15 games đáng chơi tiếp sau khi đã "phá đảo" (Phần 2)
PV - Theo PLXH / PLXH | 27/11/2013 0:00 AM
Tiếp tục với những tựa game mà phá đảo chỉ mang tính chất minh họa.
Dark Souls
Những ai đã từng chơi qua tựa game này có lẽ đều phải công nhận một điều rằng: Đây là một game tra tấn người chơi theo đúng nghĩa đen bằng độ khó của nó. Sau khi đã hoàn thành game, Dark Souls sẽ lại càng mang đến cho bạn nhiều cảm xúc hơn nữa. Thêm độ tra tấn, những phút giây nghiến răng nghiến lợi, nhưng cũng không thiếu những cảm xúc hưng phấn nhiều lúc khiến bạn muốn hét toáng lên.
Sau khi phá đảo, bạn sẽ được đưa quay ngược lại Undead Asylum, với đầy đủ vũ khí, đồ đạc và điểm stat. Kẻ địch tất nhiên sẽ khó nhai hơn, tuy vậy, trải nghiệm khi chơi game sẽ rất khác với lần chơi đầu tiên. Bạn sẽ vượt qua một vài màn chơi đầu tiên khá dễ dàng, cứ như một vị thần báo thù trả lại hết những “đau khổ” game đã gây ra cho bạn, trước khi phải đối đầu với những cơn ác mộng thực sự ở phía trước.
Castlevania: Symphony of the Night (1997)
Bạn đã hoàn thành Castlevania rồi à? Khá lắm. Khó ra phết phải không? Bạn phải trầy trật lắm mới giết được Shafft, linh hồn quỷ dữ nhập trong Richter? Ok. Bây giờ thì hãy chơi lại đi nhé, và điều đặc biệt là, game bây giờ sẽ trong tình trạng... lộn ngược từ trên xuống.
Kiểu chơi ngược đời này chắc chắn sẽ làm điên đầu nhiều người, và là một thử thách thực sự cho những game thủ cứng cựa đã có thể hoàn thành cốt truyện chính. Nếu nói việc hoàn thành một game như thế này giống như một bài kiểm tra kĩ thuật của game thủ, thì việc phá đảo nó ở trạng thái lộn ngược lại là một màn trình diễn đẳng cấp thứ thiệt của những gamer có đôi tay với tốc độ ánh sáng. Và đó là lí do tại sao Castlevania: Symphony of the Night là một game rất phù hợp với gamer thích sự thử thách.
Bayonetta/Devil May Cry
Hoàn thành Bayonetta ở chế độ Normal vốn cũng đã khá khó sẽ unlock chế độ Hard của game, và có khá nhiều yếu tố mà bạn sẽ không thể khám phá được nếu như không chơi ở Hard Mode. Ví dụ như khả năng đỡ/gạt nhận được từ món item Moon of Mahaa-Kalaa - thứ sẽ thay đổi hoàn toàn cách chiến đấu của bạn. Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều kẻ địch mạnh mẽ mới cùng những món vũ khí mới được unlock... cũng sẽ tạo những thay đổi lớn lao cho game so với ở Normal Mode.
Nhưng khoan đã, những điều vừa đề cập ở trên hình như nghe cũng rất quen và hình như đã có trong tựa game nào khác? Không phải là bạn tưởng tượng đâu, mà đó chính là Devil May Cry.
Cũng không có gì ngạc nhiên bởi 2 trò chơi này đều được tạo ra từ bàn tay của cùng một nhà thiết kế - Hideki Kamiya. Devil May Cry dù ở phiên bản nào cũng sở hữu rất nhiều độ khó khác nhau, dẫn dắt người chơi từ khi còn chưa nhớ nổi combo đến lúc trở thành một thợ săn quỷ thực thụ với đôi tay nhanh như chớp, những kẻ đi từ đầu chí cuối game mà không để bất cứ thứ gì chạm vào người.
Thực chất đó cũng là yêu cầu để vượt qua cấp độ Hell and Hell, bởi bất cứ khi nào bạn dính đòn thì cũng đồng nghĩa với kết cục Game Over. Vì vậy mà để chinh phục hoàn toàn Devil May Cry, người chơi sẽ phải đầu tư hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn giờ cho việc rèn luyện kĩ năng chiến đấu đến mức hoàn hảo.
Final Fantasy
Nói về giá trị chơi lại cao, thật sự khó ai bì được với các nhà sản xuất game Nhật Bản với sự sáng tạo của họ trong thể loại JRPG. Tuy nhiên nếu liệt kê hết chúng ra, chúng ta nhiều khả năng sẽ có trong tay hẳn một cuốn sách chứ không còn chỉ gói gọn trong vài chục trò chơi nữa. Vì thế để cho công bằng, hãy lựa chọn một series dài hơi cũng như nổi tiếng nhất, và chắc chắn đó là Final Fantasy.
Kể từ phiên bản đầu tiên phát hành năm 1987 cho đến nay, Final Fantasy luôn khiến hàng triệu fan hâm mộ phải mê mẩn vì cốt truyện đậm tính nhân văn, những nhân vật có hồn, gameplay cuốn hút... Và trong quãng thời gian tưởng chừng chỉ ngang bằng với cái nháy mắt, nó đã dễ dàng lấy đi hàng trăm tiếng đồng hồ của người chơi, hơn nữa không phải chỉ một mà còn hai hay thậm chí hàng chục lần sau đó. Mỗi khi tiếng nhạc menu "tình tinh tính tinh tinh tình" đặc trưng cất lên, một cuộc phiêu lưu mới lại bắt đầu.
Borderlands 2 (2012)
Đối với một game như Borderlands 2, việc mỗi lần kết thúc, bạn và bạn bè lại phải chơi đi chơi lại một cốt truyện và bị buộc phải reset lại điểm stat là một kiểu chơi không thể chấp nhận được. Sau khi hoàn thành cốt truyện, bạn sẽ unlock được True Vault Hunter Mode, một chế độ chơi khá thú vị. Bạn sẽ bắt đầu lại từ đầu với tất cả súng ống, điểm XP và phụ kiện của mình.
Vì vậy, việc phá đảo game lần đầu chỉ như là một tấm thẻ thông hành đến những thử thách lớn lao phía trước và thậm chí là cả những khẩu súng chất lượng hơn. Bạn có thể thăm lại những khu vực cũ đã từng đi qua, đối địch với những tên địch khó nhằn hơn và đạt đến những mức level cap cực cao. Nếu xong hết rồi thì sao? Sẽ luôn luôn có một Ultimate Vault Hunter chờ đón với một cuộc hành trình tương tự nhưng tất nhiên, khó hơn nhiều.