10 tựa game giống nhưng lại... phá đám lẫn nhau (Phần cuối)

PSD  - Theo Trí Thức Trẻ | 23/09/2015 0:00 AM

Những sự trùng hợp đến kì lạ trong làng game hoặc đơn giản, các nhà làm game này đã sử dụng chung cùng một nguồn ý tưởng mà không hay biết.

Elite: Dangerous (Công bố tháng 11/2012) và Star Citizen (công bố tháng 9/2012)

Dù không có chung ngày phát hành nhưng hai tựa game được công bố gần như đồng thời, chỉ cách nhau chưa đến bảy tuần. Cả Elite: Dangerous lẫn Star Citizen đều khai thác đề tài dường như đã bị quên lãng từ lâu là du hành vũ trụ và thể hiện dưới dạng MMO. Đặc biệt cả hai đều là những dự án gây quỹ thành công và thu được số tiền vượt xa mục tiêu ban đầu.

Không chỉ có vậy, hai tựa game đều chiêu mộ được những bộ óc sáng tạo. Trong khi Chris Robert của Star Citizen tạo ra dòng game Wing Commander được mến mộ từ lâu, thì David Braben của Elite gần như là cha đẻ của thể loại du hành vũ trụ. Tóm lại chúng ta có sự tái xuất của hai người khổng lồ với hai dự án gây quỹ thành công và xuất hiện chỉ cách nhau hai tháng, thật là tuyệt vời.

Drive Club (10/2014) và The Crew (12/2014)

Giống như trường hợp của Blur và Split/Second được đề cập từ trước, hai tựa game đua xe này cũng đặt hy vọng vào một mánh khóe mới, cụ thể là “đua xe trong thời đại mạng xã hội”. Đáng buồn là không những không tựa game nào nổi trội hơn hẳn mà cả hai đều gây nhiều sự bối rối cho người dùng. Thậm chí hai tựa game đều gặp nhiều lỗi liên quan đến network và hậu quả là những bài đánh giá kém khả quan từ giới phê bình.

Bất chấp những vấn đề trên, mỗi game đều bán ra được tới gần 2 triệu bản. Một con số không hề tệ, đặc biệt với Drive Club vốn chỉ phát hành độc quyền trên PS4.

Unreal Tournament (11/1999) và Quake 3: Arena (12/1999)

Sự ra mắt của hai tên tuổi lớn trong vòng một tháng thường là cuộc chiến một mất một còn mà kẻ chiến bại sẽ phải ra đi, giống như trong trường hợp HD-DVD và Bluray. Tuy nhiên trái với dự đoán, cả Unreal Tournament lẫn Quake 3: Arena đều không chịu thiệt hại gì đáng kể và tiếp tục cho ra mắt những hậu bản thành công về sau.

Trường hợp này giống như bộ phim “Anh em sinh đôi” mà trong đó cả hai anh em đều là những phiên bản của Arnold Schwarzanegger; hay đúng hơn là phim “Ngày thứ sáu” với Arnold tạo ra một bản sao của chính mình. Thật hài hước khi mà trong toàn bộ danh sách này, hai tựa game với súng ống và bạo lực lại có thể tồn tại hòa bình cùng nhau.

Tenchu: Stealth Assassins (08/1998) và Metal Gear Solid (11/1998)

Chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy hai cái tên này được đặt cạnh nhau, vì khó có thể hình dung hai game với bối cảnh cách xa tới 500 năm có thể được coi là những “người anh em”. Tuy nhiên nếu nhìn nhận bao quát hơn, có thể thấy cả Tenchu và Metal Gear Solid đều là những người tiên phong của thể loại hành động lén lút 3D.

Mặc dù vốn đã có tiếng tăm với những phiên bản 2D trước đó, tuy nhiên Metal Gear Solid vẫn mạo hiểm khai phá hướng đi có thể nói là hoàn toàn mới ở thập niên 90. Nó và Tenchu - hai tựa game ra mắt cách nhau chỉ 2 tháng đã làm thay đổi bộ mặt của thể loại hành động lén lút. Nếu xét đến cả dòng game Thief cũng ra mắt trong khoảng thời gian này thì đây quả thực là một sự trùng hợp kì lạ.

Retro City Rampage và Hotline Miami (tháng 10/2012)

Không phải thường xuyên mà chúng ta có cơ hội gặp lại được phong cách bạo lực của thập niên 80. Tuy nhiên điều đó đã xảy ra trong tháng 10/2012 với hai tựa game ra mắt cách nhau chỉ 2 tuần. Retros City Rampage và Hotline Miami tranh đấu quyết liệt cho vị trí game đồ họa 8-bit máu me nhất, với kết cục là Hotline nhận được những bài review tích cực, trong khi Rampage không tạo được nhiều sự chú ý. Rõ ràng là khi hai tựa game ra mắt ngay gần nhau, những cuộc chiến sống còn vẫn phổ biến hơn các kết cục hòa bình.

>> 10 tựa game giống nhưng lại... phá đám lẫn nhau