CHUYÊN TRANG VỀ CALL OF DUTY TRÊN GAMEK.VN
TỰA GAME ĐÃ VÀ ĐANG GÂY SỐT TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
Grand Theft Auto V hiện tại được xem là game đắt đỏ nhất từng được tạo ra. Phải mất một đội ngũ hàng trăm người làm việc cật lực trong 5 năm, chưa kể hàng triệu đô la chi phí quảng cáo. May mắn thay, thành công của game cũng rất tương xứng với chi phí được bỏ ra - GTA V đứng đầu trên mọi bảng xếp hạng, và phá mọi kỉ lục doanh thu đã từng được lập ra trong lịch sử.
Thế nhưng, cuộc đời không phải bao giờ cũng một màu hồng. Không phải tự dưng mà trong những năm qua, có rất nhiều game studio đã bị phá sản: THQ, Hudson Soft, Zipper Interactive, 38 Studios... Không ít trò chơi tuy tiêu tốn chi phí rất lớn để phát triển nhưng chất lượng lại cực kì tệ hại hoặc không tưng xứng với khoản đầu tư đã được bỏ ra.
Sau đây là danh sách một vài game tiêu biểu cho sự mất cân bằng trầm trọng giữa chi phí và chất lượng này. Danh sách này sẽ không có cái tên Call of Duty quen thuộc. Không phải bởi vì game này không tệ, mà vì thông tin về chi phí phát triển của game được bảo mật ngang tầm với bí mật quốc gia. Dù sao thì với sức mạnh của "Ctrl+V" trong những phiên bản gần đây thì chắc hẳn khoản phí này cũng không đến nỗi quá cao.
Enter the Matrix (2003)
Chi phí ước tính: $20,000,000
Tuyệt vời, một tựa game về Ma Trận. Bạn đã cực kì ấn tượng với siêu phẩm điện ảnh bom tấn này, và cuối cùng cơ hội để tự tay điều khiển siêu nhân Neo lạnh lùng hạ gục cả trăm tên nhân bản mặc đồ vest, dùng tay chặn đạn dừng lại trong không khí đã tới. Khoan đã, nhân vật chính không phải là Neo sao, vậy thì là ai? là vợ của Will Smith á!?
Nghĩ kĩ lại, có thể mọi chuyện cũng không đến nỗi quá tệ. Cô nàng này cũng là một nhân vật khá năng động và thực hiện những pha kung fu như trong phim cũng là một việc đầy thú vị, với điều kiện Animation của game không tệ hại tới mức khiến các nhân vật múa may y như những con rối vô hồn. Nhạc nền thì tẻ nhạt, tông màu game xám xịt và gameplay lặp đi lặp lại khiến người chơi thậm chí muốn nổi điên. Chơi game này một thời gian, bạn sẽ có cảm giác thà nhân vật nên chọn viên thuốc màu xanh và chẳng bao giờ tỉnh lại còn hơn.
Beyond: Two Souls (2013)
Chi phí ước tính: $27,000,000
Nhìn vào tổng chi phí cho game, bạn có thể tưởng tượng rằng một phần lớn trong số tiền khổng lồ này sẽ dành để trả lương cho cô nàng Ellen Page và số còn lại dành hết cho Willem Dafoe bởi vì khi chơi game, bạn khó có thể cho rằng nhà phát triển để dành chút kinh phí nào cho việc chăm chút game.
Trong Beyond: Two Souls, bạn sẽ vào vai Jodie. Cô nàng này có người bạn đồng hành là một hồn ma (tên Aiden). Hồn ma này lúc nào cũng quanh quẩn xung quanh, xem cô tắm và phá đám những cuộc hẹn hò của cô. Dafoe đóng vai một nhân vật làm việc cho một tổ chức có tên US Department of Paranormal Activity, và đã theo dõi cô nàng trong một thời gian dài. Sau đó Ellen Page gia nhập CIA, rồi trở nên vô gia cư. Sau đó cô đến Somalia, một vùng đất bị chiến tranh tàn phá, rồi cuối cùng lại trở thành một cô bé teen điển hình.
