Đánh giá Total War: Shogun 2 – Xứng đáng với 10 năm chờ đợi

Truật Xích  | 21/03/2011 02:00 PM

Sau 10 năm chia tay fan hâm mộ, sau 10 năm thế giới game chuyển biến mạnh mẽ và sau 10 năm kinh nghiệm làm game của Creative Assembly, Shogun đã trở lại, tuyệt vời hơn bao giờ hết.

Shogun: Total War là tựa game đầu tiên của series Total War, đánh dấu thời đại hoàng kim của Creative Assembly, vẫn đang kéo dài tới tận bây giờ. Trong khi đó Total War: Shogun 2 là tựa game đầu tiên được SEGA ưu ái đưa cái tên Total War lên trên đầu như một lời khẳng định thương hiệu. 

Shogun: Total War đã làm được những điều thần kỳ, được những nhà thẩm định danh tiếng dành tặng cho bao lời khen có cánh, rằng nó là “một trong những tựa game cổ điển tuyệt vời nhất lịch sử”. Sau 10 năm, Total War: Shogun 2 hồi sinh với sự đảo ngược trong cách sắp tên tuy nhiên, những gì nó làm được hiện thời đang tỏ ra vượt trội so với tác phẩm tiền nhiệm.
 
 
Tuyệt đẹp trong từng đường nét
 
Hình ảnh là yếu tố mà người chơi dễ dàng nhận định nhất khi đánh giá một tựa game. Và khi nhìn vào Total War: Shogun 2, tất cả những gì game thủ nhận thấy là vẻ đẹp tuyệt vời trong cách tạo hình nước Nhật thời Chiến Quốc bên cạnh sự chân thực về lịch sử. Sử dụng rất nhiều chuyên gia và cố vấn hàng đầu về lịch sử Nhật Bản, Creative Assembly đã tạo nên cả một bức tranh sống động về thời đại của các Samurai, nơi các sứ quân hùng cứ bốn phương tranh vị trí Shogun. Vẻ mặt của từng người lính, ánh sáng phản chiếu trên cây rừng, trên áo giáp của các Samurai đều được dựng lại cực kỳ chi tiết và ấn tượng.
 
Đẹp là vậy nhưng game chạy cực kỳ mượt mà trên cả máy cấu hình trung bình. Nếu bạn chỉ quan tâm đến yếu tố chiến thuật thì rõ ràng đây là một sự lựa chọn tuyệt vời. Với những cỗ máy cấu hình cao hơn thì người chơi lại được quyền thưởng thức những trận kịch chiến giữa các Samurai với nhau ở mức độ Zoom gần hơn. 


Đến đây, chúng ta lại nhận thấy một điểm đáng khen nữa của Total War: Shogun 2. Cử động của từng người lính, đặc biệt là trong các pha giao tranh, đều mượt mà và “độc”. Các kỹ thuật sử dụng Katana, Yari, No-dachi hay Naginata đều được mô phỏng chính xác nhờ các chuyên gia võ thuật tại Học viện kiếm đạo Anh và sau đó, nhờ motion-scan đưa vào trong game.
 
Không chỉ có cử động trong những pha đánh nhau mà ngay cả lối di chuyển của các chiến binh Nhật cũng toát lên vẻ sống động. Mỗi người mỗi vẻ chứ không phải là cả khối như một. Nói không ngoa thì Total War: Shogun 2 chính là tựa game chiến thuật đẹp nhất, chân thực nhất thời điểm hiện tại.
  
Gameplay tuyệt vời
 
Tốc độ của Total War: Shogun 2 được đẩy nhanh lên nhiều so với Rome, Medieval hay Empire. Nếu như trong quá khứ, kể cả ở mức Very Hard, người chơi vẫn có thể “xả quân” thoải mái chỉ trong một vài lượt đi đầu tiên nếu biết các mẹo thì với Total War: Shogun 2, mọi chuyện rắc rối hơn nhiều. Kẻ thù ở 4 mặt và luôn luôn là mối đe dọa. Cái khó ở đây đó là chúng suy nghĩ rất tỉnh táo, biết tương trợ đồng minh khi cần thiết và sẵn sàng “vây Ngụy cứu Triệu” như binh pháp Tôn Tử để giải vây. 


