Câu chuyện khó tin nhưng có thật trên vừa xảy ra tại thành phố Mandaue, Philippines vào tuần trước. 3 cậu bé phát hiện một thùng lựu đạn trong khi đang nhặt sắt vụn tại một bãi đất trống. Trong khi 2 người bạn của mình không biết vật thể lạ trong thùng kia là gì và đang chuẩn bị cầm lấy chúng, cậu bé Jose Darwin Garciano, 12 tuổi, đã kịp thời ngăn hai em lại và cảnh báo họ về mối nguy hiểm đó.
“Bọn cháu hơi tò mò vì đây là lần đâu tiên bọn cháu nhìn thấy một quả lựu đạn ngoài đời thật” Garciano nói với nhật báo Cebu Daily. Tuy vậy, Garciano đã thuyết phục được những người bạn của mình rằng những cục sắt kia rất nguy hiểm. “Cháu biết nó sẽ phát nổ,” em nói, “ vì cháu từng nhìn thấy thế trong game Counter-Strike”.
Những hình ảnh như thế này đã cứu Garciano cùng 2 người bạn của em.
Bọn trẻ nhanh chóng đi tìm sự trợ giúp từ một người dân gần đó và ông ngay lập tức báo cho nhà chức trách. Đội phá bom được cử đến hiện trường để xử lý thùng lựu đạn cũng như rà soát lại bãi đất trống.
Counter-Strike là một trong những game hứng chịu nhiều búa rìu từ dư luận nhất trong làng game. Đỉnh điểm của việc này là vào năm 2007 khi CS bị gắn với Seung-Hui Cho, kẻ đã cướp đi sinh mạng của 30 học sinh trong vụ xả súng tại trường Virginia Tech. Giới truyền thông tuyên bố Cho rất thường xuyên chơi CS trong thời gian rảnh rỗi.
Không những thế, Steven Kazmierczak, thủ phạm của vụ xả sung tại trường đại học Northern Illinois cũng được cho là một tín đồ của CS. Một tòa án liên bang ở Brazil còn ban lệnh cấm CS vì họ cho rằng CS sẽ “kích thích và làm biến chất các giá trị đạo đức và trật tự xã hội, chống lại nền dân chủ và gây nguy hiểm cho sự an toàn của cộng đồng” . Lệnh cấm này đã bị dỡ bỏ vào năm 2009.
Bao năm qua, những tin tức như trên tràn ngập các mặt báo nên thật sự không có gì quá khi nói, sự kiện lần này như một cơn mưa trên sa mạc giúp “cứu vớt” thương hiệu Counter-Strike trong mắt các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng chúng ta không thể trao cho Counter-Strike toàn bộ công lao trong việc cứu mạng 3 chú bé này. Nếu Jose Garciano không tỉnh táo và cảnh giác quan sát kỹ lưỡng những quả lựu đạn kia, bản tin này có lẽ đã rất khác.
Thế nhưng, khi giới truyền thông luôn “kết luận cái rụp” rằng trò chơi bạo lực là căn nguyên của mọi vấn đề chỉ vì một số ít những kẻ tâm thần từng chơi những game như GTA, CS hay CoD thì tại sao chúng ta không thể nói rằng, chơi game bạo lực đâu có nguy hiểm, nó vừa giúp cứu mạng sống của ba chú bé vô tội đấy thôi?