Dustforce - Dễ chơi và cũng dễ "nghiện"

PV  | 26/02/2012 0:00 AM

Trong Dustforce bạn sẽ vào vai một người quét dọn với nhiệm vụ làm sạch tất cả các loại bụi bẩn trên đường đi của mình, tất nhiên là theo một cách vô cùng độc đáo.

Bụi bẩn luôn có mặt xung quanh những ngôi nhà của chúng ta. Mỗi ngày chúng tích tụ với một lượng nhỏ khiến bạn không để ý, nhưng lâu dần chúng sẽ trở thành ác mộng mỗi khi bạn phải quét dọn. Lấy ý tưởng từ công việc dọn dẹp đáng ghét này, trong Dustforce bạn sẽ vào vai một người quét dọn với nhiệm vụ làm sạch tất cả các loại bụi bẩn trên đường đi của mình, tất nhiên là theo một cách vô cùng độc đáo.

Gameplay
 
Cách chơi của Dustforce cũng rất đơn giản đúng với đặc trưng của dòng game platform, bạn sẽ dành phần lớn thời để chạy và nhảy. Nhiệm vụ của bạn trong một màn chơi đó là cố gắng quét sạch tất cả bụi bẩn và tiêu diệt hết kẻ địch trong thời gian nhanh nhất.
 
Nghe qua có vẻ đơn giản và nhàm chán tuy nhiên bạn sẽ phải nghĩ lại khi bắt đầu vào cuộc chơi khi mà các “lao công” trong trò chơi sở hữu khả năng leo trèo không thua kém gì chàng hoàng tử Ba Tư với những pha bật tường, trượt dốc nhanh thoăn thoắt. Và tuy “vũ khí” trong game là những cây chổi nhưng người chơi lại có thể tung ra những đòn combo uy lực và đẹp mắt vào kẻ địch.
 
Dustforce Trailer.
 
Cơ chế di chuyển của Dustforce khiến người viết liên tưởng tới Megaman khi mà nhân vật có thể nhảy 2 lần trong không trung, trượt để tăng tốc và khả năng bám dọc theo các bờ tường. So với các game platform 2D khác, chẳng hạn như Super Meat Boy, việc điều khiển nhân vật có phần nặng nề hơn. Trọng lượng này xuất phát từ sự phức tạp trong cơ chế điều khiển chuyển động cũng như chiến đấu.
 
Mỗi nhân vật có hai đòn tấn công nhẹ và mạnh. Bằng việc liên kết các đòn tấn công nhẹ lại với nhau, người chơi có thể tung ra đòn những combo trong không trung rất đẹp mắt. Nếu sử dụng những đòn đánh mạnh, kẻ thù có thể bị tiêu diệt nhanh hơn tuy nhiên sau đó sẽ để lại một vết bụi bẩn khác mà bạn phải dọn dẹp.
 
Tất cả mọi thao tác từ làm sạch bụi cho đến chiến đấu đều được cộng vào để làm đầy thanh combo của bạn. Sau khi thanh này đầy, bạn có thể sử dụng nó để thi triển tuyệt chiêu quét sạch tất cả kẻ địch trong một vùng xung quanh nhân vật. 
 
Mỗi màn chơi của Dustforce giống như một câu đố, người chơi cần phải kết hợp yếu tố chạy nhảy, chiến đấu cũng như làm đầy thanh combo để có thể tìm được con đường đến đích nhanh nhất. Để hoàn thành một màn chơi không khó, tuy nhiên để đạt mức hoàn hảo bạn cần phải dọn dẹp sạch sẽ màn chơi cũng như duy trì được combo từ đầu đến cuối, một việc không hề dễ dàng chút nào.
 
 
Khi kết thúc mỗi màn chơi, bạn sẽ được xếp loại hoàn thành, và việc đánh giá sẽ được dựa trên số lượng kẻ thù cũng như bụi bẩn mà bạn đã dọn sạch được và thời gian bạn giữ được combo. Nếu đạt điểm S ở cả 2 tiêu chí, bạn sẽ nhận được một chiếc chìa khóa để unlock các màn chơi mới với độ khó cao hơn.
 
Âm thanh và hình ảnh
 
Âm thanh của Dustforce được thể hiện khá tốt, những bản nhạc nền mang âm hưởng huyền bí với tiết tấu vừa phải nghe rất êm tai và không bị nhàm khi nghe liên tục, và theo nhà sản xuất thì nó còn có tác dụng làm người chơi bình tĩnh khi chơi trong thời gian dài (trong Dustforce việc retry diễn ra khá thường xuyên). Tuy nhiên một điều đáng tiếc là số lượng các bản nhạc nền không được nhiều cho lắm.
 
Hình ảnh được thiết kế theo phong cách hoạt hình với màu sắc được phối một cách hài hòa, từ những màn chơi rừng núi cho tới những tòa lâu đài cao chót vót. Các động tác chạy nhảy, trượt, leo tường cũng được chăm chút kĩ lưỡng làm cho các pha hành động trở nên liền mạch. Tuy vũ khí là những cây chổi nhưng các đòn tấn công vẫn tạo được cảm giác uy lực nhờ có hiệu ứng rung màn hình, và tuyệt chiêu thì khỏi phải bàn, chẳng khác nào Omnislash của chàng Cloud trong FF VII
 
 
Multiplayer

Chế độ chơi nhiều người của Dustforce có vẻ chưa được đầu tư đúng mức khi chỉ hỗ trợ duy nhất một kiểu chơi với tối đa là bốn người có thể tham gia. Và khi bước vào trận đấu  người chơi sẽ không biết phải làm gì khi mà game không đưa ra một hướng dẫn cụ thể nào về cách chơi. Trong chế độ này, một bên sẽ đóng vai trò là người quét dọn, trong khi những người chơi khác đi phát tán bụi bẩn khắp nơi trên bản đồ. Trận đấu sẽ kết thúc khi mà một bên chiếm ưu thế màn hình, tuy nhiên điều này khá khó để thực hiện nên trận đấu thường kéo dài và gây nhàm chán. .

Kết

Nhìn chung trên phương diện một tựa game indie, Dustforce thực sự không có gì đáng để phàn nàn. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà game có hiện tượng sụt giảm khung hình ở một số hệ thống, tuy không phải lúc nào cũng bị nhưng cũng đủ để khiến bạn khó chịu. Chế độ chơi cửa sổ cũng là một tính năng rất hữu ích đối với một trò chơi mang tính thư giãn như Dustforce, tuy nhiên với hình ảnh bắt mắt, âm nhạc tuyệt vời cộng với cách chơi đơn giản mà lý thú, Dustforce cũng rất dễ gây “nghiện” và sẽ khiến bạn phải dán mắt vào màn hình trong nhiều giờ.
 
Xem thêm:

game platform