Thêm vào đó, chúng tấn công liên tục chứ không có thời gian nghỉ như trước. Phải nói rằng đối đầu với AI giờ đây hấp dẫn hơn bao giờ hết. Điển hình như nếu bạn chơi nhà Oda, phía trên là Sakai, phía dưới là Tokugawa, bên trái là Hattori và Kitabatake, bên phải là Takeda, Kiso. “Tứ bề thọ địch” như vậy mà không có biện pháp ngoại giao, thích “bạ đâu đánh đó” thì chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại.
  
Việc thêm vào chế độ nâng cấp theo kiểu game nhập vai khiến cho game hay hơn và ảnh hưởng rất nhiều đến chiến thắng của bạn. Ví dụ ban đầu chiến tranh nhiều bạn có thể chọn đi theo đường Bushido để tăng sức mạnh cho quân đội trên chiến trường. Nhưng nếu cứ “đâm đầu” theo Bushido, kinh tế sẽ sớm kiệt quệ, do đó bạn phải biết khi nào cần chuyển sang đường Chi để cân bằng thu – chi.
 
AI của máy trong các trận chiến nhìn chung được cải thiện hơn nhưng vẫn luôn để lộ ra những yếu điểm chết người, dễ dàng để người chơi khai thác. Nếu quân lực ngang bằng thì với một người chơi biết đánh, tỉ lệ thua cho họ gần như là không có. Máy luôn có xu hướng xoay mặt quân đội về phía tiến lên của người chơi và tỏ ra lúng túng khi bị đánh úp sườn. Ngoài ra, đôi lúc người chơi sẽ gặp phải một số lỗi AI “củ chuối” trong các trận công thành khi quân đội bị tách nhỏ ra không cần thiết.
 
 
Phần chơi mạng làm nên giá trị chơi lại
 
Nếu ai đó nhận định rằng Total War: Shogun 2 không có giá trị chơi lại cao thì ắt hẳn, họ chỉ biết đánh với máy hoặc tệ hơn, là đang xài bản “chùa” của game. Vì một lẽ, với phần chơi mạng, bao gồm Avatar Conquest và Co-op Campaign thì còn rất rất lâu nữa, bạn mới có thể chán game. Với sự hỗ trợ của Steam, cả cộng đồng game thủ được kết nối với nhau.
 
Họ có thể chat chit dễ dàng ngay trong trận chiến chỉ cần qua tổ hợp chuyển đổi Shift + Tab. Thêm vào đó, game tự tìm đối thủ cho bạn trong mỗi trận chiến thay vì lúc nào cũng phải đánh với máy. Điều này tạo nên rất nhiều bất ngờ trong các trận đánh vì bạn đang đánh với “người” chứ không phải “máy”.
 
Âm thanh – điểm 10 cho chất lượng
 
Không có gì phải chê trách cho âm nhạc của Total War: Shogun 2, vốn do Jeff Van Dyck đảm nhiệm. Những đoạn nhạc đầy cảm hứng xen lẫn với những giai điệu êm đềm của đồng quê là nguồn động lực mãnh liệt cho các game thủ Total War. Bên cạnh âm nhạc hoàn hảo, âm thanh trong game cũng quá hoàn hảo. 


Creative Assembly đã rất thông minh khi sử dụng hoàn toàn tiếng Nhật cho phần lồng tiếng các nhân vật/đơn vị quân trong game. Với những game thủ biết tiếng Nhật hay dù không biết đi nữa, họ cũng thấy như vậy thú vị hơn nhiều so với một phiên bản toàn tiếng Anh.

Nhìn chung, game vẫn còn một số lỗi như bị văng ra ngoài desktop sau mỗi trận đánh “nặng nề” khiến người chơi phải cay cú hay lỗi tìm đường của các đơn vị quân nhưng như vậy không thấm gì với những điểm cộng. Có thể nói, Total War: Shogun 2 đã nắm chắc trong tay danh hiệu game chiến thuật xuất sắc nhất năm nay rồi.