7 kiểu xúc phạm trí thông minh của game thủ

F.F Chocobo  - Theo Trí Thức Trẻ | 04/02/2015 0:00 AM

Các tựa game ngày nay bất chấp độ tuổi đều đang đối xử với người chơi không khác nào trẻ lên ba vậy.

Chắc hẳn không ai trong chúng ta muốn được người khác dắt tay mỗi lần qua đường, cài hộ dây bảo hiểm trên máy bay hay cho ăn bằng thìa, trừ những em chã. Mặc dầu những hành vi chiều chuộng đó khó có thể tưởng tượng được ngoài đời thực nhưng rất nhiều game đang đối xử với game thủ như những kẻ có vấn đề về trí thông minh.

Có một lý do đơn giản khiến những game như Dark Souls hay Don’t Starve hấp dẫn đến thế - người chơi phải tự tìm cách để sinh tồn mà không có con đường nào được vẽ ra từ trước. Nhưng buồn thay nhiều game dẫn dắt người chơi cứ như thể họ chưa từng sử dụng controller vậy. Sau đây hãy ta cùng tìm hiểu những cách tệ nhất mà game đánh giá thấp người chơi.

7. Khuyên người chơi giảm độ khó

Bị kẹt suốt 45 phút trong một trận đấu boss có lẽ vẫn chưa đủ, những nhà làm game sẵn sàng làm mọi chuyện tệ hơn với một nhận xét đầy khinh thường: “Thử thách này có vẻ quá khó với bạn, tuy nhiên xin đừng vứt đĩa game đi vội! Chúng tôi muốn nhắc rằng bạn có thể chuyển độ khó về mức ‘Easy’, và bạn sẽ không phải làm một kẻ thất bạn nữa.

Dù không phải mọi game đều cho phép điều chỉnh độ khó sau khi game bắt đầu nhưng tốt hơn hết là bạn nên tự mình kiểm tra menu cài đặt thay vì chờ một gợi ý như trên hiện ra.

6. Những điểm yếu lộ liễu

Boss thật sự là những nạn nhân của tạo hóa. Thay vì những cơ chế ngụy trang để che giấu điểm yếu của mình, cơ thể những sinh vật này lại có những chỉ điểm để hướng dẫn cách giết chúng. Những vùng yếu nhất đều mang màu sắc rực rỡ và thu hút sự chú ý, cứ như thế một gã mặc áo phông có chữ “Đá tôi đi” kèm theo một mũi tên gắn đèn nhấp nháy chỉ vào giữa háng.

Sự thực là không ai muốn boss như những miếng bọt biển, tức là bắn vào mà chả có phản ứng gì. Nhưng đừng biến chúng thành những mục tiêu quá ngu ngốc mà hãy để người chơi tự tìm cách chiến đấu. Không có những “hồng tâm” khổng lồ không có nghĩa là người chơi sẽ bắn lung tung lên trần nhà hay vào đồng đội.

5. Thúc giục người chơi

Xông lên nào, chiến sĩ! Phần chơi này, vốn dĩ được thiết như một đoạn phim cắt cảnh, yêu cầu anh phải luôn khẩn trương! Tôi không cần anh tận hưởng những khung cảnh đã ngốn hàng trăm ngàn đô la để dựng lên, vì vụ nổ không thể xảy ra cho tới khi anh đứng vào đúng chỗ này! Đừng nghĩ tới việc dò tìm đồ ẩn trong những ngóc ngách, vì tôi sẽ kêu gào cho tới khi anh đứng vào đây mới thôi.

Không có gì xấu khi làm ra những đoạn hội thoại để thúc giục những người chơi lề mề hoặc quên không ấn “Pause” khi đi vệ sinh. Nhưng chi tiết nhỏ nhặt này trở nên phiền toái khi chúng cứ liên tục lải nhải bên tai. Nếu không cho muốn người chơi đi theo nhịp độ của riêng mình, thì việc gì phải cho họ quyền điều khiển nữa chứ?

