Đánh giá Middle-Earth: Shadow of Mordor: Hấp dẫn đến bất ngờ

Equity  - Theo PLXH | 05/10/2014 10:14 PM

Ít ai ngờ một tựa game vay mượn và nhất là ăn theo như Middle Earth: Shadow of Mordor lại có chất lượng tốt đến như vậy.

Công bố hồi cuối năm 2013, ít ai nghĩ, hay đúng hơn là dám hy vọng rằng Middle-earth: Shadow of Mordor - tựa game với cốt truyện dựa trên tác phẩm The Lord of the Rings cùng lối chơi nhìn qua đã thấy "đặc sệt" Assassin's Creed có thể đem lại điều gì đó mới mẻ cho làng game nhập vai hành động. Nhưng thật bất ngờ, sản phẩm của Monolith Productions sau khi phát hành đã nhanh chóng nhận được rất nhiều lời khen ngợi của các tạp chí game nổi tiếng trên thế giới. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu vì sao mà Shadow of Mordor lại hấp dẫn như vậy.

Cốt truyện và gameplay

Với cái nhìn thoáng qua ban đầu, người chơi có thể cho rằng Shadow of Mordor không phải là một sản phẩm gì quá đặc biệt bởi nó vay mượn rất nhiều yếu tố hành động từ các bom tấn hành động khác, dễ thấy nhất là phong cách ẩn nấp và leo trèo của Assassin’s Creed đến từ Ubisoft, gameplay chiến đấu rất đã tay của series game Batman (cũng do Warner Bros phát hành).

G:\Dropbox\Photos\Articles pictures\1.jpg

Tuy nhiên, điểm gây thu hút thực sự của Shadow of Mordor lại ẩn giấu đằng sau những yếu tố gameplay quen thuộc trên, đó là cốt truyện tuyến tính hấp dẫn kết hợp cùng những diễn biến ngẫu nhiên sinh ra trong quá trình chơi nhưng vẫn duy trì được sự hợp lý và liền mạch.

Được đặt vào thời điểm giữa của các sự kiện xảy ra trong tác phẩm The Hobbit và The Lord of the Rings của tác giả J. R. R. Tolkien, Shadow of Mordor được khởi đầu một cách rất bi tráng. Nhân vật chính Talion là một chiến binh bảo vệ Black Gate – cánh cổng dẫn vào vùng đất đầy nguy hiểm Mordor. Trong cảnh đầu của game, trạm tiền tiêu của Talion đã bị san bằng bởi quân Orc, dẫn đến đồng đội cùng gia đình của anh đều bị sát hại tàn nhẫn. Talion cũng không thoát được số phận bất hạnh đó, tuy nhiên anh lại may mắn thấy mình được hồi sinh và được gắn chặt với một bóng ma Wraith – linh hồn có sức mạnh cực lớn.

G:\Dropbox\Photos\Articles pictures\shadow-of-mordor-1.jpg

Talion và bóng ma Wraith bí ẩn.

Talion bắt đầu game với hình tượng là một nhân vật nung nấu trả thù – mô-típ khá quen thuộc trong game hành động, nhưng anh ta dần biến chuyển và bộc lộ tính cách rất thu hút khi người chơi tiến sâu vào cốt truyện hơn. Bên cạnh đó, hồn ma đồng hành và một số nhân vật khác mà Talion gặp trong chuyến phiêu lưu được thiết kế tốt và hấp dẫn.

G:\Dropbox\Photos\Articles pictures\3 (2).jpg

Điều bất ngờ nhất trong Shadow of Mordor chính là việc hãng phát triển đã đầu tư rất nhiều thời gian và tài nguyên để làm nổi bật lên tính cách của các con Orc (hay Uruk) trong game. Ở phần lớn các tựa game có bối cảnh thần thoại tương tự, kẻ thù thường không có tên và người chơi hoàn toàn sẽ không nhớ đến chúng sau khi đã hạ gục hàng tá kẻ địch giống nhau. Mặc dù Talion cũng hạ sát hàng trăm con Orc trong Shadow of Mordor, nhưng Monolith đã khéo léo tạo ra những tên Orc thông minh và có biểu hiện hoàn toàn riêng biệt.