Rất rắc rối đúng không? Đó chỉ là sơ qua về những tình tiết lộn xộn trong game mà nhà phát triển cố gắng nhồi nhét vào đầu của người chơi. Nhà phát triển có lẽ còn tiết kiệm được một khoản kha khá trong một mảng khác của game, đó chính là bố trí các hành động của nhân vật vào nút bấm trên controller. Bạn sẽ phải ném chiếc controller trong bực bội chỉ sau vài tiếng chơi game vì chế độ điều khiển quá khó chịu của game.
L.A. Noire (2011)
Chi phí ước tính: $50,000,000
Trong L.A. Noire, có lẽ 49,999,999 USD trong số 50 triệu ở trên là dành để phát triển các animation trên khuôn mặt nhân vật. Phải nói là cảm xúc các nhân vật trong game được thể hiện rất chân thật. Nên nhớ rằng đây là một game đã 3 năm tuổi và được phát triển trên những console thế hệ trước, thế nhưng cho đến tận bây giờ, hiếm có game nào có thể so sánh với L.A. Noire về mặt này.
Ngoài ra, những phần đồ họa khác của game cũng được thực hiện rất tốt. Game đã dựng lại một cách hoàn hảo một California vào thời kì đen tối và hỗn loạn ở những năm 40. Thế nhưng, những nhà phát triển có lẽ đã quá tập trung vào phát triển đồ họa mà “bỏ quên” mất những phần khác của L.A. Noire. Trong L.A. Noire, bạn sẽ chơi trong vai một nhân viên cảnh sát làm việc tại Sở Cảnh sát L.A, từng bước tìm cách thăng cấp – cũng như đi vòng vòng xung quanh thành phố để làm nhiệm vụ. Nghe có vẻ rất thú vị, nhưng trong thực tế, hầu như tất cả những gì bạn có thể làm chỉ là “point and click”.
Game giống như một phiên bản Grand Theft Auto nhưng "êm đềm" hơn nhiều. Cũng có người cho rằng điều này cần thiết cho bối cảnh của game, nhưng cuối cùng cái bối cảnh đó lại bị phá tan ở cuối game khi bạn phải lần mò trong hệ thống cống ngầm của thành phố để truy tìm một tên tâm thần, trên tay là một khẩu súng phun lửa. Công bằng thì L.A Noire là một tựa game rất hay, nhưng với mức đầu tư khổng lồ nói trên đáng ra Rockstar Games đã có thể gặt hái về nhiều hơn.
All Point Bullentin (2010)
Chi phí ước tính: $50,000,000
APB có chi phí phát triển bằng với L.A. Noire, và nhà phát triển Scotland Realtime World đã phải phá sản sau khi hoàn thành game này. Điều tệ nhất là, trong khi L.A. Noire còn có thể dùng số tiền khổng lồ để tạo ra nhiều ưu điểm nổi trội thì APB dường như chẳng làm được gì cả.
Bạn cứ tưởng tượng APB giống như sản phẩm dập khuôn Grand Theft Auto với chất lượng tệ hơn rất nhiều. Một game sandbox nhàm chán, trống rỗng, chỉ có lưa thưa vài người chơi khác chạy lang thang không mục đích trong game. Chỉ đơn giản là chạy, vì thậm chí còn không bắn giết được gì cả. Nếu không đang thực hiện một “nhiệm vụ” trong game, bạn mặc dù có thể rút súng và bắn, nhưng viên đạn sẽ xuyên thẳng qua kẻ địch mà không gây bất cứ thiệt hại gì. Trong trường hợp này, điều tệ hại nhất bạn có thể tạo ra cho đối thủ là nhấn enter và chửi xối xả một tràng.
Đáng buồn cười hơn, Realtime Worlds còn đặt ra quyết định “cấm vận” các bài review cho đến thời điểm 1 tuần sau khi game được phát hành. Rõ ràng, điều này cho thấy chính họ cũng nhận ra game do chính mình tạo ra tệ hại đến mức nào.
Too Human (2008)
Chi phí ước tính: $60,000,000
Nhiều người có lẽ sẽ bất ngờ khi biết Too Human tiêu tốn đến 60 triệu đô la để phát triển. Thế nhưng, với những ai đã theo dõi quá trình phát triển của game, điều này có vẻ cũng khá dễ hiểu: Khoản chi phí đó là dùng để thiết kế đi thiết kế lại ảnh bìa của game.
