Battlefield Hardline: Chiến trường vẫn nóng bỏng

PSD  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/03/2015 0:00 AM

Việc thay đổi bối cảnh không khiến chiến sự trong Battlefield: Hardline giảm đi gay cấn chút nào, trái lại còn tốc độ hơn bao giờ hết.

Phần chơi đơn trong Battlefield: Hardline thực tế khá hài hước vì những tên tội phạm giống như một lũ vampire nhút nhát luôn sợ hãi cây thánh giá. Chỉ cần rút phù hiệu cảnh sát ra và hét “Đứng yên!” , chúng sẽ đầu hàng bất chấp số lượng gấp 3 lần cảnh sát và được trang bị vũ khí tới tận răng. Ngược lại, kẻ địch sẽ trở nên cực kì hung hãn nếu người chơi không kịp giơ phù hiệu. Tuy nhiên thử thách thực sự đón chờ người chơi nằm ở phần chơi multiplayer, khi sức nóng của Battlefield không hề nguội bớt dù lấy bối cảnh đô thị thay vì chiến trường rộng lớn.

Cấu trúc chia thành từng phần của Battlefield: Hardline không quá lạ lẫm. Mỗi màn bắt đầu bằng những đoạn tóm tắt và giới thiệu trước nội dung, một đặc điểm gợi nhớ đến Alan Wake hay Split/Second. Kết thúc mỗi phần chơi là biểu tượng lấy cảm hứng từ dịch vụ streaming của hãng truyền hình Netflix: đồng hồ đếm ngược tới phần tiếp theo. Tuy nhiên khác với một series phim truyền hình, phần chơi đơn chỉ gồm 10 tập kèm một đoạn mở đầu.

Có thể xếp nội dung của Battlefield: Hardline vào thể loại hành động/ tâm lý, tuy cốt truyện không có gì quá kịch tính. Việc cố gắng xây dựng câu truyện một cách “an toàn” thể hiện rõ ở nhân vật chính Nick Mendoza, một cảnh sát mẫu mực, nghiêm túc, không thể mua chuộc và khá nhàm chán. Nhưng ít nhất phần chơi đơn của Battlefield: Hardline không đơn điệu như Battlefield 3 và 4. Người chơi có nhiều lựa chọn khác nhau, đối đầu trực tiếp những kẻ thù hung hãn rất nguy hiểm, nhưng tấm huy hiệu hùng mạnh lại khuyến khích việc tấn công trực diện.

Ẩn nấp tốt sẽ tạo lợi thế lớn vì một số lính gác không hề di chuyển và dễ dàng trở thành con mồi ngon. Tuy nhiên trừ khi là môn đồ của Solid Snake, người chơi hầu như luôn bị phát hiện và những cuộc đấu súng ác liệt theo phong cách Battlefield sẽ nổ ra. Cách kẻ địch di chuyển dù không hề dễ đoán nhưng không quá hỗn loạn đến mức làm người chơi rối trí. Điểm quan trọng là mỗi màn chơi đều đủ rộng lớn để khuyến khích game thủ thử các hướng tiếp cận khác nhau. Kẻ địch chỉ biết bắn vào vị trí cuối cùng của người chơi, do vậy nếu biết đánh lừa AI và tấn công bất ngờ sẽ cho những kết quả thú vị.

Khoảng một nửa hang ổ tội phạm đều được trang bị hệ thống báo động và quân tiếp viện sẽ tới nếu người chơi bị phát hiện. Những ai không thích các màn đấu súng dài lê thê sẽ muốn ngắt chuông báo động trước. Battlefield Hardlines do đó không chỉ mang phong cách hành động lén lút của Metal Gear Solid, mà còn có thể coi như một phiên bản Farcry 4 được giản lược. Game sở hữu những thành tố cơ bản như khảo sát khu vực, bất hoạt chuông báo động, phát hiện lính gác. Tuy không quá khó khăn, nhưng việc hoàn thành một màn chơi mà không bị phát hiện vẫn mang đến sự thỏa mãn nhất định.

Cùng với tầm nhìn của kẻ địch hiện trên minimap, một vòng tròn sẽ xuất hiện để báo động khi người chơi có nguy cơ bị phát hiện. Tính năng này lẽ ra có thể làm tăng độ gay cấn của game nếu như kẻ địch không quá ngu ngốc. Cần gì phải lén lút khi có thể xông thẳng tới đám tội phạm, giơ phù hiệu cảnh sát lên và thét “Đứng yên!” trước khi chúng kịp định thần?

Có lẽ nhà phát triển muốn phát đi thông điệp rằng hãy kết án tội phạm thay vì bắn giết nên nhân vật nhận được nhiều điểm kinh nghiệm hơn khi sử dụng phù hiệu. Chỉ cần kết án được khoảng hai phần ba nhóm tội phạn trong mỗi màn chơi, nhân vật sẽ nhanh chóng đạt level cao nhất và gần như chả còn lý do để chơi lại campaign lần thứ hai. Dù vậy nhiều người vẫn sẽ muốn quay lại phần chơi đơn để thu thập đủ các “bằng chứng”, vốn có ảnh hưởng tới phần chơi multiplayer.

