Nhắc đến Prince of Persia, những người chơi game có tuổi sẽ nghĩ ngay đến chàng hoàng tử trắng toát từ đầu tới chân, nhảy nhót để vượt qua những cạm bẫy nguy hiểm trong ngục tối của lâu đài 8 bit. Những người không mấy hứng thú với thể loại phiêu lưu hành động sẽ nhớ đến The Forgotten Sands ra mắt cùng với bộ phim ăn theo. Nhưng đối với bản thân người viết, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu khi ai đó nhắc đến cái tên Prince of Persia đó là chàng hoàng tử với dáng vẻ cộc cằn đầy sát khí, khoác trên mình bộ áo giáp không quá cầu kì nhưng vẫn toát lên vẻ vững chãi, trên tay là cặp song kiếm rớm máu sẵn sàng lấy mạng mất cứ kẻ nào cản đường trong phiên bản Warrior Within.
Hoàng tử đã trở nên dày dạn hơn rất nhiều kể từ phiên bản đầu tiên.
Tại sao lại là Warrior Within?
Tháng 10 năm 2003, Ubisoft mang đến cho người chơi một sự bất ngờ lớn khi tái hiện lại chàng "Prince Thirty Four" vốn xưa nay chỉ xuất hiện trong những trò chơi side scrolling đơn giản lột xác trở thành một tựa game phiêu lưu hành động đầy hấp dẫn. Tiếp nối thành công đó, Warrior Within ra đời và cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt. Và cuối cùng, Prince of Persia: The Two Thrones ra mắt vào năm 2005 đã khép lại thành công của bộ 3 siêu phẩm này.
The Sands of Time mở đầu cho thành công của Prince of Persia.
Mặc dù đã chơi qua cả 3 phiên bản và phải đồng ý rằng chúng đều là những tựa game hay, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là Warrior Within. Có thể nhiều người sẽ thắc mắc hoặc không đồng tình, nhưng xin hãy kiên nhẫn vì lý do tại sao sẽ được trình bày ngay sau đây.
Hệ thống chiến đấu
Với The Sands of Time, quả thật với những yếu tố hấp dẫn lần đầu được giới thiệu như khả năng leo trèo khá phi vật lý nhưng đẹp mắt, những câu đố độc đáo khiến người chơi phải suy nghĩ để vượt qua hay ý tưởng làm chậm và "tua lại" thời gian của trò chơi với Time Dagger,... The Sands of Time suýt chút nữa đã thuyết phục được tôi hoàn toàn nếu như nó không mắc phải một nhược điểm rất dễ thấy, đó là hệ thống chiến đấu.
Mặc dù mọi khía cạnh của game gần như đều xuất sắc, nhưng tôi không thể nào chịu đựng nổi việc chàng hoàng tử leo trèo giỏi bao nhiêu thì chiến đấu lại tệ hại bấy nhiêu khi chỉ sở hữu một vài combo lặp đi lặp lại đơn giản đến nhàm chán, kết hợp với việc một số kẻ địch bắt buộc phải kết liễu bằng Dagger of Time với một động tác "chọc" duy nhất, khiến cho mỗi lần chiến đấu với kẻ thù là một lần sự kiên nhẫn bị đem ra thử thách.
Yếu tố hành động trong The Sands of Time chưa được quan tâm đúng mực.
Trong Warrior Within, mọi chuyện trở nên khác hẳn. Với hệ thống chiến đấu hoàn mới được Ubisoft giới thiệu với cái tên 3F - Free Form Fighting, người chơi đã có thể tung ra những đòn tấn công hết sức đẹp mắt nhưng việc thi triển lại khá đơn giản chỉ với chuột trái và một nút nữa trên bàn phím. Nhào lộn trên không, xoay như chong chóng trên mặt đất, chiến đấu với kẻ thù từ nhàm chán trở thành cơ hội để thử thách kĩ năng của người chơi bên cạnh những màn leo trèo được phát huy từ phiên bản trước. Ngoài ra hoàng tử còn sở hữu thêm những đòn tấn công phép thuật bằng cát khiến cho đánh đấm cũng trở nên đa dạng hơn. Khi nhược điểm lớn nhất đã được khắc phục, đương nhiên Prince of Persia: Warrior Within đã trở thành một tựa game hoàn hảo.
