Ắt hẳn không ít người trong chúng ta từng bị bố mẹ, thày cô trách mắng vì lãng phí thời giờ vào trò chơi điện tử. Nhưng sự thật là ngoài chức năng giải trí, game còn giúp người chơi học được rất nhiều kĩ năng hữu ích. Hãy cũng điểm qua một số lý do cho thấy game không phải thứ vô bổ như các bậc phụ huynh vẫn thường nghĩ.
1. Sử dụng nhạc cụ (Rockband/ Rocksmith)
Việc bấm điên cuồng những phím đàn guitar nhựa trông có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đây là bước đầu dẫn dắt nhiều người đến đam mê âm nhạc và hình thành cảm giác về nhịp điệu. Những game như Guitar Heroes hay Rock Band cho phép người chơi tập trung vào từng phần riêng biệt của bản nhạc, từ đó dạy họ những điều như các một bè bass được phối với cả bản nhạc.
Bộ trống của Rock Band mô phỏng khá chuẩn xác một bộ trống thực sự, có đủ 4 mặt trống và một bàn đạp. Dù thiếu một vài bộ phận so với đồ thật, người chơi hoàn toàn có thể chơi một bản nhạc hoàn chỉnh với thiết bị này. Pro Controller của Rock Band còn dạy người chơi những hợp âm thật sự, thậm chí bạn còn có thể dùng một cây guitar thật và học đánh từ trình độ cơ bản tới nâng cao qua các mini game của Rocksmith.
2. Đi vòng quanh thế giới (80 Days)
Đâu là cách tốt nhất để đi vòng quanh thế giới trong 80 ngày? Đó là quay về London thời kì công nghiệp hóa ở thế kỉ 19 và theo chân những nhân vật cuốn tiểu thuyết “80 ngày vòng quanh thế giới” của Jules Verne. Một game mobile tuyệt vời sẽ chỉ dẫn cho bạn cặn kẽ cách thực hiện chuyến du hành này.
Có nên dùng khí cầu băng qua khu vực Trung Đông, hay lên một chuyến tàu trên đường sắt xuyên Siberia? Mặc dầu bản đồ thế giới của 80 Days không hợp thời cho lắm, game vẫn cung cấp cho người chơi những nét chính về địa lý, văn hóa và thậm chí cách sống sót với chi phí thấp nhất có thể. Hãy thử qua game và biết đâu nhà thám hiểm trong bạn sẽ được đánh thức.
Khoa học tên lửa (Kerbal Space Program)
Chắc hẳn nhiều người khi xem bộ phim Apollo 13 đều rất ấn tượng với việc 3 nhà du hành vượt qua các sự cố kĩ thuật và trở về Trái Đất an toàn. Vũ trụ là một môi trường khắc nghiệt, do vậy tốt nhất hãy học các kĩ năng chế tạo tên lửa mà không phải bay lên đó, bằng cách chơi Kerbal Space Program.
Trong game, người chơi sẽ học cách đưa những sinh vật gọi là “Kerbal” vào vũ trụ, lên mặt trăng hay vào quỹ đạo các hành tinh. Game giới thiệu các khái niệm như quỹ đạo, trọng lực, trọng lượng, lực đẩy, nguyên liệu và những thứ cần thiết để đưa những chú Kerbal vào vũ trụ, cũng như cứu chúng khi sự cố xảy ra. Đây thực sự là một cách tuyệt vời để học về khoa học tên lửa, thậm chí NASA đã cung cấp một số nội dung để giúp game chân thực hơn.
Kỹ thuật điện tử (Minecraft)
Khi học sinh thời xưa cần đủ thứ dây dợ và phụ kiện nếu muốn học về kĩ thuật điện tử, thì nay chúng đã có Minecraft. Nhờ một loại tài nguyên có tên Redstone, người chơi có thể thực sự học về kỹ thuật điện tử thay vì chỉ chặt cây rèn kiếm.
Redstone có thể cung cấp năng lượng cho mọi thiết bị cơ khí. Nhưng không chỉ có vậy, giống như thiết kế một mạch điện thật sự, khi sử dụng Redstone bạn buộc phải tính đến sự biến đổi của dòng điện tùy theo cách sắp đặt các khối đá. Khi hiểu được cách redstone hoạt động, người chơi có thể đấu điện cho cả khu phố, hay thậm chí chế tạo một chiếc máy tính hoạt động được bằng các cổng logic.
Lập trình (SpaceChem/ Light Bot…)
Trong thời đại công nghệ thông tin, kĩ năng lập trình đang trở nên ngày một quan trọng. Học sinh tiểu học thậm chí đã được học lập trình cùng với văn, toán. Giống như các kĩ năng cần thiết khác, bạn có thể học được một số khái niệm cơ bản về lập trình từ game.
SpaceChem giúp người chơi hiểu được logic đằng sau hàm if/then và vòng lặp thông qua việc giải các câu đố. Nhưng nếu muốn một thứ đỡ phức tạp hơn, hãy tìm đến Light Bot, một game dễ thương có thể dạy cả trẻ nhỏ về lập trình. Với những lập trình viên, CodeCombat sẽ là lựa chọn tốt vì tích hợp mã Javascript thực sự vào gameplay.
(Còn tiếp)
>> Những khoảnh khắc tuyệt vời khi game thủ tự ráp PC