Bi hài nhà phát triển tự tay crack game của mình

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 01/05/2013 0:00 AM

Nghe thật khó tin đúng không?

Game Dev Tycoon - một tựa game quản lý cho phép người chơi vào vai nhà phát triển game, tự tạo ra các sản phẩm của mình và tung ra thị trường ảo để kinh doanh. Nếu chỉ như vậy thì nó cũng không thật sự quá nổi bật, tuy nhiên điều đặc biệt là bên cạnh phiên bản chính thức bán với giá 8 USD, hãng phát triển Greenheart Games còn thực hiện một bước đi chưa từng có trong lịch sử làng game: tự crack game của mình và tung lên mạng.
 
Bi hài nhà phát triển tự tay crack game của mình 1
Bản crack Game Dev Tycoon được cung cấp bởi chính hãng phát triển Greenheart Games.
 
Vậy đằng sau hành động tưởng chừng như tự sát này của họ là mục đích gì? Đó là nhắc nhở người chơi về nạn vi phạm bản quyền. Hai phiên bản thương mại và "crack chính hãng" hoàn toàn giống nhau, ngoại trừ một chi tiết: sản phẩm do công ty làm game của những người chơi bản Game Dev Tycoon lậu sản xuất sẽ thường xuyên rơi vào tình trạng bị crack, dẫn đến thua lỗ và chẳng mấy chốc thì Game Over.
 
"Ban đầu chúng tôi định nói thẳng, rằng người chơi bị thế là do chơi game crack. Tuy nhiên khi suy nghĩ lại, đây là một cơ hội tuyệt vời để thể hiện cho họ thấy sự tai hại của nạn vi phạm bản quyền với các nhà phát triển, biến trò chơi thành một tấm gương phản chiếu chính hành động của họ. Vì vậy mà sau hàng giờ miệt mài gây dựng công ty, họ sẽ bắt đầu nhận được những thông điệp được lồng ghép khéo léo trong game, ví dụ: "Thưa sếp, mặc dù game mới của chúng ta rất thu hút người chơi, nhưng họ lại download bản crack chứ không mua. Nếu tình trạng này tiếp diễn, công ty sớm muộn cũng sẽ phá sản".
 
Bi hài nhà phát triển tự tay crack game của mình 2
Những người chơi bản crack sẽ có tỉ lệ crack game cao hơn bình thường.
 
Nhưng hài hước là ở chỗ, có nhiều người lại không nhận ra vấn đề mà vẫn tưởng đây là một cơ chế in-game nào đó, thậm chí họ còn tìm kiếm giải pháp trên các diễn đàn: "Hiện giờ tôi không thể kiếm được đồng nào vì nạn crack, có cách nào để khắc phục không? Ví dụ như nghiên cứu DRM chẳng hạn..." hay "Sao nhiều người chơi game lậu thế, tôi kiếm được 5 triệu rồi bỗng dưng game nào cũng bị crack, thật là không công bằng".
 
Đọc được những phản hồi ấy, đại diện Greenheart Games chia sẻ: "Dưới góc nhìn của một gamer, điều này thật trớ trêu làm sao. Nhưng với tư cách là nhà phát triển, những người đã bỏ ra hơn 1 năm để hoàn thành trò chơi và chưa nhận được đồng lương nào, thật sự tôi cảm thấy muốn khóc".
 
Bi hài nhà phát triển tự tay crack game của mình 3
Không thể chơi tiếp vì nạn crack game do... chơi game crack.
 
Đáng buồn hơn, theo kết quả thống kê 1 ngày sau khi phát hành, chỉ có 6.4% trong tổng số 3500 người chơi bỏ tiền ra mua Game Dev Tycoon, số còn lại đều chơi crack. Đây là sản phẩm đầu tay của Greenheart Games - studio chỉ bao gồm 2 người, vì vậy chắc chắn họ đang không lấy gì làm vui vẻ sau quyết định của mình.
 
Bi hài nhà phát triển tự tay crack game của mình 4
Tình trạng đáng buồn sau 1 ngày phát hành của Game Dev Tycoon.
 
"Tôi không cảm thấy tức giận vì trước đây, bản thân tôi cũng đã từng chơi game crack, nhưng phần lớn vì khi ấy tìm mua game còn khá khó khăn do hệ thống phân phối toàn cầu còn hạn chế. Tất nhiên đâu đó vẫn có người chơi lậu do thật sự khó khăn trong kinh tế, nhưng đối với những người có đủ khả năng mua game, 8 USD của các bạn thật sự cần cho chúng tôi, cho một phiên bản Game Dev Tycoon hấp dẫn hơn trong tương lai".
 
Bi hài nhà phát triển tự tay crack game của mình 5
Thông điệp Greenheart Games gửi gắm tới người chơi qua quyết định kì quặc này.

 Lời cuối cùng và cũng rất hay của nhà phát triển Greenheart Games là về vấn đề DRM. "thực sự nó chỉ gây ra phiền hà cho những khách hàng chân chính. Game nào rồi cũng bị crack, vì vậy cuối cùng nhà phát triển phải mất thời gian để làm một thứ khiến người chơi khó chịu, trong khi chỉ có tác dụng trì hoãn cái việc đương nhiên sẽ xảy ra.
 
"Nếu bằng cách nào đó khiến những người chơi lậu phải vất vả hơn người mua, có thể họ sẽ chịu bỏ tiền ra. Nhưng tình trạng hiện nay thì ngược lại: khách hàng vật lộn với DRM, yêu cầu internet 24/24 trong khi chơi crack chỉ cần download về và thưởng thức. Thật ngang trái."
 
Sự việc vừa bi, vừa hài này cũng nhắc nhở chúng ta nhìn lại bản thân mình khi thường xuyên chê trách các nhà phát hành/phát triển mỗi khi game ra mắt. Vậy trong năm vừa qua, bạn đã mua được tựa game nào, dù lớn dù nhỏ để góp phần ủng hộ cho họ hay chưa?
 
Xem thêm:

crack