Một sản phẩm game thường trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau trong thời gian một đến nhiều năm, từ khâu lên ý tưởng, phát triển cho tới hoàn thiện. Nhưng trong thế giới game luôn biến động và chuyển mình hiện nay, những khó khăn và các thay đổi bất ngờ luôn đòi hỏi những nhà làm game phải thích ứng, biến chuyển đứa con của mình thành một sản phẩm khác hoàn toàn so với ý tưởng ban đầu. Những điều này có thể đã hoặc chưa từng được biết tới bởi người hâm mộ vì sự hạn chế thông tin mà nhà phát hành đưa ra. Sau đây chúng ta cũng đến với những trường hợp đặc biệt như vậy trong thế giới game.
Zombie U ban đầu là Killer Freaks from Outer Space
Các bạn có thể đã từng hoặc chưa biết cái tên “Killer Freaks from Outer Space” – một cái tên khá dài và lạ cho một tựa game. Trở lại với thời điểm E3 2011, khi lần đầu tiên Nintendo tiết lộ dự án Café mà sau này trở thành Wii U, có một sản phẩm gây được nhiều sự chú ý hơn cả mang tên Killer Freak from Outer Space được giới thiệu. Killer Freaks from Outer Space là tựa game đưa người chơi theo hướng bắn súng góc nhìn người thứ nhất với bối cảnh các sinh vật ngoài hành tinh xâm lược Trái Đất.
Bối cảnh này thực tế ban đầu được dự định xoay quanh các chú thỏ điên Rabbid nổi tiếng của Ubisoft nhưng vì các lý do khác nhau mà được thay đổi thành các sinh vật ngoài hành tinh sau đó. Nhưng một năm sau kể từ ngày được giới thiệu, Killer Freaks bỗng dưng biến mất dưới mái nhà Ubisoft.
Killer Freak from Outer Space Trailer.
Thay vào đó là sự xuất hiện của một tựa game mang tên Zombie U được quảng cáo rầm rộ. Sự thực rằng kể từ màn ra mắt ấn tượng tại E3 2011, Ubisoft đã quyết định thay thế những sinh vật ngoài hành tinh bằng zombie và biến Killer Freak from Outer Space mang màu sắc nghịch ngợm trở thành một sản phẩm kinh dị sống còn. Khi nhìn lại, chúng ta nhận ra sản phẩm chào hàng cho Wii U này thực tế cũng chỉ là một quá trình đột biến từ bầy thỏ điên sang những sinh vật ngoài hành tinh và cuối cùng là một đàn zombie khát máu, nhằm chạy đua với trào lưu “thây ma” đang thịnh mà thôi.
Halo vốn là game... bắn súng góc nhìn thứ 3 và chiến thuật
Halo của Microsoft cũng chẳng khác nào Mario của Nintendo hay Mickey của Disney, khi mà tựa game Halo đầu tiên phát hành vào năm 2001 đã sớm trở thành hiện tượng của làng game bắn súng thế giới, là nhân tố chính mang lại sự thành công của hệ máy Xbox tại phương Tây. Nhưng không phải ai cũng biết, rằng vào thời điểm 2 năm trước cái ngày phát hành đầu tiên đó, đã có một tựa Halo với phong cách trái ngược hoàn toàn được giới thiệu trên một hệ máy cũng chẳng liên quan tới chữ “Xbox”.
Bungie – cha đẻ của Halo, ban đầu tìm tới mái nhà của Apple thay vì Microsoft, và “quả táo cắn dở” đã có ý định phát hành tựa game này cho hệ máy Mac dưới hai phong cách là bắn súng góc nhìn người thứ 3 và chiến thuật thời gian thực. Những người hâm mộ có thể không tưởng tượng được Halo sẽ ra sao nếu không phải là một sản phẩm FPS (trường hợp cá biệt là phụ bản Halo Wars phát hành năm 2009) và không ra mắt trên hệ Xbox, nhưng thực sự điều đó đã từng suýt chút nữa thành sự thật. Bạn thậm chí còn có thể xem Steve Jobs giới thiệu nhà đồng sáng lập Bungie là Jason Jones để mở màn cho buổi trình diễn của Halo tại sự kiện Macworld năm 1999.