Too Human được công bố lần đầu tiên vào năm 1999 dành cho PlayStation. Sau đó game được phát triển trong một khoảng thời gian đằng đẵng gần 10 năm. PlayStation 1, 2 và 3 cứ thế mà đến rồi đi, và cuối cùng game cũng được tung ra trên... Xbox360, kèm theo đó là hàng trăm bức ảnh bìa được thiết kế rồi bỏ. Thử nghĩ mà xem, tốn biết bao nhiêu là mực in chứ!
Còn về nội dung, Too Human là một game RPG khá tầm thường cũng chỉ dừng lại ở mức bản sao của Diablo. Bạn chạy lòng vòng, chặt chém và bắn, tìm kiếm item và loot để nâng cấp khả năng chặt chém và bắn của mình. Và sau đó... À không chỉ đến thế thôi.
Crysis 3 (2013)
Chi phí ước tính: $66,000,000
Chắc cũng không cần phải nói quá nhiều về game này, một trò chơi với yêu cầu cấu hình siêu khủng mà chỉ những ai có sự đầu tư nhất định mới có thể chơi được. Nhưng thật sự có cần thiết như vậy không? Đồ họa có phải là tất cả không? Dù sao thì Crysis 3 cũng thiết lập được một tiêu chuẩn benchmark riêng của mình, và câu “liệu nó có thể chạy Crysis ?” trở thành một tiêu chuẩn đánh giá sức mạnh của những cỗ máy chơi game.
Sau đó trò chơi gây bất ngờ khá lớn khi quyết định tiến vào thị trường console. Liệu Xbox360 có thể chạy được Crysis 3? Kết quả có vẻ không được ổn cho lắm. Game nhiều bug và có chất lượng đồ họa kém hơn trên PC nhiều, và những tín đồ cuồng tín của PC tỏ ra rất bực bội vì game cục cưng của mình lại bị hạ cấp xuống cho đám console tầm thường sử dụng.
Với yêu cầu cấu hình của game, có lẽ chỉ có những tay game thủ nhà giàu mới có thể chơi max setting và khi đó giá trị của 66 triệu đô la mới được thể hiện rõ ràng. Về nội dung, game có bối cảnh New York với phong cách I Am Legend khá tuyệt vời, và sẽ tuyệt vời hơn nhiều nếu game chỉ dừng lại ở mức độ trình diễn chất lượng đồ họa bởi ngoài ra chẳng có chút gì đọng lại trong đầu người chơi sau khi họ hoàn thành tựa game có thời lượng cũng rất khiêm tốn này cả.
Disney Infinity (2013)
Chi phí ước tính: $100,000,000
Disney Infinity có vẻ ngoài khá bắt mắt và nắm bắt được cái "hồn" của Disney một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, những điều này sẽ rất nhanh chóng trở nên bị cạn kiệt, và khi đó, game sẽ chẳng còn lại gì nhiều. Trong game bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ đóng vai các nhân vật rất cute xuất hiện trong những phim của Disney/Pixar, và đi lòng vòng thưởng thức những tình tiết có liên quan đến những bộ phim đó, chỉ vậy thôi. Giá như Disney phát hành thêm những bản DLC cho những bộ phim trong tương lai nữa thì thật tuyệt (hoặc không).
Thực sự thì rất khó có thể hiểu được lí do Disney Infinity có giá trị đến 100 triệu đô la, bởi vì về gameplay, game chỉ là một dạnh platformer khá bình thường, không khác với Spyro The Dragon hay những game vui nhộn dành cho trẻ em khác là mấy. Phải chăng Avalance Software bị buộc phải mua bản quyền riêng lẻ cho từng nhân vật từ Pixar, tầm khoảng 5 triệu đô 1 nhân vật? Và nêu như bạn nghĩ rằng: "Pixar? Làm sao họ có thể tạo ra thứ gì tồi tệ đến vậy được? Họ là những thiên tài" thì xin hãy nhớ đến Cars 2, một thất bại nặng nề khác của hãng này.