Bóc mẽ lí do khiến game ngày càng ngắn (Phần cuối)

Maestro  | 02/05/2011 12:07 AM

Các nhà làm game có nhiều cách để khiến bạn hài lòng về thời lượng trong trò chơi của họ cũng như không cự nự được mỗi khi móc hầu bao.

Game không chỉ có phần chơi đơn

Nhiều trò chơi có phần chơi đơn ngắn như Call of Duty 7 vẫn bán chạy. Thậm chí, mọi người nên hiểu rằng nếu Call of Duty không phải là một con gà đẻ trứng vàng của ngành công nghiệp game thì Activision đã chẳng đều đặn cho ra đời một phiên bản mới vào mỗi năm. Bí quyết của những trò chơi với thời lượng chơi đơn ngắn này nằm ở phần chơi mạng.


Thống kê của Bungie - đội ngũ phát triển của series game Halo trước đây - đã cho thấy chỉ trong tháng đầu tiên sau khi phát hành, tổng thời gian game thủ bỏ ra cho phần chơi mạng của Halo: Reach lên tới hơn 16 nghìn... năm. Con số này là đủ để chứng minh rằng một trò chơi không nhất thiết phải có nội dung dài. Quan trọng là thời gian mà game thủ được giải trí với một trò chơi xứng đáng với số tiền mà họ đã bỏ ra.

Mặc dù vậy, multiplayer không phải là hướng đi tối ưu dành cho mọi sản phẩm. Lấy ví dụ điển hình như Dead Space 2 hay Assassin’s Creed: Brotherhood, phần chơi mạng của những sản phẩm này gần như thừa thãi và nó không kéo dài giá trị cốt lõi trong trò chơi đó. Phần chơi Multiplayer chỉ là một thứ nhà sản xuất “nhét” vào với mong muốn làm game thủ rối trí hơn khi bỏ tiền mua game.

DLC


Game ngày nay rất tích cực kiếm tiền nhờ DLC. Có những đơn vị như BioWare biện minh rằng việc phát hành các bản DLC sẽ cho nhà sản xuất nhiều thời gian hơn để chăm chút cho sản phẩm của mình. Giá trị đầu tiên có lợi cho game thủ sẽ là họ được tận hưởng những trò chơi với nội dung được quản lý chặt chẽ hơn. Sau đó, họ sẽ đều đặn được giải trí với những bản nội dung mới vài tháng một lần.

Tuy nhiên, điểm khiến người chơi không thích nhất ở DLC chính là việc họ phải bỏ thêm tiền để có những nội dung mà đáng ra nhà sản xuất đã phải đưa vào đĩa game từ đầu. Phương pháp cổ điển được lòng game thủ nhưng lại không thu nhiều lợi nhuận cho nhà sản xuất. Thế nên, như bạn đã thấy, Dragon Age II đã được báo trước rằng sẽ còn có nhiều DLC hơn cả người tiền nhiệm. 


Nội dung của nó tuy có thời lượng dài nhưng lại bị nhiều người chê rằng cốt truyện chính không được bám sát mà game thủ thì lại tốn quá nhiều thời gian để giải quyết những việc vặt vãnh cho các nhân vật phụ. Xét cho cùng thì thời lượng khoảng 40 tiếng của trò chơi này không để lại nhiều ấn tượng như Mass Effect 2.

Tiền - chất lượng

Bất chấp nhiều lời than phiền cũng như những lí lẽ “cao đẹp” từ các nhà sản xuất, những người trong ngành vẫn phải thừa nhận rằng việc chiều lòng các game thủ rất khó. Họ cũng muốn làm ra các trò chơi với nội dung dài nhưng cuối cùng thì không phải game thủ nào cũng chơi hết game. Đối với nhà phát triển thì điều đó tức là họ đang phí phạm công sức của mình.


Trong khi đó, công sức họ bỏ ra lại được tính bằng hàng chục triệu USD. Các nhà đầu tư sẽ không chấp nhận sự phí phạm đó. Cần có một điểm cân bằng giữa tiền đầu tư và nội dung. Tuy nhiên, trước đó thì các nhà làm game cần phải tìm ra một “kích cỡ” thích hợp đối với sản phẩm mà mình làm ra. Đó là một bài toán khó không hề dễ giải.

Mặc dù vậy, nhiều nhà phát triển lại sở hữu một số series game mà các game thủ thà bỏ nhiều tiền ra để mua còn hơn là không được chơi. Các series lừng danh của Blizzard hay Street Fighter của Capcom có thể coi là những ví dụ điển hình.
 
(Tổng hợp)
Xem thêm:

phân tích