Steve Jobs mở màn cho buổi giới thiệu Halo.
Doom vốn là sản phẩm thuộc series Aliens
Mặc dù Wolfenstein 3D là một tên tuổi lớn, nhưng dòng game FPS chỉ thấy thành công thật sự khi Doom phát hành. Thời điểm đó, nó là một cú đấm cực mạnh vào thị trường video game nhờ tới một nền đồ họa chi tiết và bối cảnh với ý tưởng chiến đấu chống lại quỷ dữ địa ngục trên sao Hỏa - rất mới mẻ và lạ lùng trong ngành giải trí tương tác con non trẻ thời điểm đó.
Nhưng sự lạ lùng trong ý tưởng đó lại bắt đầu từ thời điểm Doom vẫn chưa được gọi là… Doom. Vào quá trình phát triển ban đầu của game, id Software đã có một cuộc trao đổi với hãng 20th Century Fox nhằm ý định sản xuất một sản phẩm dựa trên series phim mà studio luôn yêu quý là Aliens. Từ đây, chúng ta hẳn đã biết được cái ý tưởng chiến đấu với các sinh vật quái thai dị dạng trên hành tinh xa xôi xuất phát từ đâu. Nhưng cuối cùng thì thương vụ cũng đổ vỡ và Doom lại trở về bàn vẽ của các họa sĩ với những ý tưởng mới. Kết quả để lại là một dòng sản phẩm có bối cảnh gần như tương đồng Aliens, với những Xenomorph được thay bằng quỷ dữ địa ngục và vũ trụ được thu hẹp lại trên bề mặt hành tinh đỏ.
Dead Space ban đầu là hậu bản của System Shock
Ai cũng biết System Shock, một tượng đài cũng như là hình tượng tinh thần cho dòng game nức tiếng Bioshock kế tục. Nhưng lạ thay, bối cảnh tương lai với các trạm không gian, tàu vũ trụ, các thiết bị hiện đại nhưng chứa đầy những sinh vật quái thai đột biến từ con người của System Shock 2 lại chính là tiền đề cho một sản phẩm khác là Dead Space ra đời. Và sự thật là Dead Space ban đầu lại được dự kiến chính là hậu bản trực tiếp của dòng game này.
Trở lại vào năm 2006, Studio Redwood Shores của EA (mà sau này trở thành Visceral Games) được biết là đang phát triển System Shock 3. Nhưng sau khi nhà phát hành phát hiện ra rằng thực tế mình không có quyền xuất bản game dưới cái tên System Shock (sở hữu tên game nhưng không có quyền phát triển) nên đã buộc đội ngũ Redwood Shores tạo ra một tựa game mới hoàn toàn. Và cuối cùng, Dead Space ra mắt cho tới nay đã sắp được phiên bản thứ 3, với bối cảnh không gian, vũ trụ đầy rẫy những sinh vật khát máu... cũng chẳng khác System Shock 2 ngày nào là bao.
Devil May Cry khởi đầu từ Resident Evil 4
Thương hiệu Resident Evil với những phiên bản đầu là cú hích cho thị trường game thế giới, đưa Capcom đến sự thành công cuối những năm 90. Mặc dù lúc bấy giờ đang trên đà thịnh nhưng Capcom vẫn muốn một phong cách mới được đưa vào sản phẩm thứ tư của mình nhằm đưa dòng game lớn mạnh hơn. Giám đốc dự án lúc bấy giờ là Hideki Kamiya với những cải tiến mới đã mong muốn mang cái chất mạnh mẽ và tốc độ vào tựa game, với một nhân vật chính sở hữu sức mạnh siêu nhiên mang tên Tony. Nhưng rốt cuộc, cái chất hành động mà Kamiya muốn mang tới cùng với Tony lại tỏ ra không hề hợp với dòng game Resident Evil.
