10 tựa game có cốt truyện hại não nhất (Phần cuối)

PSD  - Theo Trí Thức Trẻ | 26/08/2015 0:00 AM

Không dễ dàng để hiểu rõ cốt truyện của những tựa game này, ngay cả khi bạn đã chơi đi chơi lại nhiều lần.

5. Final Fantasy XIII và các hậu bản

Dòng game Final Fantasy vốn nổi tiếng về cốt truyện đồ sộ và phức tạp, nhưng Final Fantasy XIII và các hậu bản của nó đã mang danh tiếng này lên một tầm cao mới.

Ngay từ đoạn mở đầu, game đã khiến người chơi bối rối bởi một loạt thuật ngữ khó hiểu, nhiều tới mức bất kì người nào mới chơi cũng gần như phải học một ngôn ngữ mới để nắm được chuyện gì sắp diễn ra. Kể cả khi câu chuyện bắt đầu mọi thứ cũng không hề trở nên rõ ràng hơn, khi mà những “Eidolon” cùng đồng đội cũng như thực tại đến và đi, theo sau là du hành xuyên thời gian và các chiều không gian. Có quá nhiều thứ mà người chơi phải tiêu hóa và đồng thời tất cả đều đan cài với nhau một cách rối rắm.

Final Fantasy XIII thực sự là phần khó hiểu nhất trong toàn bộ series, kể cả khi so với Final Fantasy VII.

4. Chrono Cross

Chrono Cross là hậu bản của Chrono Trigger, một trong những tựa game được đánh giá cao nhất của Square Enix, cũng như một trong những game RPG tuyệt vời nhất từng được tạo ra. Đáng buồn là nó không thể nào đạt được tầm cỡ của người tiền nhiệm, một phần là do cốt truyện quá ư hại não.

Khó có thể coi thứ Chrono Cross mang tới là “cốt truyện”, thực tế đó là một mớ bòng bong các hiện thực và chiều không gian với dàn nhân vật điều khiển được khổng lồ (trên 40 nhân vật), bao gồm rồng, người ngoài hành tinh, củ cải, búp bê bị yểm bùa và đô vật. Hầu hết không liên quan tới cốt truyện chính trong game nhưng đa số lại đều sở hữu câu chuyện đồ sộ của riêng mình.

Tất cả làm nên một tựa JRPG với nội dung cực kì phức tạp. Người chơi khó thể nắm được cái gì đang xảy ra và vì lý do gì, hay khi nào góc nhìn lại bị đột ngột chuyển sang một nhân vật xa lạ và không liên quan. Chính nhà phát triển cũng nhận ra điều này và phải đặt một bóng ma giải thích diễn biến câu truyện trước khi đánh boss cuối. Điều này dường như vô ích nếu như não của game thủ đã không chịu nổi và "xì khói" trước đó.

3. Dòng game Xenosaga

Xenosaga là một ví dụ tiêu biểu cho việc game Nhật thường có xu hướng điên rồ, với hàng loạt ý tưởng được nhồi nhét vào trong cốt truyện.

Game khởi đầu trong một tương lai rất xa khi mà con người đã “mất” Trái Đất, không phải mất do bị xâm chiếm mà đơn giản là lạc mất vì Trái Đất bị xóa khỏi bản đồ sao. Mọi chuyện càng phức tạp hơn với sự góp mặt của KOS-MOS, robot sinh học với tính cách tốt xấu thất thường; những người ngoài hành tinh xấu xa muốn tiêu diệt loài người không vì lý do gì; một nhà khoa học nhân giống các siêu chiến binh. Ngoài ra còn có những cổ vật, robot khổng lồ và Cảnh sát Robot muốn trở thành Robot hơn là cảnh sát.

Tất cả những thứ kì quặc trên đều có cội nguồn từ... các khái niệm về thần thánh và tôn giáo bắt nguồn ở Trái Đất mà loài người đã lạc mất. Các nhà phát triển đã tạo ra đủ ý tưởng cho khoảng 12 câu chuyện để nhồi nhét vào một series, một nỗ lực đáng hoan nghênh nhưng không hề khiến game dễ nuốt hơn chút nào.

2. Dòng game Metal Gear

Việc có thể coi bậc thày làm game hại não Hideo Kojima là một thiên tài hay không phụ thuộc vào đam mê của bạn với dòng game Metal Gear. Không thể nói về cốt truyện phức tạp mà không đề cập tới Metal Gear Solid, ngay cả fan của dòng game cũng không thể phủ nhận điều này.

Cốt truyện của phần đầu tương đối dễ hiểu, nhưng mọi thứ trở nên rối tung sau một loạt prequel, sequel và các tựa game ăn theo khác. Son of Liberty gây shock cho người chơi khi thay nhân vật chính bằng Raiden thay vì Snake, một loạt âm mưu cũng như hé lộ về tổ chức Patriots càng góp phần làm cho mọi thứ thêm hỗn loạn. Các phiên bản về sau cũng rắc rối không kém với những vụ mưu phản, cánh tay ma biết nói, người nhân bản, siêu chiến binh và chiến tranh hạt nhân. Kèm theo những thứ trên là vài nhân vật chính khác nhau, mỗi nhân vật tại các thời điểm khác nhau lại có động lực và câu truyện khác nhau. Người chơi sẽ cần một cuốn sổ tay ghi chép để theo dõi được các sự kiện trong game, và khi Metal Gear Solid V sắp ra mắt, đây là lúc thích hợp để lấy cuốn sổ đó ra ôn lại.

1. Dòng game Kingdom Hearts

Khi Tetsuya Nomura, cha đẻ Kingdom Hearts, được hỏi điều gì quan trọng nhất khi sáng tác cốt truyện cho một tựa game, ông trả lời đó là “sự bất ngờ”. Câu trả lời này là lý giải cho cốt truyện rối rắm và phức tạp khét tiếng của dòng game Kingdom Hearts.

Đúng như Tetsuya Nomura tuyên bố, Kingdom Hearts không thiếu những bất ngờ, nếu không muốn nói là thừa thãi. Thậm chí người chơi có thể bị bất ngờ nếu việc thứ gì đó diễn biến theo logic thông thường. Game thủ luôn ở trong trạng thái thấp thỏm đón chờ một bí ẩn nào đó được hé lộ. Hầu như mọi nhân vật trong game đều có một bản sao xấu xa, hoặc là bản sao của ai đó, hoặc có một nửa trái tim được giấu trong cơ thể ai đó và bản thân họ cũng không phải chính mình.

Các tựa game ăn theo trên những nền tảng khác nhau tiếp tục bổ sung vào cốt truyện đồ sộ, tạo ra một mớ bòng bong các mối liên kết giữa các phiên bản. Cần bỏ ra không ít công sức để nắm được nội dung các tựa game này, và KH3 sắp ra mắt hứa hẹn sẽ còn mang tới nhiều bất ngờ nữa.

>> 10 tựa game có cốt truyện hại não nhất