5 điểm khác biệt giữa game xưa và nay

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 30/03/2014 0:00 AM

Chúng ta có thể thấy diện mạo của các tựa Game hiện đại ngày nay khác xa rất nhiều so với những bậc tiền bối của chúng.

Cùng với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, đồ họa cũng như khả năng tương tác nhân vật, các tựa game hiện đại ngày nay là thứ mà thế hệ 8,16-bit không thể so bì được, nhưng vào cái thời điểm mà các tựa game như Quake, Doom mới được ra mắt chúng ta vẫn đón chờ chúng nồng nhiệt không kém gì so với hiện nay. Có thể nói các tựa game hiện đại cuốn hút chúng ta theo một cách rất khác, đồng thời nhiều yếu tố hấp dẫn chúng ta ở các trò chơi xưa cũ cũng đã mất đi. Hãy cùng xem liệu 5 điều được liệt kê dưới đây có hợp lý không nhé.

1. Hoàn thành game mà không save

Với các trò chơi cũ, chúng ta không những có thể save mà còn hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn thời điểm để lưu game. Trở lại cái thời khi việc save hay load game chỉ phụ thuộc vào việc bạn ấn F6 hay F7 chứ không tồn tại checkpoint như hiện tại, bạn có thể đánh giá khả năng của một người chơi khác thông qua việc người đó lưu game nhiều hay ít. Chính vì vậy mà khi nhìn thấy nút F7 vẫn y nguyên như mới trên bàn phím của một người chơi, đó là thời điểm bạn cảm thấy hắn thật "pro". 

5 điểm khác biệt giữa game xưa và nay 1
Trong các trò chơi cũ, nhanh tay nhanh mắt hoặc là chết.

Với đa số các tựa game ngày nay, khi chết chúng ta chỉ phải quay lại điểm checkpoint gần nhất nên việc phá đảo game đòi hỏi sự kiên nhẫn nhiều hơn là cố gắng. Trong khi đó ở game cũ người chơi chỉ nhận được một số mạng nhất định dành cho toàn bộ quá trình chơi. Sẽ thế nào nếu như Call of Duty chỉ cho phép bạn chết tối đa 3 lần? Lúc đó chắc chắn bạn sẽ thực sự quan tâm đến việc làm thế nào để tránh khỏi cái chết cũng như thực sự quan tâm đến việc hoàn thành trò chơi. Rõ ràng các trò chơi hiện nay không thể cho bạn cái cảm giác vui sướng khi hoàn thành như những game như Contra từng làm được.

2. Những lời chế giễu

Có lẽ vẫn còn tồn tại những lời chế giễu trong game ngày nay mỗi khi game over, nhưng trở về quá khứ chúng đã từng phổ biến hơn bao giờ hết. Chắc hẳn bạn còn nhớ chú chó đồng hành dễ ghét trong tựa game bắn vịt, hay những dòng mô tả vị tướng quân của bạn bỏ chạy và chết nhục nhã thế nào mỗi khi lựa chọn retreat trong Heroes III? Đó là những thứ góp phần khiến cho thất bại của chúng ta còn trở nên cay đắng hơn bao giờ hết.

5 điểm khác biệt giữa game xưa và nay 2

Hiện nay có vẻ như các nhà làm game đã bắt đầu cảm thấy sợ khi công khai "sỉ nhục" những thượng đế của mình. Thay vào đó, họ chọn cách khuyên nhủ, đưa ra những chỉ dẫn thích hợp giúp người chơi tránh phạm phải sai lầm cũ, khiến cho trò chơi cũng phần nào trở nên dễ thở hơn.

3. Bảng xếp hạng thành tích

Yếu tố này vẫn tồn tại trong một số trò chơi ngày nay, nhưng chủ yếu chỉ là trong game Casual hay Mobile. Blizzard đã biến tấu High Score trở nên phức tạp hơn với hệ thống xếp hạng ladder, nhưng nhìn chung việc nhìn thấy High Score hiện tại của bạn gần như đã biến mất trong các thể loại khác.

Trong các trò chơi cũ, điểm số luôn tồn tại giống như một thước đo phấn đấu dành cho người chơi. Họ có thể hoàn thành game, nhìn vào điểm số để so sánh với bạn bè hay chính bản thân mình. Nhiều nhà làm game còn tinh tế hơn khi đưa ra các danh hiệu phong cho gamer tùy thuộc vào thành tích mà họ đạt được, và lẽ tất nhiên mỗi khi nhìn vào bảng xếp hạng với toàn những danh hiệu gà vịt, chẳng có ai lại không cảm thấy nóng mắt và muốn chơi lại một hoặc nhiều lần nữa.