Kết quả để lại là đội ngũ dưới bàn tay của Hideki Kamiya đã phải viết lại toàn bộ cốt truyện, bối cảnh, bỏ đi những chi tiết liên quan tới Resident Evil và tạo nên một dòng game khác biệt hoàn toàn. Và từ đây, thợ săn quỷ với mái tóc trắng Dante bắt đầu con đường ngang tàn của mình trên mảnh đất Devil May Cry. Những dấu vết còn lại mà chúng ta vẫn thấy được là phong cách điều khiển góc camera gần như cố định của Resident Evil vẫn phảng phất đâu đó trong các phiên bản Devil May Cry 4 đổ về trước.
Mario xuất phát từ thủy thủ Popeye
Master Chief, Kratos hay Sonic đều là những nhân vật được mọi người yêu quý, nhưng nếu đem ra so sánh với thành tích lão làng Mario chinh chiến suốt mấy chục năm trời thì có lẽ chưa thấm tháp vào đâu. Từ xuất phát điểm là một anh chàng “Jumpman” diễn kép phụ trong Donkey Kong, Mario đã kiếm cho mái nhà Nintendo của mình cả một gia tài với doanh thu bán ra lúc nào cũng sở hữ 6 số 0 đằng sau. Anh ta có một kênh truyền hình riêng, một loại ngũ cốc riêng đặt theo tên mình và thậm chí còn sở hữu một bộ phim Hollywood mặc dù không đạt được tầm chất lượng. Nhưng có lẽ bạn chưa biết rằng, Mario suýt chút nữa đã không tồn tại.
Trong trí tưởng tượng một thời của chàng thiết kế game trẻ Shigeru Miyamoto trước đây thì Donkey Kong sẽ là gã đồ tể Bluto, Pauline sẽ là cô nàng da bọc xương Olive Oyl và Mario là chàng thủy thủ Popeye. Và cứ như vậy, Donkey Kong – một trong số những tựa game đầu tiên đặt nền móng cho thế giới giải trí tương tác, lại suýt chút nữa trở thành một tựa game Popeye thật sự. Nhưng thương vụ giữa bên sở hữu tên tuổi Popeye đổ bể và Miyamoto phải tự gây dựng tựa game cho riêng mình. Và Mario sinh ra từ đó, trên nền móng của rau chân vịt và anh thủy thủ bắp tay to ngang đầu.
Sleeping Dogs đã từng là True Crime: Hong Kong và Black Lotus
Câu chuyện đằng sau cái tên Sleeping Dogs có lẽ là câu chuyện lận đận hàng nhất mà thế giới từng kể. Ngay sau khi hãng phát triển United Front Games được thành lập, đội ngũ tập trung ngay vào một dự án mới mang tên Black Lotus với bối cảnh Hồng Kông cũng như xoay quanh một nữ cảnh sát ngầm được phỏng theo hình tượng nữ diễn viên Lucy Liu. Nhưng Activision tỏ ra không hài lòng vì lịch sử làm game không mấy khi tôn vinh nhân vật nữ của hãng, nên sau đó đã yêu cầu đội ngũ phát triển thay đổi sang một nhân vật nam chính và biến sản phẩm thành một bản reboot của True Crimes mang tên True Crimes: Hong Kong.
Kết cục của câu chuyện này thì có lẽ nhiều người đã biết, đó là chính Activision cho rằng “chỉ có những sản phẩm hàng top mới có cửa cạnh tranh tại thị trường game” và cái tên True Crimes: Hong Kong biến mất sau đó. May mắn là Square Enix đã xuất hiện kịp thời và sản phẩm này phát hành một năm sau dưới cái tên Sleeping Dogs. Sleeping Dogs sau ngày phát hành liên tục được xếp hạng ở các danh mục bán chạy nhất của nhiều nơi như Anh Quốc hay Hoa Kỳ, trở thành một sản phẩm thành công về doanh thu cũng như chất lượng.Và hãy đoán xem, Activsion – hãng game nổi tiếng yêu tiền, sẽ cảm thấy ra sao khi chứng kiến điều đó?