Tiếp nối phần trước của bài viết về những bước đột phá trong lịch sử làng game thế giới, lần này chúng ta sẽ tiếp tục với những cuộc phiêu lưu của các đại gia EA, Nintendo và Sony.
17. Cuộc cách mạng của Nintendo
Sau cú vấp ngã của Atari năm 1983, Nintendo đã chứng minh rằng sự đầu tư mềm dẻo và hợp lý đã giúp họ đứng vững trong ngành công nghiệp game. Với cảm hứng từ những câu truyện manga và những bộ phim nổi tiếng của Nhật Bản, những tựa game hay đã trở lại với thị trường. Dù đó là Donkey Kong, huyền thoại Super Mario hay Zelda, những game của Nintendo chưa bao giờ dẫm phải vết xe đổ của E.T. Trái lại, game của Nintendo đã nuôi dưỡng ước mơ của biết bao nhà thiết kế game về một tương lai phát triển rực rỡ hơn nữa.
Game của Nintendo là một sự đổi mới mạnh mẽ, đem lại cho người chơi những trải nghiệm mới mẻ và dễ chịu chưa từng có. Và cùng với chất lượng tuyệt vời của game, những con số đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy về sự thành công không phải bàn cãi của Nintendo.
16. Tetris: Mang game đến với văn phòng
Nếu không có Tetris, thế giới game ngày hôm nay đã không thể được mở rộng và phổ cập đến từng gia đình, từng văn phòng làm việc khi mà không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng bị cuốn hút vào với chiếc tay cầm và màn hình TV.
Tetris không phải là một sự đột phá về công nghệ xử lý hình ảnh hay một cốt truyện hấp dẫn mà đơn giản là cuộc chơi của con người với khối hình 4 mảnh vô cùng đơn giản và dễ hiểu. Người chơi sẽ lắp ghép các khối hình sao cho 1 hàng được lấp đầy và ghi điểm. Càng giành được nhiều điểm, người chơi sẽ càng phải đối mặt với tốc độ rơi ngày một nhanh hơn của các khối hình và nó thực sự thử thách sự nhanh nhạy của đôi tay cũng như tư duy hình học của con người.
Sự đơn giản của Tetris dường như đã cuốn hút người chơi ở mọi lứa tuổi vào hàng giờ ngồi trước màn hình phá hết kỉ lục này đến kỉ lục khác. Sự xuất hiện của Tetris như một cơn sốt bất ngờ làm điên đảo thế giới game lúc bấy giờ và người ta vẫn còn nhắc đến câu chuyện tổng thống Bush chơi Tetris trên Gameboy khi ông nằm viện.
Tetris được một người Nga có tên Alexey Pajitnov phát minh nhưng sau đó nó đã được mua lại bởi một công ty Mỹ. Những người Mỹ có lẽ đã rất vui và tự hào khi đã giành được một sản phẩm béo bở từ người Nga và cho đến nay, Tetris vẫn là một trong những tựa game nổi tiếng và được nhiều người biết đến và ưa thích nhất.
15. EA và thỏa thuận với Madden
Sau khi thành lập Electronic Arts vào năm 1982, Trip Hawkins đã bắt tay ngay vào việc phát triển game đầu tiên hướng đến môn thể thao phổ biến nhất ở nước Mỹ là bóng bầu dục.
Sau nhiều lần tìm kiếm nhân sự thất bại, Hawkins liên hệ với Madden, một chuyên gia và là cựu huấn luyện viên bóng bầu dục, để làm cố vấn cho trò chơi. Với kế hoạch ban đầu, game sẽ chỉ sử dụng 6 đến 7 cầu thủ mỗi đội vì những hạn chế vì kĩ thuật nhưng điều này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Madden.
Dù không hiểu biết về máy tính nhưng Madden luôn tôn thờ việc đưa thế giới thực vào trò chơi điện tử và đó là lý do tại sao Madden yêu cầu mỗi đội phải có đủ 11 cầu thủ. Trước sự phản đối của Madden, EA đã phải nhiều lần lùi ngày phát hành và phải sau 3 năm phát triển, game mới được chính thức lên kệ với cái tên John Madden Football.
Đó cũng là bước đầu tiên mà EA đi được trên con đường chinh phục thế giới game, nhất là game thể thao, với phương châm đưa thế giới thực vào trong trò chơi điện tử. Mỗi năm sau lần phát hành đầu tiên ấy, EA lại cho ra lò một phiên bản mới cải tiến hơn của dòng game NFL và rất nhiều các game lớn khác đã được xây dựng sau thời điểm đó.
