Như chúng ta đã biết, The Pirate Bay - một trong những trang web chia sẻ torrent lớn nhất thế giới về game nói riêng và các sản phẩm giải trí khác nói chung vừa mới bị cảnh sát Thụy Điển tấn công tại chính trụ sở của mình vào tuần trước. Tuy nhiên, cú đòn này của giới cầm quyền hầu như chẳng tạo được sự thay đổi gì về tình trạng Piracy trên toàn cầu.
Vào 8/12/2014, tổng cộng có khoảng 101.5 triệu địa chỉ Internet đang download bằng torrent – con số này được thống kê bởi công ty chuyên chống Piracy, Excipio (phim, TV, game, music..). Vào 9/12/2015, cảnh sát Thụy Điển tới “viếng thăm” trụ sở của Pirate Bay và tịch thu các thiết bị duy trì Server.
Kết quả: Theo, Excipio, tổng số địa chỉ IP sử dụng torrent để download giảm nhẹ từ 99.0 triệu vào 9/12 xuống còn 95.6 triệu vào 2 hôm sau. Rồi sau đó, vào ngày 12/12, con số này tăng trở lại ở mức 100.2 triệu. Gần như không có sự thay đổi so với con số trung bình 99.0 triệu/ngày kể từ 1/11/2014.
Mặc dù Pirate Bay rất nổi tiếng, song ở thời điểm hiện tại, nó không phải là nơi duy nhất để người ta chia sẻ torrent. Ngoài the Pirate Bay, vẫn còn rất nhiều trang chia sẻ torrent lớn khác đang sống mạnh sống khỏe và được cập nhật hàng giờ.
Trong vòng 5 ngày, kể từ 6/12 đến 11/12, top 5 phim điện ảnh “bị” chia sẻ qua torrent nhiều nhất gồm có: “The Maze Runner” của 20th Century Fox (491,798 lượt down/ngày), “Guardians of the Galaxy” của Marvel (470,182 lượt/ngày), “Lucy” (405,258 lượt/ngày), “Fury” của Sony Picture (290,494 lượt/ngày), “TMNT” của Paramount Entertainment (265,581 lượt/ngày).
Về các phim truyền hình, đứng đầu là “The Walking Dead” (717,190), theo sau lần lượt là “The Flash” (576,093), “Arrow” (518,816), “Sons of Anarchy” (427,167), “Homeland” (413,620), “The Big Bang Theory” (412,729). Các con số cũng do Excipio cung cấp.
The Pirate Bay, kể từ khi được thành lập vào năm 2003 tại Thụy Điển đã trở thành đối tượng của nhiều vụ kiện, nhiều vụ khởi tố và các cuộc bố ráp của cảnh sát. Kể từ ngày cảnh sát Thụy Điển tấn công, nhiều trang web khác đã được lập ra để sao chép lại The Pirate Bay như trang thepiratebay.cr. Tuy nhiên, quả thực các trang này khó mà có thể sánh được với ông hoàng quá cố, chưa kể một số trang còn chứa toàn mã độc.
Vừa rồi, Peter Sunde với nick “Brokep”, một trong số những người sáng lập The Pirate Bay đã viết trên một blog rằng the Pirate bay không còn ‘linh hồn’ nữa, và anh chẳng màng nếu trang web bị dập. “Ra đi vĩnh viễn cũng không sao, nhưng cái cách nó ra đi quả thực hơi đáng thất vọng.”
Điều đáng nói ở đây là việc ngăn chặn tất cả các kho dữ liệu chia sẻ nội dung số không có bản quyền trên thế giới là một công việc bất khả thi, vì vậy mà những ai dùng đồ "xịn" vẫn sẽ tiếp tục mua, người thích đồ "dỏm" vẫn tiếp tục tìm đến hàng chùa trôi nổi trên internet. Dập tắt Pirate Bay hay các trang chia sẻ khác không hề đồng nghĩa với việc doanh số bán hàng của các hãng sẽ tăng vọt một cách thần kì như những số liệu nói trên đã chứng minh.
Thiết nghĩ thay vì đổ tiền của và công sức làm việc vô nghĩa, các hãng game nên tìm cách nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cũng như chấm dứt việc "móc túi" người tiêu dùng thông qua hàng tá cập nhật DLC mà lẽ ra hoàn toàn có thể có sẵn trong tựa game chính. Nhìn vào những sản phẩm tệ hại trong năm 2014 này như Assassin's Creed: Unity hay Driveclub, cũng chẳng có gì đáng trách nếu ai đó muốn thử bằng game crack trước khi bỏ tiền ra mua một thứ chỉ mang bực vào người như vậy.
>> Hệ thống chống crack game mới đã bị khuất phục?