy tài tình. Và tuyệt vời hơn cả đó chính là người chơi có thể ghép những miếng ghép của mình theo bất cứ trình tự nào mà mình muốn. Một điều không phải nơi đấu cũng có, ngay cả trong cuộc sống thường nhật của bạn. Fallout 3 bắt người chơi khởi đầu trong một căn phòng và vô hình chung đã tạo nên một giới hạn nào đó trong “cuộc sống” của người chơi.
 
 
Họ không có quyền tự quyết định cho đến khi đến giữa game, sau khi đã trải qua một phần câu truyện. Một khởi đầu khá chậm chạp và có phần hơi lề mề, nhà sản xuất hoàn toàn có thể đẩy nhanh nhịp độ và cho phép người chơi có thể lao ngay vào công cuộc tìm kiếm và khám phá. Tuy nhiên nếu vẫn muốn trung thành với cốt truyện có sẵn, Berthesda vẫn hoàn toàn có thể gài những đoạn cutscene, những nhiệm vụ hay những chi tiết hé mở đầy tinh tế cho câu chuyện chủ đạo. Một gợi ý không tồi chút nào!

Khung cảnh thoáng đãng hơn

Đồ họa của Skyrim tiên tiến hơn Fallout 3 là một điều chắc chắn rồi, một sản phẩm ra đời năm 2008 và cái còn lại xuất hiện tận 3 năm sau đó cơ mà. Tuy nhiên, điều đáng nói đó chính là cách thiết kế những mảng địa hình của The Elder Scroll tạo cho người ta cảm giác gì đó “thoáng đãng” hơn và để lại ấn tượng mạnh hơn rất nhiều. Những đỉnh núi quanh năm tuyết phủ, đồng bằng cỏ xanh rì, bầu trời rực rỡ ánh sao….Tất cả đều khiến cho Skyrim trở nên thật lung linh và nhiệm màu.
 
Tiếp tục là một cảnh tượng hoang tàn.

Như đã nói ở trên, chúng ta nên kì vọng ở một vùng đất mới, hoang sơ và “mát lành” để có thể thoát khỏi cái cũi ngột ngạt của Fallout. Chúng ta đang ở sát ngày tận thế nhưng cũng không có nghĩa chúng ta không được mơ mộng phải không nào?
 
Và điều cuối cùng tôi muốn kì vọng nữa ở Fallout 4 chính là mong muốn nó sẽ ra mắt thật sớm, có thể là ngay mùa game năm sau để chúng ta tiếp tục có dịp được đắm mình trong siêu phẩm RPG hoành tráng này.
Tham khảo tại IGN.
(Theo nguồn MaskOnline)