Battlefield 4, Assassin's Creed: Unity, Watch Dogs, Far Cry 4, Halo: Master Chief Collection và gần đây nhất là Batman: Arkham Knight. Những tựa game vô số lỗi, những bản patch phát ngay trong ngày đầu tiên với dung lượng khổng lồ là chuyện quá bình thường trong ngành công nghiệp game hiện nay. Từ bao giờ mà 60 USD của chúng tại lại chỉ đổi lấy được chất lượng dịch vụ tồi tệ như vậy?
Hình thức đặt trước game (pre-order) có thể là một nguyên nhân. Cách đây khoảng 10-15 năm, pre-order bắt đầu xuất hiện như một biện pháp đề phòng tình trạng nhu cầu khách hàng lớn hơn nguồn cùng cấp. Các trò chơi dù lớn dù nhỏ đều được ghi lên đĩa vật lý, chuyển từ đại lý tới các cửa hàng bán lẻ để bày bán. Đôi khi một tựa game bán quá chạy khiến nhiều người không thể mua kịp và gây ra tình trạng khó chịu cho game thủ.
Dựa vào số lượng đặt trước, hãng phát triển có thể hình dung phần nào nhu cầu muốn mua sản phẩm của mình để sản xuất số lượng đĩa tương ứng. Game thủ xác định sẽ mua trò chơi nào đó cũng có phương pháp chắc chắn để đảm bảo mình sẽ sở hữu nó ngay trong ngày ra mắt mà không cần chen lấn hay sợ hết hàng. pre-order ở thời điểm đó là hình thức có lợi cho cả đôi bên.
Nhưng trải qua thời gian dài phát triển dưới tác động của các hệ thống bán hàng trực tuyến kiểu mới điển hình như Steam, sự lấn lướt của loại hình game dạng số, pre-order dần bị biến tướng. Nó trở thành một hình thức đảm bảo doanh thu cho nhà phát hành hơn là giúp khách hàng sở hữu tựa game mà mình mong muốn, bởi khi bày bán trên chợ điện tử khái niệm hết hàng đã hoàn toàn không còn tồn tại. Thay vào đó, các đơn vị liên quan tới sản phẩm đó gần như chắc chắn đã bán được một bản game với giá thấp hơn chút đỉnh.
Kèm theo nhiều vật phẩm mang tính sưu tầm khác như mô hình, sách tranh, hộp đựng đĩa thiết kế đặc biệt... Chưa kể còn bao gồm hàng tá phiên bản khác nhau, tất cả đều đắt gấp đôi ba lần bình thường, pre order dần trở thành một hình thức nhằm câu càng nhiều tiền của người chơi càng tốt. Các phiên bản đặc biệt không phải là xấu, thế nhưng khi mà chất lượng của game ngày càng đi xuống, chúng ta cần phải đặt câu hỏi rằng liệu chúng có còn giữ vai trò đồ chơi phụ thêm không hay đã trở thành yếu tố chính thay cho bản thân nội dung số bên trong đĩa?
Có những phiên bản game đặc biệt lên đến cả hàng tỉ đồng.
Điều đó đã khiến họ ngày càng trở nên thiếu quan tâm tới công đoạn kiểm thử - vốn rất tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian để tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ phát triển, đưa game ra mắt nhanh nhất có thể để tối đa lợi nhuận mang về. Dù sao nếu chất lượng của sản phẩm cuối quá tệ, họ vẫn luôn có thể chữa cháy bằng cách tung ra những bản patch sau đó, thậm chí là ngay trong ngày đầu tiên ra mắt.
Giải pháp mà Warner Bros thực hiện (gỡ bỏ Batman: Arkham Knight khỏi Steam cho tới khi khắc phục xong lỗi và khuyên người dùng lấy lại tiền nếu không đủ kiên nhẫn chờ đợi) nhận được nhiều sự ủng hộ phần nào cho thấy cộng đồng game thủ cũng chẳng thích thú gì với tình trạng game không thể chơi nổi nhưng vẫn phải cam chịu vì hầu hết các sản phẩm AAA ngày nay đều như vậy.
Gỡ bỏ game giống như Warner Bros là việc chưa từng có trước đây.
Vậy làm sao để thay đổi tình trạng này? Có lẽ bắt đầu từ việc dừng đặt trước các trò chơi lại. Mặc dù những vật phẩm hay nội dung số kèm theo việc đặt trước game thật sự hấp dẫn nhưng nếu game thủ cứ tiếp tục "tiền trao" trước khi "cháo múc" thì thói xấu làm game thiếu chăm chút của nhiều hãng game hiện nay sẽ khó mà bị loải bỏ.
Tham khảo: Kotaku
>> Batman: Arkham Knight bị game thủ Việt ném đá nhiệt tình