14. Sự trỗi dậy của thiết bị chơi game cầm tay
Nintendo đã chứng minh rằng bạn có thể chơi game ở bất cứ đâu với sản phẩm thiết bị chơi game cầm tay thành công đầu tiên Gameboy. Cũng giống như Walkman đối với người yêu âm nhạc, Gameboy là vật bất ly thân với dân nghiền game. Cho dù gặp phải sự cạnh tranh từ các sản phẩm khác cùng thời điểm nhưng với lợi thế về tính năng cũng như sức mạnh của game Nintendo, Gameboy là thiết bị bán chạy nhất trên thị trường thiết bị chơi game di động.
Ban đầu, Gameboy đến tay người sử dụng được cài sẵn Mario nhưng sau đó,Tetris được chọn như một vũ khí đầy sức mạnh mang game đến với tất cả mọi người.
13. Game PC: Đẳng cấp mới
Công nghệ làm game đã được đưa lên một tầm cao mới và nó đã dẫn đến sự ra đời của dòng game phiêu lưu mạo hiểm. Myst, King’s Quest, The Seventh Guest là những game dẫn đầu xu hướng này. Sự xuất hiện của CD-ROM cho phép nhà thiết kế game lồng vào những hình ảnh sống động để kể lại những câu truyện giúp cho game sinh động hơn và có mạch truyện rõ ràng hơn.
The Seventh Guest một thời đã tạo nên hit lớn trong cộng đồng game thủ và Trilobye Studio từng được mong đợi sẽ trở thành một Nintendo thứ hai. Thế nhưng những nỗ lực phát triển của họ đã tan tành mây khói bởi những rắc rối xung quanh các nhà đầu tư và đã khiến cho Studio lâm vào cảnh khốn khó.
Nhưng khi nhìn nhận một cách khách quan, PC đã thực sự đem lại hướng phát triển mới rộng lớn hơn cho nền công nghiệp game hiện đại.
Những năm 90
12. Sony và thời của đĩa CD
Năm 1991, một cuộc cạnh tranh ngầm diễn ra khi Nintendo và Sony cùng hợp tác trong một dự án nhằm đưa CD-ROM vào hệ máy Super Nintendo. Thế nhưng, mặc cho những cố gắng của Sony, đến phút chót, Nintendo đã rút lui khỏi dự án và điều này đã khiến cho Sony nổi giận. Sự kiện này bắt đầu cho cuộc chiến chưa bao giờ hạ nhiệt của hai gã khổng lồ trong ngành sản xuất game console.
Ba năm sau sự kiện đó, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà phát triển Sony mà đứng đầu là Ken Kutaragi, sản phẩm máy chơi game console đầu tiên được tích hợp ổ đĩa CD ra đời với tên gọi Play Station. Với lợi thế giá rẻ và khả năng xử lý tốt đồ họa 3D, Play Station đã chiếm được lợi thế trong cuộc đua với các dòng máy console sử dụng băng truyền thống của Sega và Nintendo.
Sự thành công của Play Station được chứng minh bằng việc số lượng máy bán được vượt mốc 100 triệu chiếc sau gần 10 năm ra mắt và PS trở thành game console đầu tiên đạt doanh số 100 triệu chiếc trong lịch sử.
11. E3 mở ra những cơ hội mới cho ngành công nghiệp game
E3 (Electronic Entertainment Expo) là một hội chợ thương mại thường niên dành cho ngành công nghiệp máy tính và game được tổ chức bởi ESA. Hội chợ là nơi rất nhiều những công ty, những nhà phát triển game giới thiệu đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp bán lẻ những sản phẩm game mới nhất sắp được phát hành cùng với các thiết bị phần cứng hỗ trợ việc chơi game.
Danh tiếng của E3 được công nhận một cách rộng rãi là hội chợ có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn nhất trong ngành công nghiệp game. Tại hội chợ, bên cạnh các hoạt động quảng bá rầm rộ cho những tựa game, những công nghệ mới thì một lễ trao giải dành cho các công ty, các sản phẩm game đạt nhiều thành công trong năm cũng được tổ chức.
Năm 1995, E3 diễn ra lần đầu tiên với sự tham gia của những công ty game nổi tiếng thời bấy giờ là Sony, Nintendo và Sega. Nó lập tức tạo ra một sự cạnh tranh trực tiếp vô cùng lớn giữa các game console mới ra lò là Sega Saturn, PlayStation, Virtual Boy và Neo-Geo CD. Sự xuất hiện đồng loạt của những game console đời mới này đã giúp cho E3 1995 thu hút được hơn 80000 người tham dự. Lợi ích của E3 đến từ sự quảng bá rộng rãi game đến với người tiêu dùng và sự nâng cao chất lượng các sản phẩm qua một môi trường cạnh tranh trực tiếp.
(Còn tiếp)