G:\Dropbox\Photos\Articles pictures\9.jpg

Mỗi đối thủ sẽ có những điểm mạnh, yếu riêng biệt.

Đối thủ được thiết kế tốt như vậy là do Shadow of Mordor đã áp dụng một tính năng hoàn toàn mới và đầy đột phá đó chính là hệ thống Nemesis. Khi mới được giới thiệu trước công chúng ở các lần ra mắt trước khi phát hành, nhiều người hồ nghi về sự hiệu quả của chế độ này và cho rằng đây chỉ là một trò “lừa đảo” của hãng phát triển. Tuy nhiên, sau khi thật sự trải nghiệm trò chơi, chắc chắn người chơi sẽ nhận thấy được sức mạnh của hệ thống này khi nó đóng vai trò chủ lực trong quá trình xây dựng bối cảnh và thế giới trong game.

Thay vì bắt người chơi phải trực tiếp tham gia đầy đủ tất cả các trận đánh trùm đã được định trước, tựa game mô phỏng lại cơ cấu của quân đội dưới trướng chúa tể hắc ám Sauron, tạo ra những tên Orc có tên, sức mạnh, điểm yếu và tính cách ngầu nhiên và đặt vào những vị trí trong tổ chức quân đội này.

G:\Dropbox\Photos\Articles pictures\Nemesis_System.jpg

Hàng ngũ Orc (Uruk) của quân đội Sauron được bố trí ngẫu nhiên tạo giá trị chơi lại cao.

Khi bạn chạm chán những kẻ địch này và đánh bại chúng (chết hay bị thương), giữa bạn và chúng sẽ tạo ra một mối quan hệ. Người chơi sẽ dần có khả năng nhận ra những kẻ thù mà mình chưa tiêu diệt được trước đây và sẽ cảm thấy bất ngờ khi nhưng tên Orc này nhớ rất rõ những lần chạm trán trước. Tại một thời điểm, người viết đánh bại một tay đội trưởng Orc tên Norsko với một mũi tên xuyên vào một mắt của hắn. Lần chạm chán sau với Norsko, hắn giờ đây đã có một miếng bịt mắt bằng kim loại trên đúng bên mắt bị thương và thề sẽ trả thù Talion.

G:\Dropbox\Photos\Articles pictures\2667643-0002.jpg

Sẽ không thiếu những màn khiêu khích khiến người chơi sôi máu như thế này.

Thoạt nhìn lúc đầu, người chơi sẽ cho rằng hệ thống Nemesis chỉ áp dụng cho một số lượng nhỏ kẻ địch có vị trí cộm cán của quân đội Sauron mà thôi. Nhưng trên thực tế, hệ thống này còn hoạt động chìm phía sau và tác động lên toàn bộ hàng ngũ địch. Nếu người chơi bị thua một trận giao tranh, kẻ địch vô danh tiểu tốt có công hạ gục bạn sẽ được cất nhắc lên một vị trí cao hơn và chắc chắn hắn sẽ không quên lải nhải về chiến tích của mình cho người chơi nghe mỗi lần gặp lại.

Sau khi dành nửa đầu của game để dần giới thiệu tộc Orc, Shadow of Mordor cho phép người chơi trực tiếp gây ảnh hưởng đến cốt truyện trong nửa sau của game. Người chơi sẽ có khả năng tẩy não Orc và ép chúng phải phục tùng dưới trướng của mình. Quyền năng này sẽ cho phép bạn chuyển hóa nhiều tên thủ lĩnh của địch chống lại nhau hoặc thiết lập một bộ máy quyền lực mà bạn nắm toàn quyền chi phối.

