8 tựa game mà cái chết vẫn còn đáng sợ (Phần cuối)

PSD  - Theo Trí Thức Trẻ | 19/06/2015 0:00 AM

Ở những tựa game này, chết không đơn giản là ngồi chờ nhân vật respawn và đi lại quãng đường trước đó.

Call of Duty Zombie

Sức bền của sợi xích là sức bền của mắt xích yếu nhất. Đây là câu châm ngôn phù hợp nhất với Call of Duty Zombie, nơi mà sức mạnh của cả team phụ thuộc và sức mạnh của từng thành viên. Nhờ kết hợp khéo léo giữa cơ chế lên level và tăng độ khó màn chơi, một team sống sót càng lâu sẽ phải đối mặt với những thử thách khó nhằn hơn, đồng thời các thành viên cũng trở nên mạnh hơn.

Mọi thứ có vẻ diễn biến một cách tự nhiên và hợp lý, ngoại trừ việc nếu một người chẳng may bị giết, anh ta sẽ hồi sinh với khả năng chiến đấu gần như con số 0. Nếu việc này xảy ra ở những màn chơi cuối, cả đội sẽ phải vác thêm một bị thịt và nhanh chóng đi tới thua cuộc. Do vậy hãy để mắt tới những người đồng đội của bạn, dù chơi dở đến đâu nhưng nếu họ mất mạng, mọi chuyện sẽ tệ hơn rất nhiều.

XCOM: Enemy Unknown

Mất đi một chiến binh kì cựu trong XCOM là một trải nghiệm đau đớn theo hai cách khác nhau. Đầu tiên là nỗi đau về mặt cảm xúc khi chứng kiến một cách vô vọng sự ra đi của nhân vật bạn đã huấn luyện, trang bị và điều khiển qua bao nhiệm vụ. Người anh hùng nhỏ bé đó dù không cất tiếng nói bao giờ, nhưng những đoạn hội thoại tưởng tượng trong đầu của bạn có thể khiến anh ta trở nên chân thật và gắn bó hơn bất kì nhân vật game “chính thống” nào.

Tuy nhiên cái chết còn là một thiệt hại lớn về gameplay. Nếu một người lính kì cựu phải hy sinh thì nguyên nhân có lẽ bởi game đã khó lên rất nhiều, và đồng thời việc anh ta vắng mặt sẽ càng khiến game khó hơn nữa. Tất nhiên người chơi có thể thay thế nhân vật bị chết, nhưng một tay lính mới liệu có bao nhiêu cơ hội trong màn chơi mà nhân vật xuất sắc nhất cũng phải gục ngã? Hãy hy vọng anh ta sống sót được đủ lâu để chứng tỏ bản thân và trở thành người hùng mới.

Fire Emble: Awakening

Cái giá phải trả cho mạng sống trong Fire Emble: Awakening còn cao hơn XCOM rất nhiều lần. Nếu muốn thưởng thức game một cách trọn vẹn, hãy chơi game ở chế độ “Classic”, chế độ mà nhân vật chỉ chết một lần và mãi mãi. Tệ hơn là một nhân vật thường chỉ bỏ mạng sau khi người chơi đã tiêu tốn rất nhiều thời gian cày level, trang bị đồ và trở thành một phần thiết yếu của đội hình.

Mất mát về mặt tinh thần lớn hơn nhiều so với việc mất đi một nhân vật vô hồn và câm lặng như trong XCOM. Mỗi nhân vật trong Fire Emblem đều có những đoạn hội thoại dài hàng tiếng đồng hồ, những hướng đi riêng biệt trong cốt truyện tùy theo quan hệ với những nhân vật khác. Đằng sau những cái chết vĩnh viễn đó là những người vợ, người chồng và con cái, những đứa trẻ đáng thương sẽ phải tham gia cuộc chiến đã lấy đi tính mạng của cha mẹ mình.

DayZ

Có rất nhiều cách giúp game kinh dị mang tới sự rùng rợn thật sự cho người chơi, một trong số đó là khiến cái chết trở nên thật sự nghiêm túc. Hãy nhớ lại một bộ phim kinh dị đáng sợ nhất bạn từng xem, tưởng tượng một nhân vật bị thứ gì đó vồ lấy trong căn phòng tối, sau đó hồi sinh và thoát chết một cách dễ dàng, vậy còn gì là kinh dị nữa?

Với DayZ, mọi thứ được xây dựng xung quanh ý tưởng chết là hết. Người chơi chỉ có một nhân vật duy nhất để điều khiển trong hành trình gian khổ qua vùng đất hoang vu. Nhân vật sẽ mạnh dần lên nhờ tìm kiếm vũ khí và trang bị mới; nhưng một khi anh ta chết, bạn sẽ phải bắt đầu lại new game tại một địa điểm hoàn toàn mới. Điều này không chỉ khiến cái chết trở nên đáng sợ mà còn làm cho trải nghiệm của mỗi lần chơi trở thành độc nhất. Hãy cân nhắc cẩn thận mọi hành động trong DayZ, vì nhân vật của bạn chỉ có một mạng sống duy nhất và câu chuyện của anh ta chỉ diễn ra trong đúng lần chơi này mà thôi.

>> 8 tựa game mà cái chết vẫn còn đáng sợ