Dungeon Twister - Mê cung nhiều... sạn

Invisible  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 22/07/2012 05:00 PM

Giờ đây, một trong những board game phổ biến nhất là Dungeon Twister đã có mặt trên PlayStation Network để đáp ứng nhu cầu chơi game tiện lợi và nhanh chóng.

Phát triển: Hydravision
Phát hành: Hydravision
Thể loại: Chiến thuật
Hệ máy: PS3
Ngày phát hành: 3/7/2012
Ưu điểm: Có tính chiến thuật cao và hệ thống hướng dẫn tỉ mỉ, dễ hiểu.
Nhược điểm: Thường xuyên bị crash, không hỗ trợ nhiều người chơi trên cùng 1 máy.

 
 

 
 
 
 
 
 
Những trò chơi quanh chiếc bàn (board game) luôn luôn là một thú vui giải trí đơn giản mà hiệu quả dành cho một nhóm bạn từ hai đến bốn người cùng tham gia. Sức cuốn hút đó giúp cho board game trở nên cực kì phổ biến trong các thể loại game gia đình. Vấn đề duy nhất đối với các board game là sau mỗi ván đấu, người chơi lại phải tự tay thu dọn và sắp xếp lại mọi thứ trở lại tình trạng ban đầu khiến cuộc chơi bị ngắt đoạn và gây ra cảm giác ngại bắt đầu lại.
 
Giờ đây, một trong những board game phổ biến nhất là Dungeon Twister đã có mặt trên PlayStation Network để đáp ứng nhu cầu chơi game tiện lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, với những lợi thế về công nghệ trong tay, Dungeon Twister lại không tạo ra được nhiều sự khác biệt trong đồ họa cùng những trải nghiệm mang tính phiêu lưu ly kì, hấp dẫn hơn. Trái lại, hiện tượng crash thường xuyên cùng sự thiếu vắng chế độ multiplayer đã làm giảm đi tính hấp dẫn cũng như cảm giác thoải mái của người chơi.
 
dungeon-twister-me-cung-nhieu-san
 
Vì đặc thù là một game chiến thuật nên luật chơi của Dungeon Twister có chút phức tạp và cách chơi cũng hơi khó hiểu đối với những người mới chơi. Do đó, Dungeon Twister có một hệ thống hướng dẫn chơi khá bao quát với trên 20 nhiệm vụ giới thiệu ban đầu. Đối với một số người thì phần này có thời lượng hơi dài và nhiều nhiệm vụ là không cần thiết. Về cơ bản, các luật khác nhau được giới thiệu tuần tự hợp lý và đôi khi kết hợp cùng nhau giúp người chơi hiểu thật rõ nhiều trường hợp đặc biệt có thể xảy ra trong quá trình chơi. Luật chơi được giải thích cặn kẽ đến mức người chơi sẽ không thể kết thúc những nhiệm vụ này nếu không thật sự hiểu được cơ chế của trò chơi.

Bàn chơi của Dungeon Twister được cấu thành bởi một hệ thống các căn phòng chứa quái vật, các hero và vật phẩm. Mỗi người chơi sẽ nhận được một số các quân bài nhất định mang những thông tin cơ bản như ai được đi trước, đi bao nhiêu ô trong một lượt. Mục tiêu chung của người chơi là ghi được nhiều điểm nhất có thể bằng cách đưa nhân vật của mình về tới đích hoặc tiêu diệt đối thủ.

Trailer.

Dungeon Twister đưa vào cuộc chơi những nhân tố có tính đột phá để tạo ra nhiều tình huống phức tạp khiến người chơi phải tư duy nhiều hơn và cũng có nhiều công cụ hơn để sử dụng. Một trong những nhân tố đó là các cánh cửa bị khóa trên bàn chỉ có thể được mở ra hoặc bị phá hủy bởi một số lớp nhân vật đặc biệt hay những chiếc rương chứa kho báu được đặt rải rác giúp người chơi có thêm điểm thưởng khi về đích.
 
