Bulletstorm đến từ People Can Fly, nhà phát triển đã tạo ra tựa game Painkiller - Chắc chắn những game thủ kì cựu vẫn còn nhớ đến nhịp hành động nhanh đến mức váng mắt của tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất này, và Epic Games – hãng đã tạo ra Unreal Engines. Chỉ riêng hai cái tên này cũng đã khiến nhiều người chơi game lâu năm cảm thấy tò mò mãnh liệt về chất lượng của game.
Mặc dù hòa nhập khá chỉn chu với phong cách game hiện đại của Epic, người chơi vẫn có thể thấy được những nét phong cách run and gun của People Can Fly. Kẻ địch xuất hiện trên màn hình không ồ ạt, nhưng người chơi vẫn phải tận dụng khả năng giữ khoảng cách của cá nhân mình để chống trả hiệu quả. Nói đến các tựa game bắn súng, ai cũng nghĩ đến những kĩ thuật rất cơ bản như ẩn nấp, bắn hỗ trợ và chớp thời cơ. Đó không phải là cách mà bạn sẽ chơi Bulletstorm.
Không, Bulletstorm hoàn toàn không phải là một tựa game bắn súng nhảm nhí mà bạn chĩa súng vào tất cả những thứ di chuyển rồi siết cò. Game cũng yêu cầu kĩ thuật và khả quan sát hẳn hoi, và hoàn toàn nghiêm túc cả về thể hiện lẫn cảm giác. Tuy nhiên, trong tựa game này, người chơi sẽ tự phải tạo ra cơ hội của mình.
Nhà phát triển không đẩy ra qua nhiều kẻ địch trên một màn hình không phải bởi những yếu tố marketing như thói quen game thủ, hay độ ổn định của khung hình, mà để khống chế lượng yếu tố mà người chơi có thể thiết kế trong mỗi trường đoạn. Đúng vậy, bằng những công cụ của mình, cùng với những vật thể có thể thay đổi trên bản đồ (như các cột chống, thùng thuốc nổ, tủ điện…), người chơi có thể dẫn dắt kẻ địch vào một kịch bản độc địa, và hạ gục chúng theo một cách có thể mang lại cho họ nhiều điểm thưởng nhất.
Ngoài súng ống, nhân vật được trang bị với một vũ khí có thể phóng ra một ngọn roi điện ở tay, có tác dụng làm chậm kẻ địch, dính vào một vật thể và kéo chúng gần về phía bản thân. Mục đích của việc làm chậm kẻ địch ở đây là để bạn có thể nghĩ ra những cách sáng tạo nhất để kết liễu chúng. Thậm chí, bạn có thể dùng ngọn roi này để kéo tất cả kẻ địch lên thành một hàng, và bắn tỉa chúng như bắn bia. Mỗi lần bạn hạ gục kẻ địch, tùy theo chất lượng, bạn sẽ nhận được điểm thưởng.
Điểm thưởng này có thể được dùng để nâng cấp vũ khí và nhân vật. Ngọn roi này cũng được dùng để kích hoạt hoặc điều khiển những vật thể khác trên bản đồ, và nhờ đó cung cấp một lượng phong phú gameplay cho người chơi.
Về thực chất, hệ thống này chỉ là một cách thể hiện để tăng lượng nội dung của game. Niềm vui thực sự ở đây là một series các phương thức giết chóc mà bạn có thể dùng đến trong game. Những phương thức hết sức hết sức cũ kĩ như bắn vào đầu hay quăng thuốc nổ cố nhiên vẫn được dùng đến, tuy nhiên People Can Fly đã hết sức tốt bụng khi đưa vào game những trò sáng tạo hơn nhiều. Bạn có thể đá kẻ địch ở khoảng cách gần, cũng có thể đẩy chúng vào miệng của các loại cây ăn thịt người, sau đó kích hoạt ngòi nổ của quả bomb đã được buộc vào từ trước. Bạn có thể bắn sập các cây cột và làm cho chúng đè vào kẻ địch, cũng có thể làm nổ tung nơi một vài gã nghiệp dư đang ẩn náu.
Trong phần demo, các bạn có thể thấy phong cách chủ đạo của People Can Fly: Người chơi phải di chuyển giữa những địa hình hết sức nguy hiểm, thường xuyên rơi vào trạng thái thiếu điểm tựa và phương hướng. Thậm chí ngay cả phong cách những con boss lớn khủng khiếp cũng được giữ nguyên, khi ở cuối phần chơi, người chơi sẽ bị truy đuổi bởi một bánh xe khổng lồ cao đến hàng chục mét, được hộ tống bởi một đoàn xe dã chiến mà các nhân vật phải bắn hạ trước khi chúng tiếp cận đến họ.
Butletstorm là một tựa game khá đẹp: sáng sủa, rõ ràng mặc dù có rất nhiều chi tiết động. Game có thể gây chóng mặt mạnh nếu như bạn chỉ quen với những FPS “chân chất”, tuy nhiên vẫn đỡ hơn rất nhiều với các sản phẩm khác của People Can Fly. Chúng tôi nhận thấy các nhà phát triển đã thực hiện một công việc tuyệt vời trong việc thể hiện tương tác vật lý của chiếc roi điện, và cảm thấy rất hài lòng với những hiệu ứng ở đại cảnh truy đuổi ở cuối đoạn demo.
Thật đáng tiếc, những chi tiết về hệ thống, như cách mà đạn dược sẽ được sắp xếp (Chúng là vô tận trong bản trình diễn tại E3) như thế nào, sẽ có bao nhiêu loại súng và ứng dụng của chúng trong game. Khi mà một màn chơi thử chỉ kéo dài năm phút lại có thể chứa 2 trường đoạn với cảm giác chơi khác hẳn nhau, không một ai không cảm thấy nôn nóng muốn được khám phá toàn bộ tựa game này.
Chắc các bạn vẫn còn nhớ đền thời kì mà thế hệ FPS mới bắt đầu được giới thiệu. Các nhà phát triển đã cố gắng hết sức để mô phỏng lại những yếu tố thực tế của chiến trận, hiệu ứng vật lý của các đối tượng và đường đạn… vào những màn chơi được thể hiện hết sức chân thật. Những thành tựu này đã từng khiến cho người chơi phải choáng váng vì khâm phục, nhưng chúng không còn là kim chỉ nam đối với công nghiệp hiện đại nữa. Thay vào đó, những trải nghiệm hoang dại đã từng làm mưa làm gió của thời kì trước đó đang dần trở lại, người chơi đỏi hỏi những gameplay thô nhám hơn, trưởng thành và tổng hợp hơn trong từng ngày, và Bulletstorm cùng với phong cách “giết bằng kỹ thuật” là một câu trả lời thực sự nghiêm túc cho tiếng gọi đó.
Game sẽ được phát hành vào cuối tháng 2 năm 2011, trên cả ba hệ máy PC, X360 và PS3.