Free Form Fighting Trailer.
Còn với The Two Thrones? Thật sự không có gì nhiều để nói khi hệ thống chiến đấu được bê nguyên từ Warrior Within sang, thêm một vài combo với Dark Prince và hệ thống speed kill theo trào lưu QTE được khởi xướng bởi God of War. Tất nhiên nhược điểm của Two Thrones không phải nằm ở đây mà ở một khía cạnh khác sẽ được đề cập sau.
Các yếu tố phiêu lưu
Về mặt này, có thể nói cả 3 tựa game đều làm rất tốt, nhưng các màn chạy nhảy trong Warrior Within vẫn nhỉnh hơn một bậc nhờ có sự xuất hiện của một nhân vật do AI điều khiển đó là Dahaka. Do đã làm xáo trộn thời gian để thoát khỏi cái chết ở phiên bản đầu tiên, giờ đây chàng hoàng tử liên tục bị truy đuổi bởi quái vật này, và nhiệm vụ của nó là tiêu diệt hoàng tử để lập lại trật tự của dòng thời gian như đã định.
Mỗi khi Dahaka xuất hiện, thay vì chiến đấu người chơi chỉ có cách duy nhất là chạy trốn bằng những kĩ năng nhào lộn của nhân vật. Chỉ một sai lầm thôi sẽ khiến chàng hoàng tử mất mạng và phải bắt đầu lại từ checkpoint, chính điều đó đã tạo nên sự căng thẳng và gay cấn cho những trường đoạn rượt đuổi có sự xuất hiện của Dahaka, thử thách khả năng ứng biến và phản xạ nhanh của người chơi, điều mà 2 phiên bản kia không làm được khi bạn có thoải mái thời gian để "ngắm nghía" cũng như suy tính cách vượt qua chướng ngại.
Cuộc rượt đuổi đầu tiên với Dahaka.
Một điểm quan trọng nữa không thể không đề cập khi nhắc đến yếu tố phiêu lưu, đó là các khu vực bí mật. Cả 3 game đều có một điểm chung đó là các thử thách được đặt rải rác trong trò chơi, phần thưởng khi vượt qua chúng là tăng cường lượng máu cho hoàng tử. Ở Sands of Times, việc mà bạn cần làm đó là đánh bại một số lượng kẻ thù nhất định, và đương nhiên công việc này cũng nhàm không kém gì những màn chiến đấu thông thường.
Hai người kế nhiệm đều tỏ ra tiến bộ hơn khi bắt người chơi phải vượt qua nhiều chướng ngại vật và cạm bẫy trước khi đến được khu vực bí mật bằng kĩ năng leo trèo, chỉ có điều chúng khó hơn hẳn so với thông thường. Nhưng một lần nữa, Warrior Within tỏ ra vượt trội khi việc tìm đường dẫn vào những chỗ này không đơn giản như Two Thrones khi mà có những vị trí bạn cảm thấy nghi ngờ nhưng không tài nào vào được, bởi cùng một khu vực đó nhưng địa hình ở tương lai và quá khứ lại khác nhau, hay cần một thanh kiếm nhất định có khả năng phá tường để mở lối đi, và bạn không có cách nào khác ngoài việc ghi nhớ và quay lại sau đó. Sau khi lấy được đủ tất cả các nâng cấp, game còn mở ra một kết thúc ẩn thú vị và hợp lý hơn so với kết thúc mặc định, gợi ý phần nào những diễn biến trong phần tiếp theo đó là The Two Thrones.
Sự thay đổi của khung cảnh theo thời gian là một điểm rất thú vị.
