Nước Nhật giai đoạn giữa thế kỷ 16 ngập tràn sự hỗn loạn. Các sứ quân đua nhau tranh hùng xưng bá, ai cũng muốn trở thành Shogun quyền lực tối thượng. Thế nhưng, “ghế nóng” chỉ có 1 trong khi người tài trong thiên hạ đâu có ít, vì vậy những cuộc chiến tranh liên miên diễn ra giữa các dòng họ đã đưa nước Nhật vào thời kỳ Sengoku Jidai (Chiến Quốc) kéo dài hơn 100 năm lịch sử.
Shogun 2: Total War được kỳ vọng là tựa game đầu tiên có khả năng tái hiện lại thời kỳ này chân thực nhất, hoành tráng nhất, đúng với tinh thần võ sĩ đạo.
Quả thực, bản demo đã gây ấn tượng rất mạnh cho bất kỳ ai dù đã chơi qua dòng game Total War hay cả những người chưa bao giờ thử “Chiến tranh tổng lực”. Xin chưa đề cập đến phần lõi của game vội, chỉ ngay đoạn video mở đầu đã thực sự làm người chơi phải “sướng run người” trước khả năng dàn dựng tuyệt vời của Creative Assembly.
Cảnh đọ kiếm giữa 2 Samurai và sau đó, hàng nghìn tráng sĩ Nhật cùng hô vang chiến hiệu, lao tới tòa thành địch với khí thế sung mãn trong bối cảnh mùa đông tuyết rơi đẹp mắt… tất cả đã tạo nên sức hấp dẫn ban đầu cho game thủ mà chưa cần phải sử dụng đến gameplay.
Bản demo của game chỉ cho phép chơi thử Tutorial Campaign – phần chơi chiến dịch hướng dẫn của dòng họ Chosokabe, dưới sự dẫn dắt của vị anh hùng nổi tiếng thời kỳ Sengoku, Chosokabe Motochika. Vẫn là khung cảnh quen thuộc của bản đồ chiến lược, khi người chơi phải tự mình xây dựng lâu đài, kiểm soát dân chúng, tài nguyên của vùng đất.
Mỗi vùng lại có đặc điểm khác nhau về mặt tài nguyên, địa hình. Điều này chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phần chơi Chiến dịch bởi đây là yếu tố tiên quyết trong việc xây dựng kinh tế.
Phần chơi demo của game không giới thiệu nhiều về mặt quản lý trong game, hay nói đúng hơn phần này… chẳng có gì mới mẻ mà tập trung vào nhiều hơn vào khoản chiến trận. Mặc dù chỉ cho phép game thủ được đánh 3 trận trực tiếp thông qua bản đồ chiến thuật (Strategic map) và số trận còn lại sẽ phải giải quyết bằng tự động (Auto Resolve) nhưng nhìn chung, những điểm mạnh của Shogun 2 đã được bộc lộ đầy đủ.
Đầu tiên phải kể đến đó là khoản đồ họa và tạo hình động tác cho quân lính. Hình ảnh của Shogun 2: Total War tỏ ra sắc cạnh hơn so với những người anh đi trước, đôi lúc tạo cho người ta cảm giác giống như một game bắn súng FPS nếu nhìn theo góc độ của người lính. Với nhiều game thủ, có lẽ nền tảng đồ họa như vậy lại tỏ ra hấp dẫn hơn là kiểu đồ họa ứng dụng nhiều blur để che bớt đi những khiếm khuyết của hình ảnh.
Mặc dù vậy, vẫn phải dành tặng điểm tốt cho khoản đồ họa của Shogun 2, ít nhất là vượt xa những gì các bậc tiền bối đã làm được. Cũng phải thôi, vì game được phát triển sau khá lâu. Tuy đẹp vậy nhưng Shogun 2: Total War chạy rất mượt trên máy cấu hình chỉ ở mức tầm trung và khung hình của game chỉ bắt đầu giảm khi bạn muốn xem kỹ từng đơn vị quân giao chiến với nhau như thế nào.
Đi kèm với đồ họa là nền tảng âm thanh tuyệt vời được đích thân Jeff van Dyck biên soạn. Sự vắng mặt của anh trong Empire: Total War và Napoleon đã khiến 2 cái tên này mất hẳn đi sự cuốn hút vốn có của cả một dòng game. Và lần này khi nghệ sĩ âm nhạc trở lại, người ta lại một lần nữa tận hưởng cảm giác “sướng run người” mỗi khi một bản nhạc chiến trận vang lên. Không chỉ dừng lại ở độ hoành tráng trong những trận chiến, Shogun 2: Total War còn mang âm hưởng hiền hòa mỗi khi chuyển về khung cảnh làng quê.
Nói về khoản chuyển động nhân vật, áp dụng công nghệ motion capture hoàn hảo, Creative Assembly đã biến mỗi người lính thành một cá thể độc lập chứ không phải “tất cả một khối” như trước. Cụ thể, trong một đội lính 200 người, có anh lính tỏ ra hung hăng, ngạo nghễ, ngẩng cao đầu khi bước đi, có người lại tỏ ra điềm đạm, mắt nhắm nghiền. Cũng có người đảo mắt xung quanh như đang tìm kiếm ai vậy. Thậm chí đâu đó còn xuất hiện nhóm lính đang nói chuyện với nhau trước lúc vào trận.
Bản thân người viết có lúc giật mình tưởng rằng lỗi kỵ binh chạy tách đội đã từng xuất hiện trong Medieval 2 nay đã trở lại khi thấy một kỵ binh chạy thoát hẳn ra khỏi đội. Thế nhưng, khi nhìn kỹ mới phát hiện ra rằng đó chỉ có mỗi con ngựa hoảng hốt bỏ chạy, còn người thì đã bị bắn gục mất rồi. Có thể nói, sự đa dạng trong mỗi cử động của người lính đã làm nên sự sống động hơn bao giờ hết cho Shogun 2.
Chiến thuật thiên về sử dụng kỵ binh để “charge” có lẽ sẽ thay đổi nhiều trong phiên bản này khi mà lực Charge của bộ binh đôi lúc còn vượt xa cả quân kỵ (ví dụ như No-dachi Samurai có lực Charge lên tới… 28, theo như cột hiển thị sức mạnh thì như vậy đã gần chạm mức tối đa). Đề cao sức mạnh của bộ binh, tốc độ của kỵ binh là những điểm nhấn chính của phiên bản lần này, nếu như phiên bản chính thức không thay đổi gì với demo.
Một điểm đáng chê trách trong bản demo lần này đó là một lần nữa lại gặp phải tình trạng “quân ta bắn quân mình” (lỗi thường thấy trong Rome: Total War ngày xưa) mỗi khi bạn xếp lực lượng cung thủ đằng sau và bộ binh đằng trước. Sau vài đợt bắn, quân địch chết 3 thì quân ta đã chết đến 7. Hy vọng rằng Creative Assembly sẽ sớm nhận được phản hồi và sửa chữa lại lỗi đáng tiếc này. Thêm vào đó, đôi lúc người chơi bị văng khỏi game mà không có lý do nhưng tình trạng này rất hiếm gặp.
Xét về mặt tổng quan, Shogun 2: Total War là một phiên bản rất đáng chơi, những lỗi nhỏ nhặt không thể làm mờ đi bức tranh rực rỡ về Nhật Bản mà Creative Assembly đã vẽ nên trước mắt người chơi.