Đồ họa trong game rồi sẽ đi về đâu?

Thế Tài  | 22/03/2011 02:00 PM

Những năm gần đây, dù chất lượng hình ảnh được cải tiến đáng kể, nhưng vẫn chưa có tựa game nào thực sự tạo được bược nhảy vọt mới trong lòng game thủ.

Trong những năm vừa qua, nhờ sự phát triển vượt trội về công nghệ của thiết bị phần cứng, chất lượng đồ họa của những kiệt tác game đã thay đổi với tốc độ cực kì chóng mặt. Nếu so sánh một tựa game mới được phát hành với các bậc đàn anh đã từng làm mưa làm gió cách đây vài năm về trước, người chơi hẳn không thể không tin rằng một ngày không xa, đồ họa của game sẽ đạt đến mức gần như hoàn hảo. 


Việc mô phỏng được một cách sống động những chi tiết như trong đời thực sẽ không còn là xa vời trong những năm tới. Tuy nhiên, đây có lẽ cũng chính là thời điểm các nhà thiết kế game nên tự đặt ra câu hỏi, liệu họ sẽ chọn cho mình phương hướng phát triển đồ họa như thế nào để có thể thực sự mang đến sự thỏa mãn cho giới game thủ.
 
Đại diện cho xu hướng phổ biến hiện nay, bạn có thể liên tưởng đến một trong những tên tuổi gần đây nhất của hãng Epic Games là Samatarian tận dung tối đa Unreal Engine 3. Mặc dù game thủ có thể được chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp mắt được thực hiện bởi những hiệu ứng tinh xảo cho thấy ở đoạn trailer.


Tuy nhiên, sau khi bỏ ra đôi ba phút suy ngẫm, bạn sẽ phải đặt ra câu hỏi liệu đó có phải là đích đến thực sự của tất cả các nhà làm game. Cái giá phải trả rõ thấy nhất để đổi lại cho điều này chính là phí tổn để sản xuất một thương hiệu game hàng đầu đã tăng vọt lên tận mây xanh.
 
Nói cách khác đi, nếu xu hướng này chính thức trở thành chuẩn mực gương mẫu cho làng game, thì chỉ có những nhà phát triển lớn mới có khả năng để mang lại cho game thủ những sản phẩm sở hữu chất lượng đồ họa ưng ý. Các nhà phát hành lớn như Activision, hiện nay đều chỉ cần bám vào các thương hiệu “gà đẻ trứng vàng” của mình như Call of Duty, thay vì đầu tư vào một ý tưởng mới lạ, có thể phục vụ cho người chơi tốt hơn.
 

Điều đáng nói ở đây, chính là cho dù đồ họa có chân thực và đẹp đẽ đến đâu đi chăng nữa, nhưng thiếu đi sự đối mới hay tính năng đáng chú ý khi thưởng thức một trò chơi, thì game thủ giống như đang nhai đi nhai lại một thức ăn nhanh nhưng với vỏ bìa bắt mắt hơn mà thôi.

Hãy nhìn vào L.A. Noire, mặc dù các nhà thiết kế của tác phẩm này tận dụng những công nghệ tiên tiến bậc nhất, mà ít hãng nào có khả năng tài chính để thực hiện, nhưng họ không chỉ dừng lại ở đó. Để mang lại cho người chơi cảm nhận thực tế của thành phố Los Angeles vào những năm của thập niên 50, hãng làm game đã bỏ không ít chi phí ra để thu thập các dữ liệu đời thực rồi từ đó mô phỏng vào game. Trong vai thám tử Cole Phelps, nhiệm vụ của game thủ là tìm ra lời giải đáp cho vụ sát nhân bí ẩn.
 

Thú vị ở chỗ, sức mạnh đồ họa sẽ giúp cho game thủ không chỉ đơn thuần ngắm nhìn cảnh đẹp của thành phố, mà còn theo dõi được nét biểu cảm trên khuôn mặt của những nhân vật khác. Từ đây, người chơi sẽ thực hiện công việc của một thám tử thật sự, theo dõi, dò xét các đối tượng tình nghi và từ đó tìm ra chứng cứ hợp lí.

Không thể phủ nhận rằng đồ họa đóng một vai trò quan trọng đáng kể đến trải nghiệm thưởng thức game của người chơi. Một tựa game với đồ họa đỉnh cao như Crysis sẽ dễ dàng chiếm được cảm tình của giới game thủ, bởi hình thức luôn là yếu tố đáng được quan tâm, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ chuyện gì đi chăng nữa. 


Nhưng các trò chơi như Kirby’s Epic Yarn hoặc Super Mario Galaxy không nhất thiết phải đặt nặng về công nghệ, mà vẫn khiến cho người chơi hài lòng bởi phong cách nghệ thuật thể hiện trong game. Hy vọng rằng trong tương lai, game thủ sẽ được chạm tay vào những tựa game thực như cuộc sống, vẹn toàn cả về chất lượng lẫn hình ảnh.
Xem thêm:

phân tích