Bodycount - Một game FPS không đi theo lối mòn nhàm chán

Kiss  | 07/09/2011 10:00 AM

Dù được thêm một vài hệ thống điểm và kỹ năng mới lạ, nhưng xem ra Bodycount vẫn chưa đạt được thành công như mong đợi.

Ra đời như mọi tựa game FPS thông thường, Bodycount có vẻ như được định hướng vào cộng đồng game thủ trung thành của thể loại game này. Tất nhiên, hãng sản xuất Guildford Studio cũng đã “thêm mắm thêm muối” để game không quá nhàm chán và lặp lại như nhiều tựa game FPS khác.

Dù vậy, có vẻ như những thêm thắt này chỉ đủ để có thể kéo Bodycount lên thành một game bắn súng tầm trung chứ chưa thể góp mặt trong danh sách những siêu phẩm của năm.


Bodycount - Trailer.

Đến với Bodycount, người chơi sẽ vào vai một điệp vụ của “The Network” được gửi tới các nước thuộc Thế giới thứ 3 để giải quyết các tranh chấp tại đây. Một giọng nói sẽ dẫn dắt các nhiệm vụ và giải thích cho bạn biết lý do vì sao phải làm vậy.

Tuy nhiên, Bodycount tập trung nhiều vào việc chiến đấu hơn là việc dẫn dắt cốt truyện lằng nhằng trong game. Bạn sẽ bắt đầu phần chơi “campaign” ở giữa một bãi chiến trường, nơi mà cả hai bên đều có thể cho người chơi xơi “kẹo đồng” bất cứ khi nào có thể.


Với tổng cộng 10 khẩu súng, Bodycount có vẻ không được “hào phóng” cho lắm với những game thủ yêu thích sự đa dạng của các loại vũ khí. Người chơi tùy theo phong cách của mình mà chọn loại vũ khí thích hợp.

Nếu thích làm Rambo? Hãy chọn shotgun và SMG. Ngược lại, nếu thích làm một kẻ bắn tỉa thì hãy trang bị trên tay một khẩu súng trường. Thậm chí game còn cung cấp cả lục giảm thanh để bạn được tập làm “ninja” trong thế giới súng đạn này.  Khí tài trong Bodycount nói chung chẳng có gì mới lạ kể cả về kiểu cách cũng như sử dụng so với phần lớn các tựa game FPS hiện nay.


Game cung cấp một hệ thống “skillshot” để khuyến khích người chơi nâng cao kỹ năng của mình. Mỗi lần headshot, bắn sau lưng hoặc xuyên qua các chướng ngại vật, bạn sẽ được “skillshot” và tăng số điểm mình nhận khi giết kẻ thù. Nếu liên tục “skillshot”, số điểm bạn nhận được sẽ càng cao. Việc “skillshot” nhìn chung khá dễ dàng trong Bodycount bởi vậy bạn nên chú ý để tận dụng điểm này.



Tuy vậy, một điểm trừ của game là AI không được thông minh cho lắm. Tất nhiên, chúng cũng đủ để biết chớp thời cơ nếu bạn quá sơ hở. Nhưng việc chọn chỗ cũng như di chuyển đôi lúc khiến bạn lầm tưởng như chúng đang cầu xin “được chết” vậy. Càng lên level cao thì kẻ thù càng nguy hiểm, dù vậy AI vẫn chưa thực sự đủ sức để thách thức các game thủ.


Khi liên tục hạ gục kẻ thù bằng “skillshot”, người chơi sẽ nhận được một loại đơn vị trong game gọi là “intel”. Số điểm này có thể được dùng để kích hoạt một vài sức mạng đặc biệt như tăng tốc độ chạy, sát thương.v..v...

Thậm chí, nó còn cho phép bạn gọi tiếp viện không quân để “cày nát” bãi chiến trường. Tuy nhiên, với độ khó không cao của Bodycount thì tính năng hỗ trợ này lại có vẻ như quá thừa thãi. Phần lớn chúng chỉ được các game thủ sử dụng trong phần chơi multiplayers


Nhắc tới Multiplayers, ở danh mục này Bodycount dường như cũng chưa thỏa mãn được nhu cầu của các fan FPS. Chỉ có 2 mục chơi và cho phép 12 người chơi cùng lúc, nhà sản xuất có vẻ như chưa chú trọng tới chế độ này.

Bạn có thể chơi theo kiểu đối đầu hoặc Co-op với bạn bè của mình. Chỉ tại đây hệ thống “intel” mới phát huy tác dụng trước các đợt tấn công dồn dập và vô cùng nguy hiểm của AI hoặc do người điều khiển.


Tóm lại, Guildford Studio có vẻ chưa đầu tư kỹ lưỡng lắm cho đứa con tinh thần này của mình. Bodycount hoàn toàn không có điểm gì khiến mình nổi bật hơn với vô vàn các game FPS tầm trung khác.

Nếu bạn là fan của dòng FPS thì chắc chắn sẽ còn nhiều tựa game xứng đáng hơn để bạn tiêu tốn thời gian của mình trong năm nay. Tuy nhiên, Bodycount vẫn có thể coi là món khai vị tốt trong lúc chờ đợi ngày ra mắt của các siêu phẩm bắn súng trong thời gian tới.
 
Thông tin về game
Hãng phát triển
Guildford Studio
Hãng phát hành
Codemasters
Thể loại
FPS
Hệ máy
PS3 - Xbox 360
Ngày phát hành
30/08/2011
 
Tham khảo tại gamespot