Dead Space: Hy vọng đi kèm với những nỗi lo tương lai

Truật Xích  | 15/02/2011 06:00 AM

Cộng đồng game thủ mừng vui cho thành công của Dead Space 2 nhưng họ cũng tỏ ra lo lắng.

Khi bạn bắt đầu nhìn thấy trên bìa đĩa của một tựa game có những con số cỡ “bự” như 8 hay 13 (phiên bản thứ 8 hoặc 13) chẳng hạn, bạn mới nhận ra rằng ngành công nghiệp game, dù là người bán hay người mua đang rất bảo thủ bằng cách chọn giải pháp an toàn với các sequel. Một số tựa game chọn các tiêu đề không có số để giấu đi “tuổi tác” của mình ví dụ như Vicious Reptile: Toasty Monday hay là Age of Destruction: Balls in the Sun chẳng hạn. Nhưng đừng vì thế mà nhầm, chúng là những sequel, chỉ có điều đang ngụy trang mà thôi. Hãy chuẩn bị nhìn những gì bạn đã từng gặp cộng thêm một chút hào quang.
 
Sequel game nào chả như nhau.

Bước tiếp theo là kết hợp số và tiêu đề phụ. Activision chẳng hạn, quảng cáo Call of Duty 6 như thế nó là Call of Duty: Modern Warfare 2. Hai năm sau đó chúng ta bắt đầu chuẩn bị cho Call of Duty 8. Nếu bạn nghĩ như thế đã là tệ thì có lẽ 14 phiên bản Final Fantasy sẽ còn làm bạn choáng hơn nữa. À đó mới chỉ là series chính, bên cạnh nó là 21 sản phẩm ăn theo dòng Final Fantasy đâu đó nữa kìa.
 
Nhưng nếu như game thủ yêu thích những sequel chất lượng thì tội gì những nhà phát hành lại không tung ra thêm nhiều phiên bản nữa? Một cái tên mới, tất nhiên là rất khó để có thể giành được điểm AAA ngay trên thị trường. Trong năm 2010, chỉ có duy nhất Just Dance của Ubisoft là sản phẩm “lạ hoắc” người ta chưa từng thấy.
 
Thành công của Dead Space 2 lại làm người ta vừa mừng vừa lo.

Thực tế rất đơn giản, nếu một thương hiệu không thành công ngay từ lần đầu tiên ra mắt nó sẽ không có cơ hội thứ hai. Còn ai nhớ tới Mirrors’Edge không nhỉ? Hay Alpha Protocol? Blur? Split/Second? Đó là lý do chúng ta nên ăn mừng cho thành công của Dead Space 2, bất kể là bạn có phải fan của dòng game bắn súng kinh dị hay không (mặc dù bạn nên là một fan của nó).
  
Mới chỉ 3 năm trước đây thôi, Dead Space chập chững bước đến với thế giới bằng sự chân thực nhất của mình. Khi đó, những người đầu tiên mua cái tên này hẳn là đã rất lo lắng. Thế nhưng đó lại là một trong những sản phẩm tuyệt vời nhất trong thể loại kinh dị. Bước đầu của game tệ hại và chậm chạp đến nỗi EA suýt vứt bỏ nó vì “ý tưởng thì hay nhưng mà không lãi được”. Nhưng ngay sau đó, nó vượt lên nhanh chóng mặt, tăng lên tới 2 triệu sản phẩm bán ra, được đưa vào danh sách bom tấn, thế là đủ để “gã hám tiền” EA tin tưởng.
 
Có ai còn nhớ tới Mirror's Edge?

Rõ ràng EA không hề nghi ngờ gì về khả năng làm một sequel có chất lượng của Visceral. Như một hệ quả, chúng ta có được một trong những tựa game nối tiếp của thể loại kinh dị hay nhất, tuyệt vời nhất từng có và dễ dàng nắm giữ vị trí số 1 thế giới trong 2 tuần liên tiếp. Và tất nhiên, nó ăn đứt người anh ở doanh số: gấp đôi so với phiên bản đầu tiên chỉ trong 2 ngày xuất hiện trên kệ bán đĩa.
  
Một chút niềm tin có thể mang lại nhiều lợi ích lâu dài. Giờ đây EA hoàn toàn tự tin vào đứa con của Visceral Studio. Tuy nhiên chúng ta cũng phần nào hy vọng rằng EA và Visceral biết đâu là điểm dừng của mình. Một khi Dead Space đã trở nên nổi tiếng, là “con gà đẻ trứng vàng” thì chắc chắn EA sẽ không bỏ qua cơ hội nào để khai thác tối đa mọi phương diện của nó. Và tất nhiên, điều đó sẽ phải trả giá bằng chất lượng.
 

Vì thế, khi mà Dead Space bất thần trở thành ngôi sao sáng, mang đầy tham vọng trở thành series game kinh dị huyền thoại, tất cả game thủ đều mừng thầm cho nó. Thế nhưng, trong thâm tâm họ cũng hy vọng rằng ngày nào đó không phải nhìn thấy bìa đĩa mang tên “Dead Space 14: Revenge of Isaac III”.