- Theo Trí Thức Trẻ | 29/09/2015 05:47 PM
"Cái quái gì đang xảy ra với video game?", hay tựa đề gốc tiếng Anh là "WTF is Wrong with Video Games?" là một cuốn sách được Phil Owen thực hiện. Trong cuốn sách này, thay vì đề cập tới game và khen ngợi nó như một hình thái mỹ thuật đương đại mới, bên cạnh điện ảnh, sân khấu hay mỹ thuật, nhà đánh giá game này lại khai thác một góc nhìn rất khác, đó chính là những vấn đề còn tồn tại trong việc làm game, phát triển game và thậm chí là nhìn từ góc độ những nhà phát hành game lớn trên thế giới nữa.
Chính nhờ những câu chuyện, những phân tích của Phil Owen, mà những mảng tối, hay nói đúng hơn là những điều phi thực tế khiến cho trải nghiệm game chưa thực sự nhất quán, giống như những hình thái nghệ thuật khác như điện ảnh hay âm nhạc.
Ở một chừng mực nhất định, cuốn sách đã làm rất tốt "phần việc" của nó khi chỉ ra những điểm mà game chưa thực sự thuyết phục game thủ, hay ở ngữ cảnh của cuốn sách, đó là thuyết phục "khán giả" của nó. Tuy nhiên vẫn có một số game thủ, hoặc độc giả của cuốn sách tin vào điều ngược lại. Chính bản thân những điều vô lý đó mặc định được người chơi game công nhận.
Chính những thứ phi thực tế đó đã tạo ra một thế giới game muôn màu, một thế giới ảo bao người chìm đắm, chứ không đơn thuần chỉ là những bộ phim, những cuốn sách bị logic của cuộc sống thật áp đặt.
Dưới đây là một ví dụ, một đoạn trích trong chương 1 mang tên "Art" của cuốn sách này. Mời bạn đọc cùng thưởng thức và đưa ra cho bản thân những nhận định riêng:
Những bộ phim là những tác phẩm nghệ thuật được tính toán từ đầu tới cuối một cách chặt chẽ, thông qua kịch bản, diễn xuất của các diễn viên. Như một người bạn của tôi đã từng nói, mọi thứ trong phim xảy ra đều hướng đến một "mục tiêu", một thông điệp nhất quán gửi gắm tới khán giả. Đó là mục đích của nghệ thuật: Gửi tới khán giả thông điệp cụ thể. Nhưng đôi khi, một thứ gì đó bên trong một tác phẩm bất ngờ xuất hiện và đánh lạc hướng khán giả khỏi thông điệp kể trên. Đó là lý do nghệ thuật ít khi dễ hiểu, và yêu cầu chúng ta phải suy ngẫm để đạt được điều mình muốn.
Tiếc thay, không phải lúc nào những thứ mang tính nghệ thuật cũng đều có chất lượng. "Nghệ thuật", hay "mỹ thuật" kỳ thực chỉ là một cụm từ mô tả một hoặc nhiều cách thể hiện ý nghĩ một cách độc đáo hơn là lời nói đơn thuần.
Hầu hết thời gian, game không hoạt động như phim ảnh hay các tác phẩm nghệ thuật khác. Bạn sẽ rất hiếm khi thấy những chi tiết nhỏ như "một cú hắt hơi" dẫn tới nhân loại diệt vong giống trong Rise of the Planet of the Apes ảnh hưởng lớn tới cốt truyện của cả tựa game ra sao. Để đóng một vai trò quan trọng, nó phải là một món đồ, một sự việc lớn và quan trọng, ví như "The Apple" trong Assassin's Creed chẳng hạn.
Ấy là chưa kể tới những thử thách riêng trong game. Những thử thách có phần phi logic. Vào năm 2013, The Last of Us ra mắt, và nó ngay lập tức được coi như "Citizen Kane của thế giới game" (Citizen Kane là một bộ phim mang tính cách mạng, ra mắt vào năm 1941). Thế nhưng những điều game thủ phải làm trong game dường như chẳng hề liên quan tới thông điệp của cả tựa game.
Ví dụ lớn nhất, món vũ khí bạn sẽ phải tự làm rất nhiều trong game: Dao Shiv. Trong một thế giới tràn ngập zombie như The Last of Us, bạn sẽ phải làm mọi thứ vũ khí có thể để tồn tại. Nhưng việc phải kiếm 4 lưỡi kéo và ít băng dính để làm một chiếc Shiv một lưỡi có vẻ hơi phi logic nếu xét tới đời thực. Ấy là chưa kể độ bền của những món đồ đó. Lẽ ra là một con dao kim loại, Shiv sẽ tương đối bền khi bạn "xiên" vào cơ thể những con zombie đang thối rữa. Nhưng cứ 30 phút bạn sẽ lại phải tạo ra một chiếc Shiv mới, vì món đồ cũ đã bị hỏng chỉ sau 1 lần sử dụng.
Nguyên do của điều này kỳ thực rất đơn giản. The Last of Us là một tựa game, và nó hoạt động dưới logic của thế giới game. Bạn có thể chỉ cần một con dao duy nhất để tồn tại, nhưng như thế sẽ là quá dễ đối với game thủ. Đó là những thử thách trong game, và những thử thách liên quan tới gameplay này tuyệt đối không liên quan gì tới giá trị nghệ thuật của một sản phẩm game cả.