Thiết kế nhân vật là một công việc không hề đơn giản. Từ concept art tới hình ảnh nhân vật mà người chơi nhìn thấy là khoảng cách một trời một vực, khi diện mạo cuối cùng có thể khác hoàn toàn so với những í tưởng ban đầu của nhà sản xuất. Hãy cùng tìm hiểu xem một số nhân vật nổi tiếng trong thế giới game đã “lột xác” thế nào trước khi đến tay game thủ.
1. Gordon Freeman từng là một gã râu rậm
Phác họa đầu tiên của Gordon Freeman được fan gọi với cái tên “Ivan the Space Biker” vì vẻ ngoài giống một gã lái xe phân khối lớn. Rốt cục người ta đã quyết định thay chòm râu quai nón rậm rạp bằng cặp kính và râu dê trông tri thức hơn hẳn.
2. Kratos suýt trở thành samurai hoặc … chiến binh bộ lạc
Khi nhắc tới Bóng ma Sparta, David “Zeus” Jaffe, cha đẻ của Kratos, nói rằng ý tưởng về nhân vật này xuất phát từ cảm xúc hơn là cốt truyện hay vẻ bề ngoài. Mục đích chính là tạo ra một gã đồ tể tàn bạo để game thủ có thể trút hết những căng thẳng và giận dữ tích lũy trong cuộc sống thường ngày. Do vậy những concept art ban đầu không dính dáng gì tới Hy Lạp cổ, thậm chí một trông số đó trông giống hệt Ogami Itto trong bộ manga huyền thoại “Sói mang con”.
3. Little Sister trong Bioshock từng là sóc chuột
Nguồn cung cấp chính chất ADAM tại thành phố dưới dáy biển Rupture đã phải trải qua những thay đổi đáng kể. Ý tưởng ban đầu là một con sóc chuột mắt to, đi bằng hai chân và được bảo vệ bằng một con robot sát nhân, giống như bộ đôi trong game “Ratchet&Clank”. Ngay cả khi ý tưởng về Little Sister/Big Daddy xuất hiện, hình ảnh của cô “em gái” cũng khác nhiều so với những gì chúng ta được biết, với cái đầu hói và khuôn mặt gần giống nhân vật Gollum trong The Lord of the Rings.
4. Phong cách hoạt hình của Borderlands là một thay đổi vào phút chót
Phiên bản Borderlands nguyên gốc với đồ họa tả thực đã bị cho ra rìa vào phút chót. Trailer đã được tung ra, những tấm screenshot tràn ngập các tạp chí game và thị trường chuẩn bị đón nhận thêm một game nhập vai bắn súng lấy bối cảnh hậu tận thế nữa. Nhưng rồi Borderlands xuất hiện với diện mạo khác hoàn toàn, giống như những bức tranh màu chì của học sinh. Có thể nói không ngoa rằng quyết định vào phút chót này đã giúp Borderlands thoát khỏi cái bóng của Fallout và thiết lập phong cách riêng cho các hậu bản về sau.
5. Nữ pháp sư trong Dragon’s Crown từng đỡ lố bịch hơn
Dragon’s Crown được dự kiến sẽ là hậu bản của Princess Crown, một game nhập vai ra mắt trên hệ máy Sega Saturn vào năm 1997. Tuy nhiên cuối thập kỉ 90 là khoảng thời gian khó khăn cho thể loại Fantasy-Action RPG 2D cũng như chiếc console của Sega, do vậy dự án này bị hoãn lại. Khi hồi sinh trên nền tảng Playstation 15 năm sau, Geogre Kamitani đã quyết định thiết kế nhân vật ban đầu cần có một “cải tiến” lớn, đặc biệt ở vòng 1.
6. Chocobo từng bị trụi lông
Trên thực tế mọi game Final Fantasy trên hệ máy NES đều khác hẳn phác thảo của Yoshitaka Amano. Do vậy chớ ngạc nhiên khi chú gà dễ thương với bộ lông vàng, biểu tượng của dòng game, trông như vừa bị dội qua nước sôi trong những tấm concept art.
7. Nhân vật Team Fortress 2 từng trông rất nghiêm túc
Từ một add-on miễn phí cho tới Team Fortress mà chúng ta biết ngày hôm nay là một hành trình dài. Vào khoảng năm 1992, TF2 được quảng cáo sẽ mang lại không khí chiến tranh “chân thực” với tựa đề Team Fortress 2: Brotherhood of Arms. Chỉ tới năm 2006 phong cách hoạt hình mà chúng ta đều yêu thích mới xuất hiện. Theo như Valve, đã có 3-4 phiên bản bị loại bỏ cho tới khi sản phẩm cuối cùng ra mắt.
8. Bayonetta có thể đã là một cô cao bồi chân ngắn
Sega vốn đã nhận thấy phong cách thời trang Gothic lẫn những nét quyến rũ đậm chất Nhật Bản của Bayonetta sẽ không không được đón nhận nồng nhiệt ở phương Tây. Đó là lý do họ thuê họa sĩ thiết kế lại nhân vật này để phù hợp hơn với “khẩu vị” của các game thủ xứ sở cao bồi. Kết quả là những phù thủy Umbra bụi bặm theo phong cách đồng quê, nhưng rốt cục chúng cũng không được đưa vào game.
9. Master Chief trông giống như một hình nộm đồ chơi năm 80
Halo không được tạo ra trong một ngày và riêng việc thiết kế Master Chief cũng đã cần nỗ lực của nhiều họa sĩ. Hình ảnh ban đầu giống như sản phẩm của một khóa học vẽ ngắn ngày, một nhà du hành vũ trụ vô hại hơn là chiến binh vĩ đại nhất dải ngân hà.
10. Sora trong Kingdom’s Heart từng là cậu bé sư tử cầm cưa máy
Kingdom Hearts là sản phẩm của những cuộc thương lượng đầy căng thẳng giữa hai tập đoàn lớn. Walt Disney một mực muốn vịt Donald làm nhân vật chính, còn Square Enix lại tha thiết muốn sử dụng chuột Mickey. Trong khi đó Tetsuya Nomura thiết kế ra một người hùng cầm cưa máy (nhưng thiếu các bánh răng), có đuôi sư tử và một tủ quần áo lấy cảm hứng từ chuột Mickey. Disney dù chấp nhận thiết kế này nhưng lại cho rằng lưỡi cưa quá bạo lực, do vậy cây Keyblade đã ra đời.
>> 6 hiệu ứng hình ảnh bị lạm dụng nhiều nhất trong game