Ông hoàng Gabe Newell trở thành kẻ giàu nhất làng game nước Mỹ, tài sản trị giá 121 nghìn tỷ Đồng!

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 20/10/2017 04:58 PM

Forbes đã xếp Gabe Newell ở vị trí thứ 97 trong số 100 người giàu nhất nước Mỹ, với khối tài sản trị giá 5,5 tỷ USD, tương đương 121 nghìn tỷ Đồng

Thực tế thì, với khối tài sản khổng lồ này của Gabe Newell sẽ cho phép gã béo nổi tiếng nhất làng game sắm mọi tựa game có trên Steam ở thời điểm hiện tại, bất kỳ game nào nhà làm game 54 tuổi này thích. Mới đây, tạp chí Forbes đã xếp Gabe Newell ở vị trí thứ 97 trong số 100 người giàu nhất nước Mỹ, với khối tài sản trị giá 5,5 tỷ USD, tương đương 121 nghìn tỷ Đồng, tính đến ngày 19/10/2017.

Sau khoảng thời gian theo học tại Harvard, vào năm 1983, Gabe quyết định bỏ học và tới làm lập trình viên cho Microsoft trong 13 năm liên tục. Trong khoảng thời gian mà ít người biết tới này, Gabe Newell đã đảm trách trưởng bộ phận phát triển. Với sự phục vụ của ông, Microsoft đã tạo ra 3 phiên bản hệ điều hành Windows. Điều bất ngờ là, chính Steve Ballmer, cựu CEO Microsoft, là người đã thuyết phục Gabe bỏ học. Tại Microsoft, Gabe được đồng nghiệp mô tả là con người cực kỳ cần mẫn, chăm chỉ. “Một năm anh ta phát triển hoàn thiện tới 30 sản phẩm”, Alex St. John, đồng nghiệp cũ của Gabe Newell cho biết.

Sau khi sáng lập Valve Software, Gabe Newell đã tự tay bỏ hơn 15 triệu USD tiền túi của mình để biến đây trở thành một nhà phát triển game đầy tiềm năng. Về sau ông cho biết, thứ khiến ông bắt đầu làm việc ở Valve Software chính là hình mẫu của Quake và id Software. Tại đây, những nhà làm game công khai mã nguồn của tựa game, cho phép game thủ cũng như những lập trình viên PC không chuyên có thể sửa lại tựa game, nói ngắn gọn là tạo ra những bản mod, biến một game trở thành một sản phẩm với phòng cách mới hoàn toàn.

Và với triết lý làm game như thế này, Gabe đã mua bản quyền một số mã nguồn của Quake, từ đó tạo ra sản phẩm đầu tay: Half-Life. Ra mắt vào năm 1998, ngay lập tức tựa game đã trở thành một cú hit lớn với 2,5 triệu bản được bán ra chỉ trong năm đầu tiên. Thế nhưng mãi đến 3 năm sau, doanh số bán ra của Half-Life vẫn vô cùng khủng khiếp. Hàng loạt bản mod đầy ấn tượng dựa trên nền Half-Life đã được ra mắt. Trong đó phải kể tới hai tựa game đã trở thành tượng đài của làng FPS thế giới: Counter-Strike và Team Fortress.

Sau khi nhận ra tiềm năng của hai bản mod kể trên, Gabe đã mời những nhà phát triển hai bản mod trên về làm việc tại Valve Software, tiếp tục đảm nhiệm việc phát triển những tựa game này và tung ra thị trường. Chính vì lẽ đó, giờ đây Counter-Strike đã trở thành một trong số những tựa game bắn súng eSports được ưa chuộng bậc nhất trên thế giới.

Thành công vô cùng mỹ mãn của Half-Life đã khiến Gabe Newell dồn sức, bỏ 40 triệu USD để thực hiện Half-Life 2. Khỏi phải nói thành công của tựa game này cũng như những hậu bản Episode 2 và 3. Cùng lúc đó, tư duy làm game của Gabe vẫn tồn tại với những bản mod đầy thành công như Counter-Strike: Source và Team Fortress 2 lần lượt ra mắt. Đến năm 2012, Counter-Strike: Global Offensive, tựa game dựa trên Source Engine cũng được Valve tung ra, trở thành một trong những tựa game eSports thành công nhất ở thời điểm hiện tại.

Một thành tựu khác của Gabe Newell chính là Steam. Nếu không có Steam, thì giờ đây game thủ PC vẫn sẽ phải mua đĩa game ngoài tiệm về cài vào máy tính của mình. Chắc chắn một điều cả ngành game thế giới sẽ chẳng thể nào phát triển được như ngày hôm nay.

Ngày 12/09/2003, Steam lần đầu tiên ra mắt. Khi phần mềm này được giới thiệu, không ít người đã coi Gabe Newell như một gã khùng, với giấc mơ đầy vọng tưởng là đoàn kết lại những nhà phát hành và phát triển game. Thời bấy giờ, người chơi game vẫn chỉ quen với những chiếc đĩa cài cồng kềnh và nặng nề.

Khi dung lượng game ngày một cao, có khi lên tới 40, 50GB, thì đĩa cài game cũng không thể nào đáp ứng được yêu cầu của nhà phát triển game. Và như thế, Steam đã trở thành nền tảng phân phối game được các nhà phát hành ưa chuộng nhất. Theo số liệu hiện tại, cứ 4 game thì có 3 game được phát hành thông qua Steam. Chính thành công của nền tảng này đã khiến cho không ít hãng đã cố gắng tạo ra những nền tảng tương tự, ví dụ Origin của EA hay Social Club của Rockstar Games.