Kể từ khi multiplayer bắt đầu tồn tại trong các trò chơi điện tử, thời điểm đó cũng đánh dấu sự ra đời của các phần mềm gian lận giúp người chơi giành chiến thắng mà chẳng cần đến kĩ năng, hay còn thường được gọi bằng thuật ngữ cheat/hack. Đến nay khi nhiều tựa game có tính cạnh tranh cao phát triển lên tới tầm eSports, đây vẫn là vấn đề đau đầu chưa có cách giải quyết triệt để đối với các nhà tổ chức giải đấu, đặc biệt đối với hình thức thi đấu qua mạng.
Một kĩ sư có tên David Titarenco mới đây vừa giới thiệu giải pháp đang thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng lẫn các nhà tài trợ, đó là sử dụng thiết bị phần cứng để phát hiện xem liệu người chơi có sử dụng chương trình hack hay không thay vì phương pháp truyền thống là phần mềm như từ trước đến nay. Cách hoạt động của Game:ref - tên mà Titarenco đặt cho sản phẩm của mình cũng rất đơn giản: đó là kiểm tra sự đồng bộ giữa tín hiệu gửi đến máy tính từ chuột và chuyển động trên màn hình.
Ví dụ nếu sử dụng aimbot, nhân vật của bạn sẽ có tốc độ ngắm bắn cực nhanh, chuẩn xác tuyệt đối mà bạn không cần phải rê chuột. Điều này tạo ra sự mâu thuẫn có thể dễ dàng kiểm tra ở tầng phần cứng. Chuột lúc này không được cắm trực tiếp vào máy tính mà phải thông qua Game:ref để giám sát.
Hiệu quả của Game:ref là điều dễ dàng nhận thấy, dù vậy nó cũng có những hạn chế nhất định. Trước tiên là bất cứ người chơi nào cũng phải bỏ thêm tiền ra cho một thiết bị phụ trợ không hề có tác dụng gì trong game mà chỉ để chứng minh mình không gian lận. Titarenco cho biết sản phẩm khi ra mắt chính thức sẽ có giá dưới 100 USD, lý tưởng nhất rơi vào khoảng 50 USD. Đây là số tiền không nhỏ, ngang bằng với một chú chuột chơi game loại tốt hiện nay.
Tiếp đến, Game:ref mới chỉ hoạt động đối với các tựa game FPS nhờ cách thức nói trên. Đối với các thể loại game khác như chiến thuật hay MOBA, hình thức phổ biến nhất là hackmap rõ ràng không thể bị phát hiện theo nguyên tắc này.
Đòi hỏi toàn bộ game thủ phải bỏ thêm số tiền tương đương với một tựa game full price ra để chơi game xem ra là điều hơi khó thực hiện. Giải pháp hợp lý nhất có lẽ là áp dụng thiết bị chống hack này với các máy tính trong giải đấu lớn cùng phí tổn do các nhà tổ chức lo liệu. Như vậy sẽ tránh được những trường hợp đáng tiếc như vụ hack CS:GO tại giải Dreamhack gần đây.
>> Counter Strike chống hack bằng cách... đến nhà đột xuất