Đối với mỗi địch thủ, chúng sẽ có một ấn tượng riêng về Talion. Một số sẽ hoảng sợ khi nhìn thấy bóng của người chơi và bỏ chạy ngay lập tức. Một số khác lại nhanh chóng gọi cứu viện. Hầu hết mỗi loại kẻ thù sẽ có điểm yếu nào đó ví dụ như lãnh nhiều sát thương từ lửa hay các đòn đánh lén. Shadow of Mordor cố gắng hết sức để khiến cho mỗi lần người chơi chạm trán kẻ thù là một thời điểm đáng nhớ, đáng chuẩn bị và chờ đợi. Đương nhiên, nhiều khi các đối tượng của người chơi đột ngột thay đổi khiến họ phải thay đổi cách đánh một cách hợp lý để khắc chế.

G:\Dropbox\Photos\Articles pictures\keatkbvgoing5py9yjgg.jpg

Điểm ấn tượng nhất của chế độ Nemesis chính là việc hệ thống này hoàn toàn có khả năng tự tạo ra các ảnh hưởng lên trò chơi. Mặc dù xoay quanh nhân vật chính Talion nhưng ngay cả khi không có sự tác động của người chơi, bộ máy quyền lực của quân đội Orc sẽ vẫn thay đổi. Một tên lão tướng Orc đang trên đà thăng tiến sẽ dở những chiêu trò chính trị nhằm hãm hại cấp trên. Nếu tên Orc đầy tham vọng đó quá yếu, hắn hoàn toàn có thể thất bại và bị trừng phạt vì tội mưu phản và bỏ trống vị trí hiện tại cho những tên lính vô danh lên nắm giữ.

G:\Dropbox\Photos\Articles pictures\1100.jpg

Bạn hoàn toàn có thể gây ra xích mích và những pha làm phản hấp dẫn trong hàng ngũ địch.

Chính vì hệ thống hấp dẫn này mà những khoảnh khắc trong game đều tạo ra cảm giác thỏa mãn cho người chơi. Talion bắt đầu game với 3 loại vũ khí – một cây cung để phục vụ chiến đấu từ xa, con dao găm để đánh lén đối thủ và một thanh gươm để cận chiến – và người chơi hoàn toàn có thể phát triển nhân vật của mình bằng cách sử dụng nhiều công cụ hay các đồ nâng cấp khác nhau và tạo ra khả năng đặc biệt cho vũ khí.

Khi nhân vật lên cấp, người chơi có thể mở ra các kỹ năng mới và dần biến Talion trở thành một vũ khí chết người với những chiêu thức hấp dẫn. Nếu bạn cảm thấy hạ gục đối thủ bằng cung không thực sự thỏa mãn, bạn có thể chọn kỹ năng dịch chuyển tức thời tới đối thủ bằng cách bắn tên vào mục tiêu. Như vậy, người chơi có thể rút ngắn khoảng cách và kết liểu những tên địch đang bỏ chạy ở xa. Danh sách các kỹ năng hữu dụng khác trong game còn dài và chúng đều rất dễ sử dụng khiến cho người chơi không mấy khi cảm thấy bất lực hoàn toàn ngay cả khi bị bao vây bởi số lượng lớn những con Orc hung hãn.

Vì Talion không thể nhặt và thay vũ khí hay áo giáp mới, Monolith đã áp dụng một hệ thống thông minh để thay thế chiến lợi phẩm bị rớt mà người chơi thường thấy trong các game RPG. Mỗi khi người chơi hạ gục một tên Orc có chức vụ cao, người chơi sẽ nhận được rune. Rune có thể được dùng để găn vào các vũ khí một cách riêng biệt và nâng cấp chỉ số nhân vật. Cơ chế này rất quan trọng đối với người chơi và sẽ giúp ngươi chơi vượt qua được những thử thách khó khăn.