4. Giải thích những chức năng căn bản

Những đoạn hướng dẫn ngắn là cần thiết khi người chơi nhặt được một vũ khí mới hay điều khiển một phương tiện không quen thuộc. Tuy nhiên những thông tin như “Núp sau tường để tránh bị bắn” hoàn toàn vô dụng; cũng như không ai cần được nhắc mới biết những item có chữ thập màu xanh khổng lồ là đồ hồi máu.

Học tập qua thử nghiệm và sai sót không phải lúc nào cũng hay, tuy nhiên đa số trường hợp tốt nhất là để người chơi tự tìm hiểu. Nếu muốn nói lên tầm quan trọng của một cú nhảy đôi, hãy bắt người chơi phải vượt qua một chướng ngại vật lớn thay vì dùng hai đoạn văn để giải thích.

3. Camera xoay đúng hướng cần đi

Người chơi vừa đặt chân vào một khu vực mới, và ngay lập tức camera tự động xoay về phía đường ra. Nhìn ngắm xung quanh cũng không hại gì, nhưng sau khi chỉ vào cánh cổng lớn, camera lại tự quay sang cái cần gạt sáng lóa cạnh đó. Game này, nếu mi có thể tự động làm mọi việc, thì hãy tự chơi nốt đi trong khi ta đi làm việc khác nhé?

Một lần nữa, tốt nhất hãy để người chơi tự mình khám phá, vì một khi bị bắt phải nhìn theo lối đi nhà sản xuất vạch ra, mọi sự thú vị sẽ tan biến. Một cái nhìn lướt qua về bố trí màn chơi thì không hại gì, nhưng để camera lướt qua hết lối đi sẽ giết chết mọi hứng thú, đặc biệt nếu màn chơi vốn dĩ được thiết kế một cách tuyến tính.

2. Nhắc người chơi nghỉ ngơi

Một số game liên tục hiện ra những dòng thông báo khuyên người chơi phải người chơi nghỉ ngơi, bất chấp việc họ liên tục ấn nút skip hội thoại một cách chán nản. Chơi game liên tục trong thời gian dài chắc chắn có hại cho sức khỏe, tuy nhiên không có gì sai nếu muốn dành cả ngày thứ 7 để cày game sau một tuần bận bịu không có thời gian rảnh. Thay vì gây khó chịu bằng những lời nhắc nhở đầy “thiện chí”, nhà làm game nên thiết kế một cơ chế khiến game tự thóat nếu bị chơi quá lâu thì hơn.

1. Ra lệnh cho người chơi nên cảm thấy thế nào

Là những sinh vật có tình cảm và trí thông minh, loài người có thể cảm nhận những chi tiết tinh tế trong giao tiếp xã hội và có phản ứng thích hợp. Cách dẫn truyện tốt lợi dụng đặc điểm này để khơi gợi cảm xúc người chơi qua nhạc nền hay cử chỉ, nét mắt, và giọng điệu nhân vật. Những kẻ vụng về không biết cách truyền đạt cảm xúc thì chỉ cho bạn biết nên cảm thấy ra sao bằng những tấm bảng nhắc lời khổng lồ.

Một màn độc thoại nội tâm của nhân vật chính hay việc yêu cầu người chơi “Ấn F để biểu hiện sự tôn trọng” là những cách để nói rằng người chơi quá ngu ngốc để nhận ra phải cảm nhận ra sao trong những tình huống như thế. Thay vì khiến bạn quan tâm hơn về nhân vật và tình huống thông qua trải nghiệm bản thân, những cảm xúc bị ép buộc đó chỉ khiến game trở nên nực cười mà thôi. Đây là sự sỉ nhục lớn nhất đến trí tuệ người chơi, vì dù có chơi kém tới đâu, ai cũng có thể nhận ra một cốt truyệt được dẫn dắt tốt hoặc kém.

>> Những cách tự "hành xác" do game thủ sáng chế