Trái với quảng cáo của EA rằng Hardline là “Battlefield tốc độ cao nhất”, lái xe trong phần campaign không thực sự được như mong đợi. Những cuộc tẩu thoát ngoạn mục hay truy đuổi gắt gao đều không có gì đáng nhớ, phần lái xe bắn trực thăng trong Battlefield 4 thậm chí còn thú vị hơn. Điều trớ trêu là giây phút hay ho nhất sau tay lái là khi các nhân vật thong thả lái xe chuyện trò với nhau, khoảnh khắc không hề có trong chiến trường của Battlefield 3 và 4.

Vai trò của tốc độ được làm rõ hơn ở phần chơi multiplayer, đặc biệt với hai chế độ Hotwire và Blood Money. Xe cộ trong Battlefield rốt cục cũng có thêm vai trò ngoài phương tiện đi lại và chỗ nấp. Tất nhiên phần multiplayer vẫn không thiếu vắng những chế độ chơi truyền thống là Conquest và Team Deathmatch.

Trong chế độ Hotwire, nhiệm vụ của người chơi là kiểm soát được những chiếc xe, khá giống các event của Driver: San Francisco và Watch Dogs, tuy vậy không thể giấu xe ở đâu đó mà buộc phải di chuyển với tốc độ cao mới ghi được điểm. Nếu chưa quen với bản đồ, người chơi sẽ dễ dàng đi lạc khỏi map và thua cuộc. Khi nắm chắc đường xá hơn, có thể chọn lái vòng quanh rìa bản đồ để giữ được tốc độ cao, nhưng di chuyển theo một đường cố định cũng sẽ khiến người chơi thành mồi ngon cho súng phóng lựu.

Với chế độ Blood Money, mục tiêu của hai phe cảnh và trộm là lấy được tiền giấu ở giữa bản đồ. Vai trò của phương tiện đào tẩu trong chế độ này cực kì quan trọng, chỉ cần một chiếc xe tải chở đầy những tên trộm với bao tải có thể vơ sạch tiền một cách chóng vánh. Blood Money tái hiện rõ không khí khẩn trương trong những vụ cướp ngân hàng, một số thành viên trong nhóm có thể tập trung vào lái xe thay vì lấy tiền để tăng hiệu quả.

Tranh chấp còn căng thẳng hơn ở những map có trực thăng vì tốc độ vận chuyển tiền tăng lên rất nhiều, trừ trường hợp đối phương không có rocket. Blood Money không đơn giản là cuộc thi xem ai lấy được nhiều tiền hơn vì game cho phép tấn công kho tiền đối thủ. Nếu quá chủ quan, người chơi có thể ăn một phát shotgun và bị lột sạch trước khi kịp cất giấu tiền.

Khuyến khích teamwork thay vì thành tích cá nhân luôn là một điểm mạnh của dòng game Battlefield. Những lái xe trợ giúp người chơi khác lấy tiền ghi được số điểm gần tương đương, phần thưởng hiếm thấy cho việc lái một chiếc xe qua lại hai điểm. Những chiếc xe trong Hotwire cũng trụ được lâu hơn nếu có đồng đội trên xe bắn trả những kẻ truy đuổi và sửa chữa hỏng hóc.

Có thể thấy màu sắc của e-sport trong hai chế độ đấu team 5 người của Hardline là Crosshair và Rescue. Cả hai đều không cho phép respawn, do vậy tiêu diệt toàn bộ team đối phương là một cách để chiên thắng. Trong Rescue, phe cảnh sát phải giải cứu 2 con tin, và họ được phép lựa chọn vị trí 2 người này trước mỗi vòng chơi nhằm cân bằng sự bất tương quan về lực lượng hai phe. Phần chơi Crosshair với nhiệm vụ hộ tống nhân chứng cũng có nhiều bất ngờ khi mà nhân chứng cũng có vũ khí và không nhất thiết phải đi cùng cảnh sát.

Trong mỗi chế độ chơi của Battlefield: Hardline, không có chiến thuật nào là tuyệt đối hoàn hảo. Người chơi có thể muốn chờ sẵn tại nơi nhân chứng được chuyển đến trong Crosshair, nhưng như vậy sẽ gây bất lợi cho những đồng đội đang chiến đấu, nhất là khi không được phép respawn. Trong khi đó, Blood Money buộc người chơi phải cân nhắc giữa việc lấy thêm tiền và đối đầu với một loạt kẻ thù đang ập tới.

Trong khi phong cách lén lút được đơn giản hóa cũng như sự ngờ nghệch của kẻ địch khiến cho phần chơi đơn của Battlefield: Hardline trở nên nhàm chán không ngoài dự đoán, phần chơi multiplayer vẫn xứng đáng với vai trò linh hồn của dòng game. Không thiếu những trải nghiệm điên rồ như những bản Battlefield trước, Hardline cho phép người chơi vào vai một tay súng trên trực thăng, rồi sau đó nhảy dù xuống và cướp một chiếc xe. Dù không còn ở Iwo Jiwa hay những mỏ dầu Ả-rập, chất Battlefield vẫn được giữ nguyên.

Theo GameSpot

>> Battlefield: Hardline có nhân vật nữ người Việt Nam