G:\Dropbox\Photos\Articles pictures\2014-10-05_00003.jpg

Các ký tự Rune với kỹ năng đặc biệt được khảm lên vũ khí giúp người chơi chống trả lại hàng đàn Uruk hung hãn dễ dàng hơn.

Người chơi có thể gắn vào thanh gươm của mình một vài rune có tính năng hồi máu để giúp tăng khả năng sống sót của Talion trong những trận đánh dài hơi, hoặc phân tách Rune thành điểm để cộng vào các nâng cấp khác cần thiết hơn.

Là một tựa game thế giới mở, Shadow of Mordor sở hữu đầy đủ những yếu tố hấp dẫn cần có của các tựa game cùng thể loại. Với hai bản đồ lớn được thiết kế đẹp mắt, nhiều địa danh thú vị và nhiều điều để khám phá, các fan hâm mộ của Lord of the Rings chắc chắn sẽ rất quan tâm đến các item ẩn cung cấp những mẩu chuyện nhỏ liên quan đến thế giới Middle Earth. Thêm vào đó, hàng loạt các nhiệm vụ phụ và các thử thách sẽ kiểm tra kỹ năng của người chơi. Nếu chịu khó tìm hiểu các yếu tố hấp dẫn của game, Shadow of Mordor có khả năng sẽ ngốn khoảng 30 đến 40 giờ chơi một cách dễ dàng.

Đồ họa và âm thanh

Shadow of Mordor là một trò chơi có đồ họa đẹp nhưng không thực sự xuất sắc vượt trội so với các tựa game next-gen gần đây. Theo xu hướng hiện tại của nhiều tựa game được làm đa nền, Shadow of Mordor có cấu hình yêu cầu khá cao vì không được tối ưu trên PC.

G:\Dropbox\Photos\Articles pictures\5.jpg
G:\Dropbox\Photos\Articles pictures\2014-10-05_00004.jpg

Về phần âm thanh, Shadow of Mordor tỏ ra rất ấn tượng. Người chơi sẽ hoàn toàn cảm nhận được độ nặng của những cú ra đòn, tiếng nổ đanh và chắc nịch của các chiêu thức, tiếng gươm giáo va vào nhau hoặc cắt vào da thịt sắc đến lạnh người. Những con Uruk cũng như Talion được lồng tiếng rất biểu cảm. Giọng nói trong game lột tả được cảm xúc, tính cách hung hãn, hèn nhát, đểu cáng đều rất đặc trưng và rõ. Chỉ cần nghe giọng của những con Orc thôi cũng đủ để khiến bạn cảm thấy ghét những tên quái vật này.

Những bản nhạc nền trong game chắc chắn sẽ đôi lúc khiến người chơi phải dừng lại lắng nghe. Chúng được sử dụng rất đúng thời điểm, dù là dồn dập ở các trường đoạn cao trào kịch tính hay trở du dương để lột tả phong cảnh yên bình. Người chơi chắc chắn sẽ mong muốn tìm kiếm bộ nhạc nền của game và nghe đi nghe lại bởi nhạc nền trong game quá hoành tráng không thua kém gì trong các tập phim Lord of the Rings.

Kết

Shadow of Mordor sở hữu một nền tảng gameplay rất tiềm năng nhưng cũng khá mạo hiểm. Đa số các tựa game hiện nay được phát triển theo hai hướng rất rõ ràng đó là hoàn toàn tuyến tính hoặc hoàn toàn mở và cho phép người chơi tự tạo ra cốt truyện của riêng mình. Rất hiếm khi một tựa game “lai căng” như Shadow of Mordor có thể đạt được sự hài hòa giữa hai thái cực. Middle Earth: Shadow of Mordor không chỉ kể một câu chuyện lôi cuốn mà còn mang tới cho người chơi đầy đủ những công cụ cần thiết để khám phá thế giới thần thoại một cách đầy hào hứng và đáng nhớ.

Đánh giá: 9/10

>> Middle Earth: Shadow of Mordor công bố cấu hình khủng