5 điểm khác biệt giữa game xưa và nay 3

Đây chính là điểm mấu chốt của vấn đề, không có gì hấp dẫn hơn việc có thể cạnh tranh với những người chơi khác trong game. Cái cảm giác hơn hẳn người khác bằng số điểm mình có được, cảm nhận sự ngưỡng mộ từ phía người khác. Trong các tựa game hiện đại ngày nay, điều đó đã bị thay thế bởi multiplayer nơi chúng ta có thể trực tiếp cạnh tranh với nhau.

4. Campaign đòi hỏi thời gian

Một tình trạng chung đối với các tựa game hiện đại đó là dường như chúng đều bắt người chơi phải hành động vội vã nhất có thể. Vô hiệu hóa một quả bom, bắt hết bọn khủng bố, hoặc hoàn thành một màn chơi... Các chiến dịch trong game ngày nay thông thường chỉ cần một đến hai ngày là đã có thể hoàn thành. Rồi để níu giữ người chơi, nhà phát triển lại phải tung ra các bản update như: bổ sung bản đồ mới, thêm chế độ multiplayer, hoặc tăng thêm giới hạn level... tất cả nhằm tăng thêm giá trị chơi lại của game.

5 điểm khác biệt giữa game xưa và nay 4
Thời lượng campaign ngày nay chỉ tính bằng vài tiếng ngắn ngủi trong khi trước kia là ngày.

Chuyện gì đã xảy ra với những tựa game phải mất cả tuần lễ để hoàn tất? Đâu riêng gì thế giới mở như hiện tại, các trò chơi như Tomb Raider, Pokemon hay thậm chí Quake, Half Life xưa kia cũng ngốn của chúng ta kha khá thời gian mới có thể đi được đến đích cuối cùng. Chẳng có gì hối thúc gamer phải tiến về phía trước, giết hết kẻ địch, chứng kiến một vụ nổ theo kiểu Michael Bay và nhảy ngay vào chế độ multiplayer trong khi trong đầu chẳng ghi nhớ chút ấn tượng nào về phần chơi campaign vừa kết thúc. Có vẻ như hiện tại, chỉ còn có những tựa game RPG là còn khả năng giữ chân gamer trong thời gian dài mà thôi.

5. Độ thử thách

So với trước kia, chẳng có gì là quá đáng khi nhận định rằng game ngày nay quá dễ. Không chỉ riêng gì sức mạnh của các con Boss hay kẻ địch chung chung, mà còn về việc hoàn thành một nhiệm vụ, các bước cần thiết để đi đến màn chơi tiếp theo. Những tựa game ngày nay chỉ giới thiệu các nhiệm vụ nhàm chán lặp đi lặp lại như kiểu tăng độ khó lên thì con boss sẽ trâu máu hơn, và bất cứ ai cũng có thể hoàn thành nếu kiên nhẫn.

Hãy nhớ lại khoảng thời gian bạn dành để tìm kiếm đủ các chìa khóa trong Prince of Persia, chạy lòng vòng khắp nơi để tiêu diệt con quái vật 3 đầu trong Half Life, lặn lội ngược xuôi để mở một cánh cổng trong Tomb Raider... Tại thời điểm đó, thứ bạn cần là thời gian, sự kiên nhẫn, trí thông minh và một chút sáng tạo. Còn ngày nay, chơi game chỉ đơn giản là lao đến cánh cửa đã mở sẵn, tiêu diệt kẻ thù và cứ lặp đi lặp lại như vậy. Chưa kể trong thời đại internet nếu thấy "bí" ở khúc nào đó, bạn chỉ việc Google và nhanh chóng tìm thấy tất cả những thứ mình cần.

5 điểm khác biệt giữa game xưa và nay 5

Những yếu tố đã mất nói trên tất nhiên không hoàn toàn khiến cho các tựa game ngày nay trở nên không đáng chơi, nhưng những người chơi ngày nay khó mà tìm lại được sự hồi hộp, thách thức mà các tựa game xưa cũ từng mang lại. Liệu rằng một lúc nào đó, các nhà phát triển có thể hồi phục lại dù chỉ một trong số những điều đã mất kể trên? Nhìn vào nhưng tựa game như Dark Souls, rõ ràng chúng ta vẫn còn hy vọng.