Bạn sẽ phát điên khi chơi tựa game có cách điều khiển cực độc này

HakieS  - Theo Trí Thức Trẻ | 05/03/2016 01:34 PM

Hello, Operator là một tựa game quản lý thời gian giống như Diner Dash hay Tapper, những trò chơi này đòi hỏi người chơi phải làm việc thật sự chuẩn xác và nhanh chóng

Hội nghị dành cho những nhà phát triển game năm 2016 được mang tên alt.ctrl.GDC đã mang đến những phương thức điều khiển, tương tác khác ở trong thế giới game mà trong trong hội nghị này tựa game Hello, Operator của tác giả Mike Lazer-Walker đến từ nhóm Playful Systems chính là tâm điểm.

Hello, Operator là một tựa game quản lý thời gian giống như Diner Dash hay Tapper, những trò chơi này đòi hỏi người chơi phải làm việc thật sự chuẩn xác và nhanh chóng để phục vụ tất cả những người xuất hiện trong game. Điều đáng nói ở Hello, Operator đó chính là việc sử dụng một bản sao của một chiếc điện thoại tổng đài thời xưa.

Và tựa game này đã được chọn để trình chiếu trong hội nghị alt.ctrl.GDC năm nay và tác giả Lazer-Walker cũng bớt chút thời gian của mình để trả lời một vài câu hỏi phỏng vấn về tựa game này.

Vị trí của anh trong dự án này là như thế nào ?

Chào các bạn, tôi là Mike Lazer-Walker và trong dự án Hello, Operator này thì tôi là người đảm nhiệm hầu hết những công việc từ thiết kế cho đến lập trình phần mềm cũng như dành ra hơn 10 tiếng đồng hồ để ngồi hàn những đầu dây nối.

Nói vậy thôi, tất cả những thành viên khác trong dự án đều góp mặt nhất định và tôi cũng rất hân hạnh được làm việc trong một đội ngũ đầy nhiệt huyết và luôn có những ý tưởng thú vị như này, đặc biệt có một vài thành viên luôn có những phát minh thú vị trong thời gian dự án hoạt động và tôi rất vui khi có thể thêm được những điều thú vị đó vào trong sản phẩm của mình.

Vậy anh sẽ diễn tả chiếc điều khiển độc đáo của mình thế nào với những người chưa từng biết đến nó ?

Nó là một chiếc điện thoại tổng đài thời xưa mà bạn sẽ phải dùng dây cáp audio để kết nối mọi người lại với nhau, nó chỉ đơn giản là như vậy thôi.

Anh bắt đầu công việc làm game này từ khi nào ?

Ngay từ nhỏ, tôi đã dành sự quan tâm đặc biệt dành cho những tựa game và có rất nhiều những tựa game nhỏ nhỏ như Words With Friends hay những game indie mà tôi đã làm ngay từ lúc còn trẻ. Khoảng một vài năm sau đó thì tôi chuyển sang nghiên cứu về các tựa game liên quan đến tương tác nhiều hơn.

Hiện tại thì tôi đang là thành viên của MIT Media Lab, nhóm nghiên cứu Playful Systems.

Những công cụ hỗ trợ nào giúp anh hoàn thiện tựa game Hello, Operator ?

Đối mặt với phần cứng là một trong những thử thách với những người làm game như tôi, ở dự án này thì chúng tôi đã dành ra một khoảng thời gian khá dài để tự làm một bộ phần mềm có thể kết nối được giữa bàn điều khiển với trò chơi.

Nói về chiếc điện thoại tổng đài, anh đã sử dụng những vật liệu gì để chế tạo ra nó ?

Chiếc điện thoại tổng đài, hay là chiếc bàn điều khiển của tựa game này có hai phiên bản nhất định. Phiên bản đầu tiên được chúng tôi chế tạo bằng gỗ ép và sắt CNC, trên đó cũng có đầy đủ các jack audio, đèn LED cũng như các công tắc.

Sau đó, ở phiên bản tiếp theo thì tôi đã rất may mắn khi tìm được một chiếc điện thoại tổng đài xịn của năm 1927 trên eBay. Tên đầy đủ của nó là Western Electric 551-A, được sử dụng ở Mead Paper Mill (Chillicothe, Ohio) vào khoảng những năm 1966. Thật khó tin khi một chiếc máy này có thể tồn tại nguyên vẹn trong vòng 40 năm và khó tin hơn nữa là nó vẫn có thể hoạt động đến ngày nay. Và điều mà nhóm dự án cần làm đó chính là thay thế một vài linh kiện bên trong chiếc máy cổ xưa này và kết nối với tựa game Hello, Operator mà thôi. Thêm vào đó, chúng tôi vẫn sử dụng những dây cắm nguyên bản của chiếc máy này, chúng thật sự rất ổn.

Anh đã dành bao nhiêu thời gian cho dự án này?

Tôi bắt đầu từ khoảng cuối tháng 12 năm ngoái, thời điểm mà tựa game bắt đầu hình thành được nền móng của nó.

Làm thế nào mà anh lại có những ý tưởng như tựa game Hello, Operator?

Cũng ở hội nghị alt.ctrl.GDC năm ngoái, tôi có trình chiếu về tựa game “What Hath God Wrought?” đây là một tựa game sử dụng mã Morse để gửi và nhận tin nhắn sử dụng một chiếc máy của thế kỷ thứ 19, vâng chính xác là y hệt chiếc máy truyền tin của thế kỷ thứ 19.

Thật sự mà nói thì tôi khá ấn tượng với những công nghệ đã cũ kỹ ngày xưa. Cũng giống với cách mà máy tính, điện thoại sử dụng ngày nay thì những chiếc tổng đài cũ kỹ ngày xưa cũng được sử dụng để truyền tin cũng như giao tiếp. Và chỉ khoảng 100 năm trở lại đây thôi, chúng hoàn toàn bị biến mất khỏi thế giới và những người trẻ không ai biết đến sự tồn tại của chúng.

Kể từ khi tìm hiểu những công nghệ này, tôi nhận ra rằng ngay từ thời xưa, chính xác hơn là những năm của thế kỷ 19 thì hệ thống tổng đài đã có cái gọi là “chat room”, phản ánh một cách khá tương đồng với Internet ngày nay. Để nói về những điều này có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng với cá nhân tôi thì việc tìm hiểu và hiểu rõ về những chiếc máy móc này là một điều vô giá và vô cùng thú vị.

Anh nghĩ thế nào về việc những giao diện tương tác hay những chiếc điều khiển sẽ thay đổi trong vòng 5 đến 10 năm tới?

Sẽ là một sự thay đổi rất lớn trong vòng 5 đến 10 năm tới khi mà những công nghệ tiên tiến như VR, AR xuất hiện. Và theo quan điểm của tôi thì sẽ không còn những chiếc tay cầm quá nặng nề, thay vào đó những nhà phát triển sẽ tập trung vào việc sử dụng cử động của con người, hay nói cách khác đó là việc cảm biến chuyển động sẽ được sử dụng nhiều hơn. Và tôi cũng sẽ hy vọng ở những hội chợ như alt.ctrl.GDC các năm tới sẽ có sự xuất hiện của một vài sản phẩm sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất vì điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho những nhà phát triển game khác nghĩ ra những ý tưởng mới dành cho dự án của mình.