- Theo Helino | 26/05/2019 08:00 PM
Trong One Piece, Hải Quân là quân đội chủ lực của Chính Quyền Thế Giới, họ là những người duy trì công lý và nền hòa bình cho thế giới. Chình vì vậy, họ luôn đặt ‘công lý’ làm phương châm sống của mình.
Và thông thường theo quan điểm của nhiều người thì Hải quân là đại diện của chính nghĩa, chống lại bọn Hải tặc tàn ác. Còn nếu hải tặc mà được yêu quý thì cũng chỉ vì họ là nhân vật chính của một câu chuyện gì đó, và được tác giả buff "miễn trừ trách nhiệm".
Và One Piece là 1 tác phẩm đi theo phong cách như thế!
Trong thế giới One Piece, con người được chọn cách định nghĩa cuộc đời mình. Luffy chọn làm hải tặc vì cậu ta cho rằng hải tặc là "người tự do" nhất, là "nhà thám hiểm" nơi tận cùng của biển khơi, là "kẻ theo đuổi ước mơ" của riêng mình. Vì suy nghĩ lạ đời đó mà dù có bốc đồng, ham vui, ngốc nghếch, cứng đầu đến đâu, Luffy vẫn có khả năng đánh thức giấc mơ của người khác và thu hút họ đi trên tàu của mình.
Zoro từng là thợ săn hải tặc, Nami hận hải tặc, Sanji không muốn rời xa ân nhân của mình,… nhưng họ đều gia nhập băng Mũ Rơm, không e sợ mang trên mình cái danh tàn ác. Họ hiểu rằng cái danh xưng hải tặc không nói lên họ là ai, không ảnh hưởng đến những quyết định, những việc họ làm, nguyên tắc của họ.
Nami có thể nhờ sự giúp đỡ của hải tặc như Luffy, dù cô ấy căm hận cướp biển vô cùng, là vì Nami chấp nhận rằng: không phải mọi hải tặc đều xấu. Sau đó, khi biến cố ở Alabasta qua đi, quốc vương Cobra cũng phải thừa nhận, ông mong sao mọi hải tặc đều như băng Mũ Rơm, nhưng thực tế không phải vậy. Có lẽ, chính tà cũng hiện hữu ngay cả trong giới cướp biển nói riêng.
Còn trong giới hải quân, sự phân hóa cũng được thể hiện rất rõ ràng. Hải quân là chính nghĩa nếu họ bảo vệ người dân, và họ không phải chính nghĩa nếu chỉ bảo vệ mục đích của giai cấp thống trị. Captain Morgan là đại diện đầu tiên của phe "chính nghĩa" mà Luffy đụng độ. Tuy là hải quân đấy, nhưng khi hắn bị đánh bại, người dân Shells Town lại tỏ ra vui mừng khi được giải thoát khỏi ách thống trị của Morgan.
Càng đi xa trong hành trình của One Piece, sự xuất hiện của Thiên Long, Chính quyền thế giới hay Im sama đứng sau thao túng hải quân, càng lộ rõ những bóng tối của bất công trong lòng tổ chức này.
Lạm dụng chức quyền, coi thường lợi ích và sinh mạng người khác vì lợi ích riêng của Chính quyền vẫn luôn tồn tại. Đặc biệt là chế độ nô lệ của các Long Tinh, Oda-sensei đã xây dựng một mô hình thế giới quá thực tế.
Dễ thấy, người lính hải quân chân chính rất ít, ví dụ như người luôn đề cao từ "chính nghĩa" trên đồng phục của mình, Smoker. Sau lần đụng độ băng Mũ Rơm tại Punk Hazard, nhân vật này thể hiện là người không mù quáng đặt sự khác biệt Hải quân – Hải tặc lên trước tính mạng của đồng đội. Smoker đã chấp nhận chiến đấu cùng băng Mũ Rơm để đảm bảo an toàn cho đám trẻ trở về nhà.
Ngay cả những người lính G5, họ đã phải hô to khẩu hiệu Hải quân tốt – Hải tặc xấu, chỉ để che đậy sự tôn trọng và quý mến mà họ dành cho băng Mũ Rơm. Vậy nên, không phải Hải quân nào cũng chính nghĩa, hay cướp biển nào cũng gian tà, hoàn toàn phục thuộc vào cách sống mà bạn chọn.
Chốt lại, để đánh giá chính tà trong One Piece, Oda-sensei đã gửi cho người đọc thông điệp ở đảo Người Cá. Madame Sharley nói với đám trẻ: "hãy tự nhìn bằng đôi mắt của mình". Khi được hỏi các anh là bạn hay thù, Luffy đã trả lời cư dân ở đây rằng: "đây là điều các bạn phải tự quyết định". Có lẽ với Luffy, người khác coi cậu như thế nào không quan trọng, vì đã là hải tặc thì là kẻ tự do và có thịt ăn là được!
Perona / One Piece FC in VietNam