Trong quá trình chơi, các nhân vật còn được cộng thêm giáp và vũ khí để tăng sức tấn công cũng như sức chịu đựng trong những trận chiến tay đôi. Thêm vào đó, người chơi còn có thể tìm thấy những chai thuốc ma thuật giúp kéo dài lượt đi và cả dây thừng để giúp các chiến binh tạo ra chiếc cầu tạm vượt qua cạm bẫy.
 
dungeon-twister-me-cung-nhieu-san
 
Điểm đặc biệt nhất trong số những nhân tố đột phá nằm ở khả năng thay đổi hướng đi cho các căn phòng mà người chơi được phép thực hiện. Các căn phòng riêng lẻ rắc rối, phức tạp như những mê cung thu nhỏ giờ đây có thể được xoay chiều để tạo ra những hướng đi mới, những giải pháp mới cho người chơi. Bằng một lần xoay tinh tế và đầy tính toán, người chơi có thể tự giải thoát cho bản thân khỏi cạm bẫy trước mặt đồng thời gài chúng ngay cạnh chân kẻ thù. Ở một ngõ cụt không còn lối ra, người chơi hoàn toàn có thể tự tạo ra một lối thoát nhanh chóng nhờ tính năng đặc biệt của các căn phòng.

Không may cho Dungeon Twister là các nhà phát triển có lẽ đã quá vội vàng với sản phẩm của mình mà bỏ quên rất nhiều những lỗi kĩ thuật chưa được giải quyết. Những lỗi này xuất hiện nhiều với các mức độ khác nhau từ vụn vặt tới nghiêm trọng. Nặng nhất phải kể đến lỗi đứng màn hình giữa lúc cuộc chơi đang diễn ra. Điều tệ hại hơn nằm ở tần suất xuất hiện cao của lỗi này khi game đang đi đến hồi gay cấn ở cuối ván đánh sẽ khiến cho không ít người chơi cảm thấy bực mình. Ít xảy ra hơn nhưng cũng gây khó chịu không kém là lỗi thực hiện nước đi ra ngoài khuôn khổ bàn của AI. Sự vô lý này thường dẫn đến quyết định chơi lại không thương tiếc của người chơi cho dù họ có thể đang thắng thế trong ván đấu.

dungeon-twister-me-cung-nhieu-san
 
Giao diện và đồ họa Dungeon Twister được đánh giá là không đến nỗi nào nhưng nhìn chung nó vẫn ở mức chưa đạt được kì vọng. Các nhân vật xuất hiện trên bàn nhìn quá nhỏ và không rõ nét khiến cho việc phân biệt chúng trở nên khó khăn trừ khi camera được zoom lại gần. Animation của các nhân vật khá là nghèo nàn và nhạt nhẽo bởi có quá ít các cử động được hỗ trợ và chúng cũng không hề sống động. Trong trận chiến, các chiến binh dùng gậy và kiếm để đập nhau theo cùng một tư thế, một động tác mà không hề có sự đa dạng hay biến hóa trong các tác động qua lại. Về tổng thể, các nhân vật hầu như không có các đòn thế và cá tính riêng giúp người chơi có ấn tượng sâu sắc.

Điều đáng tiếc nhất đối với một tựa game gia đình như Dungeon Twister có lẽ là sự vắng mặt của chế độ multiplayer. Ngay cả những game nhỏ hơn như Monopoly hay cờ thì yếu tố đối đầu trực tiếp giữa những người chơi vẫn luôn được nhấn mạnh và quan tâm đúng mức. Trong khi đó, PlayStation Network chỉ cho phép người chơi thi đấu với máy hoặc đối thủ online.
 
Dù cho chế độ online cũng bao gồm cơ chế ghép cặp hay mời thi đấu khá cơ bản thì chừng đó vẫn không thể sánh được với cảm giác thú vị và sự vui vẻ mà những cuộc so tài trên cùng một máy mang lại. Dungeon Twister là một tựa game có cách chơi hay, thú vị nhưng những giá trị cốt lõi ấy đã bị làm hỏng đi một phần do sự bất cẩn và thiếu tinh ý của các nhà phát triển.

Tham khảo GameSpot