Băn khoăn chuyện game khó game dễ

Truật Xích  | 24/02/2011 05:00 PM

Đừng vội chê trách một tựa game vì nó quá khó hay quá dễ, đó có thể là vì game đó không dành cho bạn.

Mở đầu là câu truyện của một game thủ vừa chơi qua tựa game Football Manager. Anh ấy than phiền rằng đội Chelsea của mình chỉ biết đến chiến thắng, dường như tựa game đã hoàn toàn thất bại trong việc xây dựng độ khó. Thế nhưng, với một người bạn khác thì Football Manager thực sự là một thử thách, anh ấy thừa nhận rằng mình không thể làm gì được trước đội bóng đối phương. 

Không đủ tài để quản lý được cả đội bóng vận hành một cách trơn tru như anh bạn thành công đã đề cập trước đó. Độ khó của một tựa game, chính ra lại là một khái niệm không tuyệt đối. Với người này thì game rất dễ nhưng với người kia, đó lại là cả một vấn đề.
 
 
Chính từ điều này, các nhà làm game phải luôn tự đặt cho mình một câu hỏi: Liệu mình làm game như thế này đã đủ khó hay chưa nhỉ? Nhưng thực ra, chìa khóa để xây dựng được một tựa game thành công mà không bị chê trách là “khó quá” hay “dễ quá” thực chất là điều không tưởng.
 
Thế nên đa phần các hãng phát triển đều chọn giải pháp an toàn: Chia game làm các độ khó khác nhau. Thử tưởng tượng nếu như một người lần đầu chơi Diablo mà đã bước vào cấp độ Hell, cho dù đã có đủ vũ khí của Nightmare đi chăng nữa thì chẳng mấy chốc mà họ sẽ hoàn toàn bị “ngợp” trước vòng vây quái vật.
 
Cách thứ hai được các nhà làm game thích sử dụng đó là hệ thống lên cấp dần dần về độ khó. Nếu như các cấp độ đầu tiên, game thường chỉ yêu cầu người chơi thực hiện những chiêu thức đơn giản, những màn giải đố dành cho trẻ em 8 tuổi… để rồi sau đó, càng ngày càng tăng cấp.
 
Mục đích của việc này không chỉ nằm ngoài tác dụng khiến người chơi không bị “dội” ngay khi bước vào game mà còn từ từ giúp họ nâng cao kỹ năng trong quá trình chơi, từ đó đủ sức đối đầu với các chướng ngại vật khó khăn tiếp theo. Tuy vậy trên lý thuyết xây dựng được những game như thế cực kỳ mất thời gian và công sức.
 
 
Cha đẻ của Super Mario Bros, ngài Shigeru Miyamoto từng nói rằng tựa game của ông hoàn toàn có thể khó đến cái mức mà người ta sẽ gào lên đòi hỏi rằng phải có thêm chế độ… tự chơi. Thế nhưng ông lại không làm điều đó, để rồi một bé gái 10 tuổi cũng có thể “phá đảo” Mario một cách dễ dàng chỉ sau 2,3 lần thử. Nếu là các game khác, ắt hẳn đã phải mang tiếng “game dễ chỉ dành cho trẻ con” và thất bại thảm hại.
 
Thực tế thì Mario đã có tuổi đời gần 30 năm, khiến cho Nintendo lưu danh sử sách làng game và thu lại hàng tấn ngoại tệ cho ngài Miyamoto. Tại sao lại như vậy?
 
Vì một lẽ đơn giản, Super Mario Bros đánh trúng đối tượng muốn chơi và muốn cảm nhận nó, chứ không phải hướng về tất cả thế giới game thủ. Những game thủ casual đâu có thể bỏ ra hàng giờ đồng hồ ngồi “thiền” bên máy tính để giải quyết toàn bộ màn chơi “khó khủng khiếp”. Lao vào đánh – mắc sai lầm – chết – quay lại điểm xuất phát, vòng quay tuần hoàn liên miên ấy chỉ dành cho những game thủ hardcore.
 
Đa phần người ta sẽ phát ngán khi cứ phải làm đi làm lại điều đó. Cái họ - những game thủ bình thường ham muốn là sự giải trí, thoải mái khi chơi game và Mario đã cung cấp cho họ điều đó mà không cần phải trở thành một chướng ngại vật bất khả thi.
 
 
Blizzard, một nhà phát triển – phát hành game tất nhiên là quá thừa kinh nghiệm để hiểu rõ được điều này. Game của họ hướng tới nhiều đối tượng game thủ hơn, từ những cậu bé tuổi còn đang đi học đến những gã suốt ngày cắm mặt vào máy tính. Chính vì thế từ Diablo, WarCraft, StarCraft trở đi, game nào của Blizzard cũng có chia cấp độ khó rõ ràng. Đến ngay cả World of WarCraft cũng vậy. Thử hỏi bao nhiêu phần trăm game thủ trên thế giới này có thể hạ được Kil’Jaeden thời Burning Crusade

Cực kỳ ít, có thể đếm bằng 0,01%. Chính vì thế Burning Crusade có thể coi là thành công với các fan gạo cội nhưng với số đông cộng đồng game thủ, đặc biệt là những game thủ casual, nó là nỗi thất bại. Người ta muốn thưởng thức nhiều hơn thế, muốn được “hoàn thành game”, biết được kết cục của nó chứ không phải muốn lao đầu vào cái khó. Hiểu được điều này, Wrath of the Lich KingCataclysm đã thêm vào mức độ khó Heroic bên cạnh Normal Mode.
 
 
Thế nên, đừng vội chê trách một tựa game nào đó vì nó “quá khó” hay “quá dễ”. Nếu nó không cho phép lựa chọn cấp độ khó hay không có hệ thống tăng dần mức độ vất vả thì đó là do bạn đã chọn nhầm game. Những nhà thiết kế game kiểu như vậy thường không có nhiều vốn đầu tư để có thể hướng tới đông đảo cộng đồng game thủ và tốt nhất là bạn nên thông cảm cho họ.