Không chỉ có nâng cấp để tăng lượng máu cho hoàng tử, các vũ khí phụ cũng là một phần bí mật của trò chơi và chúng mạnh hơn đáng kể so với những món thông thường thu nhặt từ xác kẻ địch, thôi thúc người chơi dò xét kĩ càng từng nơi mà mình đi qua. The Two Thrones cũng có vũ khí phụ, nhưng đáng tiếc chúng lại chỉ có thể được sở hữu thông qua các cheat code chứ không được giấu ngay trong màn chơi.
Cốt truyện
Đã khá lâu kể từ khi người viết hoàn thành xong cả 3 trò chơi, nên việc quên đi phần nào cốt truyện trong từng phiên bản để dành chỗ cho những thứ khác quan trọng hơn là không thể tránh khỏi. Nhưng theo những gì còn sót lại trong đầu, thì cả The Sands of Time lẫn The Two Thrones đều có chung một mô típ quen thuộc đó là hoàng tử-cứu công chúa hoặc hoàng tử-cứu vương quốc. Hay nói một cách khác là cốt truyện của hai phiên bản này chưa có chiều sâu, và việc duy nhất mà người chơi cần làm đó là đi từ A đến B, tiêu diệt kẻ địch, diệt trùm, kết thúc trò chơi và quên ngay vì sao chàng hoàng tử phải vất vả chiến đấu ngay sau đó.
Warrior Within thì khác, bao trùm tựa game là một không khí nặng nề và u ám ngược hẳn so với khung cảnh thần thoại của phiên bản đầu. Hành trình chạy trốn khỏi con quái vật Dahaka đã thôi thúc hoàng tử tìm đến hòn đảo thời gian, nơi có thể giúp chàng thoát khỏi định mệnh phải chết luôn khiến người chơi cảm thấy thắc mắc và đặt ra nhiều câu hỏi. Nữ sát thủ và cô gái trong bộ đồ đỏ kia là ai? Tại sao bóng đen bí ẩn kia luôn theo dõi mình? Dahaka đến khi nào sẽ chịu buông tha chàng hoàng tử?
Hắn là ai? Chắc chắn bạn sẽ rất bất ngờ khi tìm ra câu trả lời.
Cùng một địa điểm nhưng sự đan xen giữa quá khứ-hiện tại của cuộc hành trình lại mở ra những con đường khác nhau, tất cả những điều đó luôn thôi thúc người chơi tiến về phía trước để tìm câu trả lời, để rồi khi càng về cuối game, những nút thắt ấy được gỡ bỏ dần, để lộ toàn bộ câu chuyện cũng như giải đáp mọi thắc mắc hợp lý một cách bất ngờ, khiến người chơi không thể không gật gù và thốt lên: Hay!
Và như đã đề cập ở trên, Warrior Within còn là phiên bản duy nhất có kết thúc ẩn mà người chơi có thể mở khóa sau khi thu thập đủ các nâng cấp cho hoàng tử. Bạn sẽ được thưởng một thanh kiếm báu vào thời điểm gần kết thúc game, và nhờ có vũ khí này hoàng tử có thể đả thương được một con boss mà trước đó chàng không thể chạm vào. Tôi sẽ không nói thêm để tránh spoil, phần còn lại xin để cho các bạn chưa từng chơi tựa game này tự khám phá.
Kết
Với những lý do như đã trình bày, Prince of Persia: Warrior Within không chỉ xứng đáng là phiên bản ấn tượng nhất trong bộ 3 mà còn là một trong những tựa game phiêu lưu hành động thuộc hàng kinh điển của làng game. Nếu như đã yêu thích Devil May Cry, God of War, Darksiders hay bất cứ một tựa game hành động nào tương tự, việc bỏ lỡ Prince of Persia: Warrior Within là một điều thật sự đáng tiếc. Đây là một trong số ít những tựa game mà người viết tự tin khẳng định rằng, các bạn sẽ không phải tiếc công download một khi đã bắt đầu chơi.