- Theo Trí Thức Trẻ | 17/03/2016 06:01 PM
Giờ đây, nhà nhà sắm máy tính khủng, người người mua game mới ra mắt. Điều này âu cũng tốt mà. Khi những người Việt bắt đầu quen với những game bản quyền, thì game crack cũng phần nào mất đi chỗ đứng của nó. Cả thị trường máy tính chơi game cũng được hưởng lợi vì game mới đòi hỏi cấu hình cực kỳ nặng nề, và dĩ nhiên game thủ cũng phải bỏ tiền nâng cấp máy tính để đủ sức chiến game đỉnh.
Còn tôi, vì sao tôi lại đặt ra cái title ngược đời đến mức có người sẵn sàng lên tiếng chê bai một kẻ mê game đến cuồng dại như tôi là hâm? Vì sao tôi vẫn bám lấy những tựa game cũ đúng kiểu ôn nghèo kể khổ, sống với những ký ức đẹp đẽ nhưng cũ kỹ của quá khứ? Kỳ thực tất cả đều có lý do cả.
>> Tải bản Halflife 2 Việt hóa tại đây.
Không phải tôi không muốn nâng cấp máy tính chơi game. Nhưng các bạn ạ, hãy thử nghĩ đến thời kỳ quá khứ khi tiền không có nhưng thời gian lại có rất nhiều. Khi đó chúng ta mơ tưởng về một ngày mai sáng sủa, khi có tiền sẽ tậu một dàn máy cực khủng về chơi game đến khi nào chán thì thôi. Đó là ước mơ trước tuổi trưởng thành, và chẳng một ai có quyền đánh thuế giấc mơ của các bạn, trong đó có cả tôi.
Nhưng đời thì không giống như giấc mơ, không đẹp đẽ, cũng chẳng có những ủy mị bánh bèo nâng niu tâm hồn đâu. Nó không phải một thứ tiểu thuyết ngôn tình nơi cuộc đời đẹp tươi, cơm ăn ba bữa, tiền tiêu chẳng bao giờ hết. Cuộc sống của chúng ta là một vòng lặp không hồi kết những thứ trách nhiệm cao cả: Công việc, đời thực, gia đình, con cái, và lại quay trở lại công việc. Ở giữa cái vòng lặp đó là chúng ta, và chính những lo toan cơm áo gạo tiền đã gạt phăng tình yêu game khỏi cuộc sống.
Vẫn sẽ có những lúc, bạn nhớ game da diết. Và bạn muốn trở lại với game. Bạn lên mạng, tìm những tựa game mới và chơi thử. Rồi điều gì đến cũng phải đến, bạn nâng cấp máy tính vì cứ mua ngày hôm qua là hôm nay đã thành lỗi mốt, đã thành yếu đuối trước những nâng cấp diễn ra liên tục nhằm moi tiền người tiêu dùng của các hãng phần cứng lớn.
Ban đầu điều này có vẻ vui. Không gì sung sướng hơn việc máy tính của mình chiến được mọi game đỉnh. Bạn, hơn ai hết, chính bạn hiểu rõ cảm giác đó mà. Cái lúc tự tin đẩy hết cấu hình của game lên mà vẫn 60 FPS đều tăm tắp không sụt nổi một frame, thật sự chẳng có tính từ nào mô tả tốt hơn từ "thống khoái".
Nhưng riết rồi cũng chán. Game thì ra liên tục. Game trước chưa chơi xong, game mới đã ra mắt. Bạn đã phải lo toan với bao điều trong cuộc sống, liệu bạn có còn sức lực để chơi mọi game đỉnh mới bán ra hay không? Khi đó, bạn muốn dẹp hết để chỉ chơi 1 game duy nhất, nhưng game offline chẳng còn có sức hút như những trận LoL đầy giải trí mà bạn cùng đồng nghiệp hay bạn bè vào phá game trước giờ đi ngủ để sáng hôm sau còn kịp check in giờ đi làm.
Nói vậy nhưng vẫn sẽ có những khoảnh khắc, khi game online, game multiplayer cũng tạo ra một điều hẫng hụt. Nó làm gì có thứ cốt truyện đầy ấn tượng, làm gì có cảnh chúng ta được làm người hùng giải cứu cả thế giới khỏi thảm họa tuyệt diệt, ở đâu ra những câu thoại đi vào lòng người từ những cây viết biên kịch cao tay? Rồi tôi chợt nhận ra một điều, lỗi nằm ở chính những game bom tấn tân thời.
Tôi chẳng phải là dạng thích thú chơi game có hình ảnh đẹp, dù rằng đầu tiên nhìn screenshot có vẻ cũng cuốn hút thật đấy. Rồi tôi tìm về những bài post từ cuối những năm 2000, khi anh em game thủ chia sẻ cho nhau từng bí quyết qua màn, những kinh nghiệm lên điểm kinh nghiệm trong mấy game nhập vai ra mắt gần chục năm về trước.
Và tôi chợt nhớ ra điều gì đã đưa tôi đến với game. Chúng là thứ kết nối cộng đồng tốt hơn mọi công cụ thời đại số hóa. Bạn có thể nhắn tin Facebook cho một cô gái làm quen, nhưng câu chuyện ban đầu cũng sẽ chỉ nhạt nhòa với những điều con người sẵn sàng chia sẻ cho nhau. Còn với game, dường như chúng ta được là chính mình, có thể nói chuyện với một người xa lạ đầy thoải mái đơn giản vì bạn và họ có cùng điểm chung, cùng đam mê và cùng tiếng nói.
Và tôi trở lại với những cái tên như Crysis, Skyrim hay Diablo II, cái thời kỳ game chẳng đẹp mắt như giờ nhưng lại cuốn hút hơn nhiều. Thời gian chơi cũng chẳng có nhiều, nhưng một cảm giác khó tả chợt ùa về, cái cảm giác như của một đứa trẻ được chiều chuộng, được đắm mình trong cái thế giới ảo không phải lúc nào cũng tươi sáng đẹp đẽ nhưng lại là thứ đẹp hơn nhiều lần những game đỉnh hiện giờ.