Chiến trường từ trong Game tới đời thực

PV  | 24/02/2012 02:00 PM

Bạn đã bao giờ thắc mắc những người lính thật sự họ nghĩ gì về Call of Duty hay chưa?

Các trò chơi như Call of Duty: Modern Warfare hay Battlefield được nhà sản xuất đầu tư hàng triệu đô la để đảm bảo cho chúng trở nên thực tế nhất có thể, tất cả mọi thứ từ âm thanh của tiếng súng, tiếng la hét, hình ảnh chiến trường khốc liệt,… đều được chăm chút hết sức tỉ mỉ thông qua sự cố vấn của các chuyên gia về quân sự. Tuy nhiên liệu như vậy đã là đủ?
 
Câu hỏi được đặt ra đó là giữa trải nghiệm mà các tựa game bắn súng lấy đề tài chiến tranh mang lại và những tình huống chiến đấu trong thực tế cuộc sống, chúng gần nhau đến mức nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu điều này thông qua đánh giá của những người lính đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường thật.
 
 
Đầu tiên họ nhận xét rằng, mặc dù những trò chơi bắn súng mang lại cảm giác rất lý thú, tuy nhiên những gì diễn ra trong game so với thực tế là rất khác nhau. Dễ thấy nhất đó là việc các trò chơi thường chỉ tập trung vào từng cá nhân thay vì cả đội, ngay cả trong chế độ co-op thì việc hợp tác giữa các người chơi với nhau cũng chỉ dừng ở một mức nào đó, thay vì nhất cử nhất động của từng thành viên đều phải tuân theo chiến thuật đã được đề ra như trong thực tế.
 
Điểm thứ hai đó là tính thực tế trong các trận chiến. Mặc dù phải công nhận môi trường trong các trò chơi được tái hiện rất chân thực, tuy nhiên những mặt khác lại còn một khoảng cách khá xa để có thể với tới được hiện thực.
 
Yếu tố tâm lý
 
Có thể nói trong các trò chơi cảm giác lo sợ khi xung quanh đầy rẫy hiểm huy gần như là không có. Trong một nhiệm vụ nguy hiểm, những người lính luôn luôn cảm thấy bất an và vì vậy phải luôn luôn đề cao cảnh giác bởi một sơ sẩy có thể khiến họ phải trả giá bằng mạng sống, và cũng không hề có tính năng load để giúp họ sửa chữa sai lầm.
 
 
Còn trong game thì sao? Bạn ăn vài viên “kẹo đồng” sau đó màn hình cảnh báo xuất hiện, thế là chỉ cần kiếm chỗ ẩn nấp và sau đó 10s là có thể tiếp tục chiến đấu ngon lành, mặc dù về lý thuyết chỉ cần trúng 1 viên đạn (tất nhiên là không phải vào đầu) là đã đủ khiến cho bạn phải lê lết, vì vậy người chơi tha hồ xách súng đi càn mà chẳng hề lo lắng tới việc sống chết ra sao. Tuy nhiên họ cũng cho rằng đây cũng là một vấn đề tất yếu bởi đã là trò chơi thì phải mang tính giải trí, thế nên chắc chẳng ai muốn chơi một game chân thực đến mức mỗi lần trúng đạn là nhân vật lại nằm vật xuống kêu oai oái và bạn phải từ bỏ cuộc chơi.
 
Tính thực tế
 
Hầu hết các game thủ không nhận ra rằng việc môi trường trong game cung cấp một số lượng không thực tế các loại đạn dược, vũ khí, và trang bị. Bạn có thể tha hồ xả súng theo phong cách hành động Hollywood, tốn vài ba băng đạn chỉ để “răn đe” kẻ thù vì chỉ cần đi vài bước là có thể bắt gặp một thùng đạn hoặc một cây súng khác.
 
Trong thực tế mỗi người lính chỉ được trang bị một số lượng đạn nhất định, và họ phải cố gắng “1 shot 1 kill” để tránh lãng phí. Chưa kể đến việc khi nạp đạn, nếu cứ quăng luôn cả băng đạn đi khi chưa bắn hết thì sẽ không có chuyện những viên còn lại trong đó sẽ được cộng vào tổng số đạn như trong game.
 
 
Ngoài ra, trong khi trò chơi có sự đa dạng rất lớn của vũ khí từ các loại súng lục cho tới rocket cầm tay thì hầu hết các binh sĩ ngoài đời thậm chí còn chưa được phép xem những khẩu súng đó chứ đừng nói đến sử dụng bởi quân đội chỉ cho phép họ trang bị một vài khẩu súng trường thông dụng mà thôi.
 
Chiến thuật
 
Một điều chắc chắn nữa đó là chiến đấu thực sự cần nhiều yếu tố chiến thuật hơn so với trò chơi điện tử, và style như người hùng rambo không phải là một điều phổ biến. Việc kiếm 1 vài kill trong thực tế sẽ khó hơn rất nhiều bởi chẳng có kẻ thù nào lại giống như đám AI hùng hổ lao ra đưa đầu cho bạn headshot cả. Nếu đối thủ là người chơi khác thì điều này sẽ ít xảy ra hơn, tuy nhiên cũng không ai muốn nấp mãi một chỗ để rồi bị gọi là camper, vả lại có chết thì sau đó lại respawn nên chẳng việc gì phải camp cho mất thời giờ.
 
Ngược lại với trò chơi, phong cách camper trên thực tế lại được “ưa chuộng” hơn cả. Các thành viên trong một đội sẽ ẩn nấp và bắn yểm trợ cho nhau để có thể dần dần chiếm các vị trí quan trọng hơn tiến đến chiến thắng thay vì cử ra một siêu sao xông lên dọn sạch cả đội hình địch.
 
 
Trung sĩ Quân đội Mỹ Brian Gonterman, người đã từng chiến đấu tại Afghanistan, nói rằng AI hiện nay trong các trò chơi chưa đủ tinh vi để có thể hành xử như con người và chúng làm việc dựa hoàn toàn vào các quy tắc lập trình được định sẵn bởi các nhà phát triển. Trong trò chơi, bạn gần như biết trước được khi nào thì 1 tên máy sẽ thò đầu lên, trong khi đó trong cuộc sống thực thì bạn không thể nói trước được điều gì.
 
Kết
 
Như vậy chúng ta có thể thấy game vẫn chỉ là game và cho dù là những tựa game đình đám như Call of Duty đi chăng nữa thì cũng không thể phản ánh một cách chính xác được những gì thực sự xảy ra trên chiến trường. Chúng ta chơi game là để giải trí còn những người lính họ chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ, hai việc đó hoàn toàn khác nhau vì vậy nếu bạn từng cho rằng với chỉ số kill xx chết 0 trong game bạn cũng sẽ là “vô đối” trên chiến trường thật (nếu có) thì có lẽ đã đến lúc bạn phải suy nghĩ lại.
 
Theo IGN 
Xem thêm:

phân tích